Đại học Văn Lang dự kiến có 7 trường thành viên

Thu Thủy | 17:02 22/12/2022

Trong lễ “Công bố nhận diện thương hiệu mới” sáng 22/12, Trường Đại học Văn Lang công bố nhận diện thương hiệu mới: “Đại học Văn Lang - Đại học Việt Nam chuẩn quốc tế” với logo mới. Bên cạnh đó, trường dự kiến tái cấu trúc các khoa thành bảy trường thành viên.

Đại học Văn Lang dự kiến có 7 trường thành viên
Trường Đại học Văn Lang dự kiến tái cấu trúc các khoa thành 7 trường thành viên.

Cụ thể, tính tới năm 2022, Trường ĐH Văn Lang có hơn 100 chương trình học, với 66 ngành học thuộc 7 lĩnh vực đào tạo sở hữu chương trình giảng dạy đối sánh với các trường thuộc top 100 - 200 trên thế giới.

Theo dự kiến, các trường thành viên được tái cấu trúc từ 26 khoa hiện có của trường. Dự kiến sẽ có bảy trường thành viên gồm: Trường Kinh tế, Trường Công nghệ, Trường Quản trị du lịch, Trường Khoa học sức khỏe, Trường Nghệ thuật, Trường Kiến trúc, Trường Xã hội và Nhân văn.

Về chương trình, giáo trình giảng dạy, Trường ĐH Văn Lang chú trọng vào kiến tạo tri thức mới và phát triển đa dạng các chương trình liên kết với các trường ĐH top đầu thế giới. Nhà trường cũng đầu tư cơ sở vật chất chất lượng 5* theo chuẩn QS. Tất cả đều hướng tới mục tiêu kiến tạo môi trường quốc tế cho sinh viên.

z3979857187753_f20afddfde03226e0e0f4b7dfccd2a1d.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang phát biểu tại buổi lễ “Công bố nhận diện thương hiệu mới” sáng 22/12.

“Thực tế cho thấy, sinh viên Việt Nam vẫn đang có tâm lý thiếu tự tin nhất định khi bước vào môi trường công việc chuẩn quốc tế, so với người lao động tới từ các quốc gia phát triển khác. Với việc cải tiến chất lượng dạy và học cùng đội ngũ giảng viên chuẩn QS 4*, với tư duy và góc nhìn mới. Đại học Văn Lang chuyển mình để góp phần kiến tạo những thế hệ sinh viên mới – làm như thợ giỏi, nghĩ như triết gia, xóa tan khoảng cách giữa nhân lực Việt Nam và thế giới, mở ra cơ hội phát triển rộng hơn cho các em” Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang chia sẻ.

Ngoài ra, trong khuôn khổ buổi lễ có diễn ra chương trình tọa đàm, với chủ đề “Sự chuyển mình của giáo dục đại học để đáp ứng các năng lực cần thiết cho lực lượng lao động tương lai”.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM - cho rằng, “Sinh viên đại học hiện nay biết rất nhiều nhưng chưa coi trọng việc hiểu”.

Theo bà, việc biết nhiều nhưng hiểu ít sẽ không tốt bằng biết vừa vừa nhưng hiểu rộng và sâu.

Ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang cũng cho rằng: “Trường đại học dạy cho sinh viên nhiều thứ, sinh viên cái gì cũng biết nhưng nhiều khi lại chưa biết cách làm việc. Thế nên trường đại học cũng cần xem cái gì cần bỏ nên mạnh dạn bỏ, cái gì thiếu phải nhanh chóng bổ sung”.

Ông Trí nói thêm: “Trường đại học dạy kiến thức, kỹ năng đang cần trong hiện tại nhưng bốn năm sau, khi sinh viên ra trường, những điều học được đã lỗi thời. Do đó, trong một năm học, trường vài lần mời doanh nghiệp đến đối sánh để xem cần phải bổ sung kiến thức, kỹ năng nào cho phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, môi trường kinh doanh, xã hội”.

Đồng quan điểm, bà Phan Tú Quyên - Giám đốc vận hành và thành viên Ban lãnh đạo Microsoft Vietnam đưa ra ý kiến: “Sinh viên Việt Nam vào Microsoft học rất nhanh, thi các chứng chỉ rất tốt nhưng việc giải quyết vấn đề chưa thực sự tốt. Phải mất khoảng sáu tháng đào tạo các bạn mới có thể làm việc tốt.

Biết, hiểu là tốt nhưng cần phải biết giải quyết vấn đề hướng đến kết quả cụ thể. Đó là tư duy. Trường đại học hiện đào tạo nhiều kiến thức, kỹ năng nhưng nên chăng cần cho sinh viên làm những bài tập để giải quyết những vấn đề cụ thể của xã hội. Không cần các bạn phải làm đúng nhưng khi làm, các bạn sẽ học được cách tư duy”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đại học Văn Lang dự kiến có 7 trường thành viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO