Ngày 19/5, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Tập đoàn Westinghouse (Mỹ) về điện hạt nhân.
Việt Nam đã có chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân nhằm bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao, năng lượng tái tạo chưa thực sự ổn định.
Tiếp cận theo hướng thận trọng, hiện đại và phù hợp với thực tiễn, Việt Nam hiện có nhiều địa điểm tiềm năng để phát triển điện hạt nhân.
Hai bên thống nhất chia sẻ thông tin, tiến tới ký MOU giữa Westinghouse và Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam-PVN) trong lĩnh vực phát triển điện hạt nhân.
Hai bên cũng tiếp tục thúc đẩy hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như phát triển các mô hình đầu tư hạ tầng năng lượng (PPP, BOT), chuyển giao công nghệ cũng như đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực kỹ thuật phục vụ ngành điện hạt nhân.
Westinghouse cung cấp công nghệ cho 60% các lò phản ứng hạt nhân tại Mỹ
Westinghouse bắt nguồn từ năm 1886 là một bộ phận của Công ty điện lực Westinghouse (Westinghouse Electric Corporation). Sau nhiều thương vụ mua bán sáp nhập, bộ phận điện nguyên tử của Westinghouse được tách riêng và thành lập vào năm 1999 với tên đầy đủ là Westinghouse Electric Company LLC.
Hiện nay, Westinghouse đang có các hoạt động chính là cung cấp lò phản ứng hạt nhân lớn AP1000 và nhỏ AP300, lưu trữ năng lượng, lò phản ứng siêu nhỏ, và nguyên liệu hạt nhân.
Trên website, Westinghouse cho biết 60% các lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ sử dụng công nghệ của mình.

Năm 2018, Toshiba (Nhật Bản) - khi đó là chủ sở hữu - đã bán lại Westinghouse cho Brookfield của Canada với giá 4,6 tỷ USD. 1 thập kỷ trước đó, Toshiba đã bỏ ra 5 tỷ USD để mua công ty này.
Theo Reuters, Westinghouse gặp thất bại ở dự án Vogtle ở bang Georgia và V.C. Summer ở bang South Carolina. Mỗi dự án bao gồm 2 lò phản ứng hạt nhân AP1000 (tổng 4 lò phản ứng) với chi phí xây dựng lớn, chủ yếu do các yêu cầu về an toàn và phí nhân công-thiết bị cao hơn dự tính.
Trong khi nhánh xây dựng gặp khó thì Westinghouse vẫn thành công ở nhánh cung cấp nguyên liệu hạt nhân và dịch vụ cho nhà máy điện hạt nhân.
Chuyển hướng sang điện hạt nhân nhỏ SMR
Tháng 5/2023, Westinghouse giới thiệu mẫu lò phản ứng hạt nhân nhỏ AP300, dự kiến có thể thay đổi ngành SMR. Lò phản ứng này tích hợp công nghệ của lò AP1000 nhưng được hiệu chỉnh cho quy mô nhỏ 300 MW.

Westinghouse đặt mục tiêu sẽ được nhận giấy chứng nhận thiết kế cho AP300 vào năm 2027 và bắt đầu xây dựng lò AP300 đầu tiên vào năm 2030.
Westinghouse đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) để cung cấp AP300 cho nhiều đối tác ở Anh, Ukraine, CH Séc, Canada, Mỹ.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), các lợi thế của SMR là quy mô nhỏ có thể lắp đặt dễ hơn, phù hợp với các địa điểm không thể xây nhà máy điện hạt nhân lớn. Đặc biệt, việc lắp đặt theo từng module có thể giúp giảm thời gian xây dựng đáng kể.
Quy mô nhỏ cũng phục vụ thể đáp ứng được nhu cầu truyền tải điện thấp ở nơi có hạ tầng chưa phát triển.
Ngoài ra, IAEA nói rằng SMR có thể nâng cấp thành mô hình nhà máy điện nổi (floating nuclear power plant-FNPP) để phục vụ nhu cầu điện ở khu vực đảo hay ven biển. Hiện nay, trên thế giới mới có duy nhất 1 FNPP là Akademik Lomonosov của Nga.