Người giàu nhất thế giới là ai, có lẽ nhiều người có thể trả lời rất nhanh. Nhưng người phụ nữ giàu nhất thế giới là ai, ít người có thể trả lời được mà không tìm kiếm trên Internet. Tính đến tháng 8/2022, tổng tài sản ròng của bà Francoise Bettencourt Meyers là 70,9 tỷ USD, theo ước tính của Forbes. Bà chính là người phụ nữ giàu nhất thế giới hiện tại.
Tiểu thư nhà tài phiệt sống nội tâm, kín tiếng
Francoise Bettencourt-Meyers là một nhà từ thiện, doanh nhân, nhà văn, nghệ sĩ dương cầm và là một người thừa kế khối tài sản kếch xù. Và bà cũng là người phụ nữ giàu nhất thế giới, tính đến thời điểm hiện tại.
Francoise Bettencourt-Meyers là người gốc Pháp, sinh ngày 10 tháng 7 năm 1953 tại Neuilly-sur-Seine, thủ đô Paris, trong một gia đình danh giá và giàu truyền thống, có vai vế trong xã hội Pháp.
Bà là cháu ngoại của Eugene Schueller, nhà sáng lập L'Oreal, một trong những tập đoàn mỹ phẩm và làm đẹp lớn nhất thế giới hiện nay. Nhờ phát minh ra công thức nhuộm tóc mới năm 1908, được gọi là L’Oreal, gia tộc này trở nên vô cùng giàu có.
Gia đình Bettencourt nổi tiếng trong giới thượng lưu Pháp với lối sống xa hoa. Mẹ bà, Liliane Bettencourt thừa kế tập đoàn L’Oreal từ ông ngoại, đồng thời sở hữu khoảng 21% cổ phần của Nestle và cũng từng là người phụ nữ giàu nhất châu Âu.
Tuy nhiên, con gái họ - Bettencourt Meyers - chưa bao giờ chạy theo lối sống xa hoa giống cha mẹ. Sinh ra trong gia đình giàu có chuyên về mỹ phẩm nhưng bà lại không quan tâm nhiều đến chuyện trang điểm hay quần áo cho bản thân. Bà cũng ít khi nhận trả lời phỏng vấn của các tạp chí thời trang và làm đẹp nổi tiếng thế giới.
Điều bà yêu thích là chơi piano và viết lách.
Trong cuốn sách "The Bettencourt Affair" (tạm dịch: Chuyện nhà Bettencourt) tác giả Tom Sancton tiết lộ rằng: "Bà ấy thực sự sống trong cái kén của chính mình và thường giao du chủ yếu trong phạm vi gia đình". Tác giả này cũng cho biết thêm, ngay từ nhỏ, Bettencourt Meyers đã luôn cảm thấy không thoải mái trong thế giới của người giàu, bà cũng không thích mua hay dùng những món đồ xa xỉ.
Cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng thập kỷ để giành quyền thừa kế
Là tiểu thư trâm anh thế phiệt, nhưng cuộc đời của bà Francoise Bettencourt-Meyers trải qua không ít sóng gió. Trong đó, biến cố lớn nhất là là cuộc chiến pháp lý giành quyền thừa kế kéo dài cả thập kỷ với bạn thân của mẹ mình. Không giống những người thừa kế tỷ USD thông thường, bà Francoise Bettencourt Meyers tập trung vào sự nghiệp văn học
Theo Vanity Fair, khi bước vào tuổi thiếu niên, mối quan hệ giữa bà Francoise Bettencourt Meyers và mẹ trở nên xấu đi. Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Pháp, bà Bettencourt từng gọi con gái Françoise là "một đứa trẻ lạnh lùng”.
Mối quan hệ giữa hai mẹ con nữ tỷ phú trở nên vô cùng căng thẳng khi bà Francoise Françoise khởi xướng cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng thập kỷ để giành quyền thừa kế, còn được gọi là “Cuộc chiến Bettencourt”. Theo tờ New York Times, bà cáo buộc bạn thân của mẹ - nhiếp ảnh gia François-Marie Banier - đã lợi dụng “tình cảm đơn phương” để thao túng, khiến mẹ bà đưa cho ông này gần 1,86 tỷ USD tiền mặt, tác phẩm nghệ thuật và bất động sản.
Tháng 12/2007, bà Francoise Bettencourt Meyers gửi đơn tố cáo hình sự đề giành quyền thừa kế tài sản. Khi đó, mẹ bà - Liliane Bettencourt được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ, đã bác bỏ cáo buộc của con gái. Bà này khẳng định, bà có quyền tự do chia sẻ tài sản của mình với Banier.
