Cuộc khủng hoảng kỳ lạ ở Nigeria: Đổi tiền mới nhưng tiền không đủ

Băng Băng | 15:19 16/02/2023

Người dân Nigeria đang không hiểu chuyện gì xảy ra khi chỉ sau 1 đêm, tiền của họ thành đống giấy lộn, có tiền mà chẳng mua nổi bữa cơm.

Cuộc khủng hoảng kỳ lạ ở Nigeria: Đổi tiền mới nhưng tiền không đủ
Đồng Naira của Nigeria

Theo hãng tin Bloomberg, Nigeria đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ chính sách đổi tiền thiếu chặt chẽ. Mục tiêu ban đầu của kế hoạch là xóa sổ nền kinh tế bất hợp pháp giao dịch bằng tiền mặt, đổi tiền mới để buộc người dân đưa đồng Naira vào ngân hàng.

Trớ trêu thay, hệ thống ngân hàng của nước này lại hết sạch tiền mới để đổi cho người dân trước khi những đồng Naira cũ trên thị trường biến mất, tạo ra cuộc khủng hoảng kỳ lạ nhất tại Châu Phi.

Kế hoạch ban đầu

Ngày 15/12/2022, chính phủ Nigeria đổi màu và thiết kế của tờ 200-500-1.000 Naira và yêu cầu người dân đổi tiền mới. Kế hoạch ban đầu là khi người dân đi đổi tiền ở ngân hàng, họ sẽ lựa chọn mở tài khoản hoặc chuyển qua thanh toán trực tuyến trong giao dịch để hạn chế nền kinh tế phạm pháp.

Thậm chí Nigeria đã thuê tới 1,4 triệu nhân viên chính phủ rải ra khắp cả nước chỉ với mục đích tuyên truyền, khuyến khích người dân đi đổi tiền trước khi chấm dứt thời hạn lưu thông tiền cũ. Ngân hàng trung ương đã yêu cầu tạm thời bãi bỏ phí gửi tiền mặt, đồng thời buộc các ngân hàng thương mại phải làm việc cả cuối tuần để đổi tiền cho người dân.

Thống đốc ngân hàng trung ương Nigeria Godwin Emefiele (trái) và Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari (phải)

Động thái của Nigeria được cho là hợp lý khi 85% lượng tiền lưu thông trên thị trường không thông qua ngân hàng, còn 70% giao dịch là bằng tiền mặt. Tổng giá trị tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế Nigeria đã tăng gấp đôi kể từ năm 2015 lên 3,23 nghìn tỷ Naira, tương đương 7 tỷ USD, qua đó khiến tình hình lạm phát leo thang và gây khó khăn cho các chính sách điều tiết kinh tế của chính phủ.

Thống đốc ngân hàng trung ương Godwin Emefiele nhận định chiến dịch đổi tiền này sẽ giúp kìm hãm lạm phát, suy giảm tham nhũng cũng như các hành vi tội phạm. Theo Bloomberg, Nigeria vốn nổi tiếng vì tệ nạn bắt cóc tống tiền khi mỗi năm có hàng nghìn vụ diễn ra và nạn nhân buộc phải thanh toán bằng tiền mặt.

Đổ bể

Hãng tin Bloomberg nhận định việc thu hồi 2,7 nghìn tỷ Naira trong nền kinh tế nhờ một hệ thống ngân hàng yếu kém là thách thức cực lớn ở Nigeria, bởi chính phủ không dự đoán được bao nhiêu tiền mặt sẽ được người dân mang đến và họ sẽ tập trung ở điểm đổi tiền nào.

Hiện Nigeria chỉ có 4,5 ngân hàng trên bình quân mỗi 100.000 người, mức thấp nhất trên thế giới. Đất nước này chỉ có 35% phụ nữ và 47% nam giới là có tài khoản ngân hàng.

Hậu quả là các chi nhánh bị quá tải, không đủ tiền mới đổi cho người dân, gây ảnh hưởng đến công việc kinh doanh thường ngày cũng như cuộc sống của mọi người. Thậm chí hệ thống thanh toán trực tuyến của nước này cũng bị đẩy đến mức quá tải khi người dân đua nhau sử dụng. Người dùng sẽ phải đợi hàng giờ đồng hồ mới hoàn thành được giao dịch, hoặc thậm chí giao dịch thất bại sau nhiều tiếng chờ đợi.

Quá bức xúc, hàng loạt các cuộc biểu tình và bạo loạn đã diễn ra khi người dân tràn vào các chi nhánh ngân hàng đập phá.

Bất chấp tình hình này, Bộ trưởng tài chính Zainab Ahmed của Nigeria khẳng định việc thu hồi hàng nghìn Naira tiền mặt vào hệ thống ngân hàng đã là thành công lớn.

Trong khi đó, Thống đốc Emefiele thì cho biết tình hình đang dần chuyển biến tốt lên và mọi người nên kiên nhẫn. Ông Omefiele cũng cáo buộc nhiều đối tượng chính trị gia lợi dụng tình hình để phá hoại kế hoạch đổi tiền của nhà nước, trong khi nhiều kẻ đầu cơ đã tích trữ tiền mới khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn.

Hoang mang

Tờ DW của Đức cho hay rất nhiều người dân Nigeria đang lâm vào tình cảnh chẳng hiểu chuyện gì diễn ra khi họ đi đổi tiền theo quy định của chính phủ nhưng không được, dùng tiền cũ thì nhiều cơ sở không chấp nhận do mang ra ngân hàng không đổi được.

“Rất nhiều hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân tại Nigeria đều dựa vào tiền mặt chứ không phải thanh toán trực tuyến. Bởi vậy sự đình trệ này ảnh hưởng rất lớn đến người dân”, tiến sĩ Ernest Ereke của trường đại học Abuja than thở.

“Thật tồi tệ, chúng tôi chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra cả. Ví dụ nhưng hiện tại tôi đang rất đói nhưng chẳng có tiền mới để mua thực phẩm, vậy tôi phải làm thế nào đây?”, một người dân Nigeria nói với tờ DW.

Kể từ tháng 1/2023, quy định mới của ngân hàng trung ương nước này chỉ cho phép người dân rút 100.000 Naira, tương đương 217 USD mỗi tuần. Trong khi đó, chính phủ nước này mới thu hồi lại có 1,3 nghìn tỷ Naira trên tổng số 3,23 nghìn tỷ.

Người dân xếp hàng đổi tiền ở Nigeria

Tồi tệ hơn, dù người dân được đổi tiền miễn phí ở ngân hàng nhưng nếu họ ra các máy rút tiền tự động thì lại mất phí, và số lệ phí này đang tăng lên từng ngày khi lượng tiền mới chẳng đủ.

“Nếu bạn định đổi tiền mới cho người dân thì hãy làm nó một cách đàng hoàng, chuẩn bị đủ tiền mới, phân bổ rộng rãi, thuận tiện cho mọi người chứ không phải kiểu như thế này”, một người dân bức xúc với DW.

Cũng theo DW, việc thiếu tiền mới đã kích hoạt thị trường chợ đen khi nhiều kẻ đầu cơ tích trữ và giao dịch chúng với tỷ giá bất hợp lý nhằm kiếm lợi nhuận từ cuộc khủng hoảng đổi tiền trên.

*Nguồn: Bloomberg, DW

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cuộc khủng hoảng kỳ lạ ở Nigeria: Đổi tiền mới nhưng tiền không đủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO