Cuộc “đua” lãi suất huy động tác động thế nào tới lãi suất cho vay?

Dương Trang | 09:22 02/11/2022

Cuộc“đua” lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng từ nay tới cuối năm, điều này tạo thêm áp lực cho đối tượng vay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ có trần lãi suất cho vay ưu tiên, các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp hơn thị trường.

Cuộc “đua” lãi suất huy động tác động thế nào tới lãi suất cho vay?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng sẽ có trần lãi suất cho vay ưu tiên, các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp hơn thị trường. (Ảnh: Int)

Tháng 11, lãi suất huy động trên thị trường tiếp tục ở mức cao. Thậm chí có ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất từ 10,5 - 11%/năm. Song thực tế, để được hưởng mức lãi suất này là điều không dễ.

Tại kỳ hạn 9 tháng, Nam A Bank đưa ra sản phẩm Happy Future với mức lãi suất trong 3 tháng đầu lên tới 11%/năm, 6 tháng cuối có lãi suất 5,95%/năm.

SCB đang là ngân hàng niêm yết mức lãi suất cao nhất thị trường là 9,3%/năm cho các kì hạn 15, 18, 24, 36 tháng (áp dụng cho hình thức gửi tiền trực tuyến).

Tại Ngân hàng Quốc dân - NCB, khách hàng cá nhân gửi tiền tiết kiệm theo gói An Phú được hưởng mức lãi suất cao nhất lên đến 8,95%/năm, kỳ hạn 60 tháng.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Vietcapital Bank) áp dụng lãi suất cao nhất là 8,9%/năm cho chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.

Theo thông báo của ngân hàng này, khách hàng chỉ cần gửi từ 100 triệu đồng trở lên là có thể nhận mức lãi suất cực kỳ ưu đãi: 8,6%/năm với kỳ hạn 6 tháng và 8,9%/năm với kỳ hạn 12 tháng.

Ngân hàng số Cake by VPBank vừa cập nhật bảng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn, áp dụng từ 10h sáng ngày 31/10/2022. Theo đó, với mức tiền gửi dưới 50 triệu đồng, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 6%/năm ở kỳ hạn 1 và 3 tháng; kỳ hạn 6 tháng lãi suất 8,6%/năm.

Theo các chuyên gia tài chính, hiện nay các ngân hàng đang công bố nhiều chương trình huy động vốn lãi suất hấp dẫn, nhưng đi kèm là những quy định khác nhau.

Đặc biệt với mức lãi suất cao điều kiện đi kèm là khách hàng phải gửi số tiền từ hàng chục đến hàng trăm tỷ, hiếm có khách hàng cá nhân nào đáp ứng được điều kiện trên. Đây chẳng qua là "chiêu" mà ngân hàng tung ra để thu hút khách hàng. Cũng có trường hợp ngân hàng ấn định lãi suất huy động cao và yêu cầu số tiền gửi như trên cho những kỳ hạn mà ngân hàng dùng làm tham chiếu để tính lãi suất cho vay.

Với diễn biến thị trường thời gian qua, trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSE) dự báo, mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022. Lý do là nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi; thanh khoản thị trường chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng; nhu cầu tiền mặt mùa cao điểm – Tết Nguyên đán tăng cao vào cuối năm sẽ tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.

Với những yếu tố trên, KBSE dự báo: “Mức tăng nhiều khả năng sẽ tăng 1-1,5%, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%”.

Theo đánh giá trong báo cáo vừa phát hành của khối nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), sau các lần tăng lãi suất điều hành, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại hiện vẫn phức tạp.

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng khi các yếu tố trong và ngoài nước đều không thuận lợi, ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản trước kỳ họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 11.

Với mức điều chỉnh kể trên, mặt bằng lãi suất đã cao hơn thời điểm trước đại dịch COVID – 19 khoảng 50-100 điểm cơ bản. Việc tăng lãi suất này không gây quá nhiều bất ngờ cho thị trường, tuy nhiên diễn biến lãi suất huy động ở các NHTMCP vẫn còn khá phức tạp.

Trong khi đó, trước đà tăng của lạm phát và sự thắt chặt của thị trường lao động, các nhà phân tích cho rằng một đợt tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm nữa gần như là chắc chắn trong cuộc họp chính sách vào tháng 11 của Fed. Điều này tiếp tục gây áp lực lên lãi suất điều hành của các nước, trong đó có Việt Nam.

Một báo cáo của Chứng khoán ACB (ACBS) cho thấy, từ nay đến cuối năm 2022, có khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất điều hành lên 0,5-1 điểm % thì tỷ giá sẽ dao động quanh mức hiện tại (24.800 - 25.200/USD).

Mới đây tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay, việc điều chỉnh lãi suất của ngân hàng điều này phù hợp với thế giới và điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước khi nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn, hội nhập sau rộng kinh tế quốc tế.

Phó Thống đốc nhấn mạnh thêm rằng, có ý kiến quan ngại về khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất là phù hợp với xu hướng chung, bảo đảm an toàn thanh khoản, bảo đảm khả năng huy động vốn để cho vay nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước có trần lãi suất cho vay ưu tiên, các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp hơn thị trường.

“Ngân hàng Nhà nước trong quá trình điều hành luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, các tổ chức kinh doanh”, Phó Thống đốc cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cuộc “đua” lãi suất huy động tác động thế nào tới lãi suất cho vay?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO