Đại biểu quốc hội: Siết giới hạn cấp tín dụng, thiệt cả ngân hàng và người đi vay

Văn Tuệ | 07:43 08/06/2023

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng việc sửa đổi luật theo hướng giảm hạn mức cấp tín dụng tối đa của ngân hàng đang đi ngược với kinh nghiệm quốc tế, gây khó khăn cho người vay vốn.

Đại biểu quốc hội: Siết giới hạn cấp tín dụng, thiệt cả ngân hàng và người đi vay

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi có đề xuất, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của các TCTD, trong khi luật hiện hành quy định tỷ lệ này là 15%. Ngoài ra, tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng và người có liên quan cũng được hạ từ 25% xuống còn 15% vốn tự có.

Đóng góp ý kiến về những sửa đổi này, tại phiên họp quốc hội ngày 5-6 vừa qua, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho biết, việc điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ tối đa cho vay khách hàng sẽ gây khó khăn cho người đi vay, đặc biệt là các doanh nghiệp. Vì DN phải tiếp cận cùng lúc với nhiều ngân hàng mới đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để triển khai dự án. Các chi phí liên quan đến tài chính cũng sẽ cao hơn rất nhiều, đặc biệt là cũng sẽ giảm sức cạnh tranh của ngân hàng. Mặt khác, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã nêu rõ, kinh nghiệm quốc tế đang quy định hạn mức này cao hơn so với luật hiện hành. 

Đại biểu nói thêm, ngay ở hiện tại, quy định hạn mức tối đa cũng đã gây khó cho các tổ chức kinh tế. Nhiều doanh nghiệp hay dự án lớn do không được cấp đủ vốn tín dụng phải đi huy động từ các nhiều nguồn khác. Ngoài ra, việc doanh nghiệp phải vay tại nhiều ngân hàng, phải đáp ứng nhiều điều kiện khác nhau của các tổ chức tín dụng, trong khi lại không có nguồn tài trợ chính cũng sẽ có thể dẫn đến nhiều rủi ro, khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi hay xảy ra tranh chấp.

“Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc và rà soát các quy định liên quan đến hạ mức chủ sở hữu, hạ mức vốn vay cho từng khách hàng và quy định với những người liên quan. Đây là nội dung nhằm giải quyết vấn đề sở hữu chéo, song tôi thấy rằng cũng chưa có cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học để đưa ra những quy định này” đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cũng góp ý thêm các nội dung khác để hoàn thiện các quy định tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng về: Giới hạn sở hữu vốn (Điều 55), không đồng thời đảm nhiệm chức vụ (Điều 34), vấn đề người liên quan (Điều 4), giảm giới hạn tối đa cho vay trên một khách hàng và nhóm khách hàng có liên quan (Điều 127); vấn đề xử lý nợ xấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém và một số nội dung liên quan đến công tác chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt.

nguyen-ngoc-bao-anh-tchi-1685972246958.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: Quốc hội)

Trước đó, tại tờ trình về Dự Luật các TCTD sửa đổi, theo giải thích của Chính phủ, các giới hạn cấp tín dụng hiện nay được xây dựng trên cơ sở tính toán quy mô vốn tự có của các tổ chức tín dụng từ năm 2010. Từ thời gian đó đến nay, vốn tự có của các đơn vị đã tăng đáng kể (khối TCTD nhà nước tăng từ 6 đến 10 lần, khối NHTMCP tăng khoảng từ 3 đến 10 lần, khối TCTD nước ngoài/chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng từ 2 đến 8 lần). Với giới hạn cấp tín dụng theo quy định tại Luật hiện hành thì số dư nợ cấp tín dụng tuyệt đối cho một khách hàng hoặc khách hàng và người có liên quan cũng tăng rất nhiều. Việc giảm giới hạn cấp tín dụng thời điểm này không hạn chế nguồn vốn tín dụng cấp cho sản xuất kinh doanh mà ngược lại, giúp cho nhiều khách hàng khác có thể tiếp cận được thêm nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.


(0) Bình luận
Đại biểu quốc hội: Siết giới hạn cấp tín dụng, thiệt cả ngân hàng và người đi vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO