Tình trạng cắt lỗ bất động sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt so với đầu năm 2023, tuy vậy, tìm hiểu thị trường được biết, phân khúc đất nền “vùng xa” của Tp.HCM vẫn trong tình trạng rao bán cắt lỗ khá nhiều. Đặc biệt, ở loại hình đất nền dự án tại các khu vực “xa xôi” so với Tp.HCM như Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), Chơn Thành, Đồng Xoài (Bình Phước) ghi nhận nhà đầu tư vẫn rao bán cắt lỗ, giảm từ 500- 800 triệu đồng/nền.
Đây hầu hết là các dự án đất nền bán từ thời điểm 2017-2018, chia thành nhiều phân khu và đợt mở bán ra thị trường. Trước đây, khi thị trường tốt, nhà đầu tư sẽ có lời nhưng mức lời không đáng kể (trên dưới 10% trong vòng 1-2 năm). Hiện những nhà đầu tư ôm hàng giai đoạn cuối năm 2019 đến nay gần như cắt lỗ so với giá mua vào. Tìm hiểu được biết, càng về thời điểm cuối năm, số lượng nhà đầu tư kẹt dòng tiền càng có dấu hiệu tăng lên. Do đó, môi giới cũng tăng cường rao bán.
Tuy nhiên, theo các môi giới, giao dịch vẫn khá chậm. Một số giao dịch xuất hiện thời điểm này chủ yếu ở các nền giảm giá sâu, vị trí đẹp. Trong khi, có một số nền đất giảm đến hơn 50% nhưng vẫn khó tìm được khách mua. “Khi có nhiều lựa chọn ở sản phẩm bán lỗ, người mua có xu hướng xét kỹ các yếu tố khác, vì thế họ chỉ xuống tiền khi đó là một sản phẩm “hoàn hảo” các yếu tố và có giá giảm mạnh”, một nam môi giới chia sẻ.
Mới đây, trên trang cá nhân của một môi giới hiện đang bán dự án đất nền tại Bình Phước liên tục đăng tải thông tin cắt lỗ như: “Bán lỗ sâu nền đất chỉ 820 triệu”,“bể nợ nên bán rẻ chỉ 1 tỉ đồng/nền”, “ngộp sâu, hạ 500 triệu đồng”, “lô góc cắt lỗ 600 triệu”… cùng hàng loạt thông tin đi kèm về vị trí lô đất. Đáng nói, trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11, môi giới này liên tục đăng tin rao bán cắt lỗ cho khách đầu tư. Với các nền đất mua từ 900 triệu đến 2 tỉ đồng/nền hiện rao bán giảm hàng trăm triệu đồng mỗi nền là không ít tại các tỉnh thành.
Anh T, một nhà đầu tư kiêm môi giới nhà đất hiện sống tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cho biết, cách đây 3 tháng anh rao bán lô đất nền dự án tại tỉnh giảm 400 triệu đồng/nền nhưng không bán được. Đến nay, anh tăng mức giảm lên 600 triệu đồng/nền nhưng vẫn không nhận được cuộc gọi nào từ môi giới báo lại hay người mua. Được biết, lô đất này anh T mua từ cuối năm 2019 tại một dự án quy mô lớn tại Chơn Thành. Hiện anh T sở hữu một số tài sản bất động sản không thể bán ra nên anh rao bán lỗ lô đất này mong bán được giải quyết khó khăn tài chính trước mắt nhưng vẫn không thể bán được dù giảm giá sâu.
Tại thị trường Nhơn Trạch (Đồng Nai) hiện cũng khá nhiều nền đất rao bán cắt lỗ. Nhà đầu tư mua nền đất giá 1,4 tỉ đồng/nền (thời điểm cuối năm 2021), hiện rao bán 900 triệu đồng nhưng vẫn khó giao dịch. Theo môi giới khu vực, những nhà đầu tư ra hàng từ đầu năm 2022 giá còn đi ngang hoặc tăng nhẹ so với năm 2021. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, các nền đất “lao dốc” về giá. Dù cắt lỗ khá nhiều nhưng giao dịch vẫn rất chậm.
Tìm hiểu thị trường bất động sản tỉnh nhận thấy, tình trạng nhà đầu tư “mắc kẹt” với đất nền diễn ra khá phổ biến. Nếu những nhà đầu tư có tài chính tốt ở trạng thái giữ tài sản chờ đợi thì các nhà đầu tư mới, vốn mỏng cố rao bán để thu dòng tiền. Ngay khi có một số tín hiệu giao dịch từ thị trường thì lượng hàng môi giới nhận bán ra có dấu hiệu tăng lên.
Theo các môi giới, nhiều nhà đầu tư tranh thủ lúc thị trường có tín hiệu đã gửi bán mong bán được. Đáng nói, với đất nền dự án tại các tỉnh xa xôi của Tp.HCM đa số nhà đầu tư mới tham gia thị trường, các trường hợp sử dụng vốn vay ngân hàng cũng không ít. Vì vậy, khi gặp lúc thị trường biến động, tình trạng rao bán cắt lỗ diễn ra nhiều. Tuy nhiên, thời điểm này để ra được là điều không dễ dàng.
Anh Thắng, một môi giới đất tỉnh cho hay, từ quý 3/2023, thị trường đã có một số giao dịch nhưng ít hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Chủ yếu là đất thổ cư lẻ, có sẵn sổ đỏ, đất dự án khó bán. Hiện một số giao dịch thường có nhiều môi giới cùng kết hợp bán, điều này cho thấy, tìm được khách mua trong thời điểm này là khá khó khăn.