Qua nhiều năm phát triển, E-learning (học trực tuyến) trở thành biểu tượng của sự hiện đại và tiên tiến trong lĩnh vực giáo dục. Theo dự báo của Global Market Insights, thị trường E-learning đạt 399 tỷ USD năm 2022 và có thể lên mức một nghìn tỷ trong khoảng 2028-2032. Tuy nhiên, mô hình E-learning truyền thống thường có cấu trúc cố định, tài liệu giảng dạy không linh hoạt và ít điều chỉnh nội dung dựa theo tiến độ của từng học viên. Dù tiết kiệm thời gian, thuận tiện trong việc truy cập tài liệu học, mô hình này khó có thể tối ưu hóa trải nghiệm cho mỗi học viên cụ thể.
Một điểm trừ khác của E-learning kiểu cũ là thiếu sự tương tác trực tiếp. làm giảm sự hấp dẫn trong quá trình học tập, cũng như có thể dẫn đến tình trạng thiếu tự giác và kỷ luật trong hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó, giới trẻ thích trải nghiệm học tập theo cách riêng và muốn nhận phản hồi, hướng dẫn cụ thể, tức thì. Người trẻ vốn năng động và linh hoạt, nên việc phải theo dõi một buổi học dài sẽ làm giảm sự hứng thú và tò mò. Họ cũng yêu thích định dạng video ngắn, hoạt động tương tác và thích sử dụng điện thoại di động trong học tập, làm việc và giải trí.
Xu hướng Adaptive Learning (học tập thích ứng) đã giải quyết những hạn chế và nhu cầu trên bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu và tùy chỉnh nội dung cho từng học viên cụ thể. Sự ra đời của Adaptive Learning được đánh giá đang tạo nên một cuộc cách mạng trong học tập trực tuyến. Thay vì một bài học chung cho tất cả, Adaptive Learning cung cấp nội dung và phương pháp phù hợp dựa trên nhu cầu, khả năng và tốc độ của học viên.
Thông qua AI, Adaptive Learning thu thập và phân tích dữ liệu về hành vi học tập của học viên, bao gồm tiến độ, kết quả kiểm tra, thời gian học và các dạng phản hồi khác. Dựa trên những dữ liệu này, hệ thống sẽ tùy chỉnh nội dung như mức độ khó của bài học, tài liệu bổ sung và đề xuất các hoạt động phù hợp.
Điểm đặc biệt của Adaptive Learning là khả năng phản hồi liên tục và tức thì. Thông qua việc theo dõi và phân tích dữ liệu học tập theo thời gian thực, hệ thống có thể đề xuất nội dung theo tiến độ của người học. Điều này giúp tối ưu hóa việc hấp thụ kiến thức và tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa và hiệu quả hơn.
Do là xu hướng mới, hiện chưa có thống kê cụ thể về Adaptive Learning, nhưng Global Market Insights dự đoán thị trường này sẽ tăng trưởng nhanh chóng và mạnh mẽ trong thời gian tới, nhất là trong cơn sốt AI. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lớn đã kết hợp hai mô hình Adaptive Learning và microlearning trong chương trình đào tạo và phát triển nhân sự để mang đến trải nghiệm học tập linh hoạt và hiệu quả hơn cho nhân viên. Microlearning (học vi mô) việc chia nội dung học tập thành các phần nhỏ, dễ tiêu hóa, thường chỉ kéo dài vài phút, thậm chí ít hơn. Phương pháp này thường được thiết kế để tương tác với người học ở mức độ tối ưu và hấp dẫn nhất.
Ông Phan Hồ Hà Phương, Trưởng phòng giải pháp AI của FPT Smart Cloud, giải thích: "Thay vì tổ chức lớp đào tạo tập trung hàng trăm người như trước, mô hình đào tạo mới đi theo phương thức học vi mô thích ứng (adaptive microlearning). Có nghĩa, mỗi người học sẽ tham gia khóa học ngắn chỉ 3-5 phút mỗi ngày trên điện thoại di động. Kiến thức của họ được đánh giá nhanh chóng và xác định ra những lỗ hổng cần bổ sung, từ đó thuật toán thích ứng của AI sẽ đưa ra nội dung học phù hợp cho đến khi người học lấp đầy được lỗ hổng".
Chẳng hạn, với quy mô hơn 100.000 nhân viên, Unilever đã triển khai sáng kiến Tương lai Công việc, trong đó áp dụng phương pháp học vi mô thích ứng trong đào tạo nhân viên. Công ty chia nhỏ nội dung đào tạo thành các mô-đun dễ tiếp thu, cùng chiến lược “trò chơi hóa”, tức đưa ra các cấp độ, thưởng, thách thức và bảng xếp hạng để tăng động lực cho việc hoàn thành mục tiêu. "Tại Unilever, chúng tôi nói về việc học dễ tiếp nhận, còn gọi là học một chút một lần, vì theo xu hướng của xã hội, khả năng tập trung vào các nhiệm vụ của con người đang giảm dần qua các năm”, Leena Nair, cựu Giám đốc Nhân sự cấp cao của Unilever, chia sẻ trên Forbes.
Tương tự, từ năm 2021, Bosch cũng dịch chuyển từ các hội thảo, bài thuyết trình truyền thống vốn kéo dài sang việc cung cấp cho nhân viên các "viên ngọc thông tin cỡ nhỏ” để tăng hiệu quả. "Đưa niềm vui vào việc học rất quan trọng. Và tất nhiên, chúng tôi tin vào những bài học nhỏ gọn và di động”, Jane Tham, Giám đốc nhân sự tại Bosch Singapore, cho hay.
Còn tại Việt Nam, các nhà thuốc của FPT Long Châu đã hợp tác với FPT Smart Cloud để phát triển dự án AI Mentor trong đào tạo dược sĩ. FPT AI Mentor tích hợp ngay trên nền tảng Zalo để dược sĩ học tại bất kỳ đâu thông qua "bộ ngân hàng câu hỏi" về kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực Dược. AI Mentor giúp người học "luyện" trí nhớ và cập nhật kiến thức liên quan. Từ kết quả thực tế, hệ thống sẽ đóng vai trò là "người cố vấn", định hướng và cá nhân hóa lộ trình phát triển cho mỗi nhân viên.
“E-learning không lỗi thời, mà đang được các doanh nghiệp tiếp thêm sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, cũng như chia nhỏ theo từng module, từ đó khiến việc học trực tuyến trở nên thú vị với mỗi nhân viên, tạo ra môi trường học tập cá nhân hóa hơn, tương tác hơn, thúc đẩy nhân viên, nhất là những người trẻ năng động, đạt được tiềm năng học tập tối đa của mình. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình đào tạo và phát triển nhân sự, mà còn tạo ra một môi trường làm việc tích cực và sáng tạo”, ông Phan Hồ Hà Phương nhận định.