Vụ việc được đưa ra tòa xét xử vào năm 2015. Ông Bainer bị kết tội "lợi dụng điểm yếu" của người khác để chiếm đoạt tài sản và bị kết án 2,5 năm tù giam, đồng thời bồi thường 158 triệu euro cho bà Bettencourt. Tuy nhiên, sau đó ông này đã kháng cáo, bản án tù và phạt tiền đã được đảo ngược.
Vụ kiện cáo lùm xùm này khiến mối quan hệ mẹ con vốn căng thẳng trở nên không thể cứu vãn. Hai mẹ con nhà Meyers không nói chuyện với nhau kể từ đó. “Tôi không coi nó là con gái nữa và tôi cũng không muốn làm vậy”, bà Bettencourt Meyers cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2008.
Vào tháng 9 năm 2017, bà Liliane Bettencourt qua đời ở tuổi 94. Bà là người thừa kế duy nhất của L’Oreal và là một trong những cổ đông lớn của Nestle, vì thế, con gái bài cũng được thừa kế khối tài sản khổng lồ khoảng 46 tỷ USD.
Sau cái chết của mẹ, Francoise Bettencourt-Meyers bắt đầu giữ những vai trò lớn hơn ở L'Oreal khi tài sản của mẹ đều được truyền lại cho bà, và sau đó bà cũng trở thành chủ tịch của Tethys Invest, công ty gia tộc sở hữu L'Oreal.
Theo luật của Pháp, Francoise Bettencourt-Meyers cũng được thừa kế tối thiểu 50% khối tài sản bất động sản của mẹ. Điều này đã giúp tăng vọt giá trị tài sản ròng của Francoise Bettencourt-Meyers với những tài sản bất động sản rất giá trị mà bà được thừa kế bao gồm một biệt thự có phong cách trang trí hiện đại ở vùng ngoại ô giàu có Neuilly-sur-Seine ở Paris, Pháp, và một biệt thự khác ở gần Bờ biển Brittany, nơi bà đã lớn lên.
Kiểu sống ẩn dật của Bettencourt Meyers sẽ khó duy trì khi bà trở thành người đứng đầu khối tài sản lớn thứ tư châu Âu. Sau khi mẹ mình qua đời, bà Bettencourt Meyers chính thức “bước lên vũ đài” để lèo lái con tàu LOreal. Tuy nhiên, một thời gian sau bà đã nhường lại vị trí của mình trong hội đồng quản trị LOreal cho con trai Jean-Victor khi anh này mới 20 tuổi. New York Times gọi Jean-Victor là “hoàng tử bé” của công ty, một người cần được che chở, còn khá non nớt và ngại ngùng trước đám đông, ít kinh nghiệm thương trường.
Hơn cả một doanh nhân thành công
Francoise Bettencourt-Meyers hiện đang nắm giữ cổ phần lớn nhất tại L’Oreal, công ty sở hữu các thương hiệu Lancôme và Garnier. Cổ phần của bà tại L'Oreal ước tính chiếm khoảng 33,1%, tương đương giá trị khổng lồ 107,5 tỷ USD và bất chấp đại dịch năm 2020, vẫn đạt doanh thu không dưới 38,2 tỷ USD vào năm 2021.
Francoise Bettencourt-Meyers không chỉ có một sự nghiệp kinh doanh rực rỡ, mà còn trở thành một nhà văn thành công, một tác giả có tiếng. Bà là tác giả của những ấn phẩm nổi tiếng như một số bài bình luận Kinh thánh, Các vị thần Hy Lạp, Một cái nhìn về Kinh thánh, và các ấn phẩm truyện kể Do Thái-Cơ đốc khác. Cuốn sách Các vị thần Hy Lạp thậm chí đã giành giải “Cành Dương Liễu Xanh” – một giải thưởng văn học danh giá của nước Pháp .
Francoise Bettencourt-Meyers cũng điều hành một tổ chức từ thiện do gia đình bà thành lập. Tổ chức này chuyên cung cấp hỗ trợ cho các sáng kiến về khoa học và nghệ thuật ở Pháp, và vào năm 2019, kết hợp với tập đoàn L'Oreal, Francoise Bettencourt-Meyers và gia đình đã quyết định chi 229 triệu USD để cải tạo Nhà thờ Đức Bà ở Paris, sau khi công trình vĩ đại này bị tàn phá trong một cơn hỏa hoạn năm đó.
Trong đại dịch Covid năm 2020, gia đình bà và tập đoàn L’Oreal cũng đã quyên góp tới 25 triệu USD và cũng giúp sản xuất nước rửa tay miễn phí phòng chống dịch bệnh.
Theo The Richest