Lễ trao giải thưởng “Thành phố Thông minh Việt Nam 2021” do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức vừa qua đã gọi tên Thành phố Đà Nẵng.
Trong những năm qua, Đà Nẵng đã được ghi nhận và vinh dự đạt được các giải thưởng trong nước và quốc tế như xếp hạng Nhất chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng, Giải thưởng Thành phố thông minh ASOCIO 2019, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2019, 2020 và 2021, Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2020.
Thành phố Đà Nẵng tiếp tục nhận được Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2021 - giải thưởng danh giá và duy nhất cho nhóm thành phố/đô thị và 3 giải thưởng lĩnh vực gồm: Thành phố Điều hành quản lý thông minh, Thành phố Y tế thông minh, Thành phố Quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch là vinh dự lớn của thành phố.
Từ đầu năm 2019, Đà Nẵng triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh đến 2025, định hướng đến năm 2030.
Năm 2021, thực hiện chủ trương chuyển đổi số quốc gia, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 và UBND thành phố ban hành đề án Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Việc triển khai chuyển đổi số là huy động thêm nhiều biện pháp, giải pháp, đặc biệt là sự tham gia của người dân, doanh nghiệp để mục đích cuối cùng là Đà Nẵng trở thành đô thị thông minh vào năm 2030.
Đà Nẵng có hạ tầng viễn thông công cộng kết nối nội mạng tốc độ cao; đã hoàn thành phủ sóng mạng 3G, 4G, Internet băng rộng cố định, truyền hình số mặt đất và bước đầu triển khai mạng 5G.
Thành phố đã đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng cho các cơ quan Nhà nước, hệ thống wifi công cộng với 430 trạm thu phát sóng chuyên dụng tới các cơ quan, các địa điểm du lịch và khu vực công cộng cùng hơn 1.000 trạm của các doanh nghiệp.
Trung tâm dữ liệu thành phố được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế TIER III, sử dụng công nghệ ảo hóa, bảo đảm năng lực tính toán và dung lượng lưu trữ phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử và đang được nâng cấp, mở rộng để xây dựng thành phố thông minh.
Thành phố cũng đã hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu nền; hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt sử dụng dữ liệu số (sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép đăng ký kinh doanh) thay thành phần hồ sơ người dân phải nộp.
Hình thành kho dữ liệu dùng chung thành phố, đang được mở rộng để tích hợp các loại dữ liệu phi/bán cấu trúc; đưa vào sử dụng cổng dữ liệu mở từ tháng 10/2019, cung cấp hơn 600 tập dữ liệu mở với nhiều lĩnh vực và qua nhiều kênh tra cứu, khai thác (web, API, SMS, Zalo)…