Đã giải ngân 55.000 tỷ đồng chương trình phục hồi và phát triển

Lam Giang | 14:41 06/09/2022

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế có xu hướng phục hồi ngày càng tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn. Đến nay, đã giải ngân 55.000 tỷ đồng trong chương trình phục hồi và phát triển.

Đã giải ngân 55.000 tỷ đồng chương trình phục hồi và phát triển
Đến nay Chính phủ đã giải ngân được 55.000 tỷ đồng trong chương trình phục hồi và phát triển. (Ảnh: Int)

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 ngày 6/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022; thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo báo cáo, trong tháng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi rất tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra…. kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục giải quyết những vấn đề yếu kém tồn đọng kéo dài; ứng phó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI tính chung 8 tháng tăng 2,58%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021. Giá cả các mặt hàng thiết yếu giảm nhẹ, bảo đảm nguồn cung điện, xăng dầu.

Thị trường tiền tệổn định, duy trì mặt bằng lãi suất, tỉ giá hợp lý để kiềm chế lạm phát; thu ngân sách 8 tháng ước đạt 85,6% dự toán, tạo dư địa điều hành chính sách tài khóa, hỗ trợ chính sách tiền tệ.

Xuất nhập khẩu tháng 8 ước tăng 17,3% so với cùng kỳ; nền kinh tế tháng 8 ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD, tính chung 8 tháng xuất siêu 3,96 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc, nhiều ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi tốt, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 8 tháng đạt gần 150.000 doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; biểu thị niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp vào ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế nước ta.

Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm; công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 được chú trọng; ngành giáo dục tích cực triển khai hoạt động tuyển sinh các cấp; quốc phòng an ninh được bảo đảm.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước. Những yếu tố này chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn, trong khi tình hình hạn hán tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới, khu vực trong ngắn hạn.

Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Thu hút FDI gặp nhiều khó khăn, FDI đăng ký cấp mới 8 tháng chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỉ giá, thu hút công nghệ cao… trong trung và dài hạn.

Xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái; hoạt động sản xuất, kinh doanh trongnước còn gặp nhiều khó khăn.

Về triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nhìn chung, sau gần 8 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã tiếp tục chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Đến ngày 2/9, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: Các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỷ đồng; Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỷ đồng cho gần 4,54 triệu lao động; hỗ trợ 2% lãi suất đạt 13,5 tỷ đồng; Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng; Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp và chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt; việc hỗ trợ lãi suất 2% còn hạn chế…

Về giải ngân đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đến ngày 31/8 là hơn 212.227 tỷ đồng, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tính về số tuyệt đối giải ngân thì cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 24.942 tỷ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đã giải ngân 55.000 tỷ đồng chương trình phục hồi và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO