Cuộc chiến vương quyền trong một gia tộc tỷ USD: Chồng bỏ vợ con về quê ở ẩn, tẩu tán 5 tỷ USD tài sản cho gia đình nội để ly dị vợ

Băng Băng | 09:34 21/03/2023

“Có những kiểu doanh nhân thành đạt nhờ sự ủng hộ của vợ con thuở hàn vi, thế rồi có những thay đổi diễn ra và người vợ bị bỏ rơi với một mớ hỗn độn. Thật là đáng buồn”, luật sư Charles Kolstad của Withers Worldwide với 40 năm kinh nghiệm hành nghề nhận xét về vụ việc.

Cuộc chiến vương quyền trong một gia tộc tỷ USD: Chồng bỏ vợ con về quê ở ẩn, tẩu tán 5 tỷ USD tài sản cho gia đình nội để ly dị vợ
1-copy(1).png

Trong bộ phim tài liệu năm 2017 của HBO, Warren Buffett đã từng nói kết hôn là thương vụ đầu tư lớn nhất đời người. Thế nhưng tỷ phú công nghệ Ấn Độ Sridhar Vembu có lẽ không tin vào điều này.

Tờ Forbes cho biết sau gần 25 năm sống tại San Francisco Bay và vận hành đế chế phần mềm Zoho từng được định giá 5 tỷ USD, tỷ phú Sridhar Vembu đã quyết định quay trở về sống ở làng Mathalamparai-Ấn Độ vào năm 2020.

Động thái này cùng với mục đích tạo ra việc làm cho miền quê Ấn Độ đã giúp tỷ phú Vembu thu hút được danh tiếng, lên trang bìa của tạp chí Forbes Ấn Độ. Vị đại gia này cũng được trao giải thưởng Padma Shri, loại giải thưởng cao quý nhất cho một công dân Ấn Độ, vào năm 2021, đồng thời được Thủ tướng Narendra Modi khen ngợi.

Theo tạp chí Forbes, gia tộc Vembu là đứng thứ 48 trong bảng xếp hạng những gia tộc giàu nhất Ấn Độ tính đến năm 2022.

Thế nhưng tất cả ánh hào quang trên lại bất ngờ lu mờ vì bê bối ly hôn, khi người vợ chung sống 30 năm Pramila Srinivasan tại Mỹ kể một câu chuyện hoàn toàn khác về người chồng Vembu.

Theo đó, ông Vembu đã rời nhà từ năm 2020 và chưa bao giờ trở lại dù chỉ một lần. Vị tỷ phú này ở ẩn tại miền quê Ấn Độ và chỉ liên hệ với vợ con qua WhatsApp. Vào cuối năm 2020, Vembu đòi ly dị, sau đó đâm đơn lên tòa án vào tháng 8/2021.

Tại tòa án ở bang California, nơi cặp đôi từng sống chung nhiều năm, bà Srinivasan cáo buộc chồng mình đã bí mật chuyển lượng lớn tài sản của Zoho, chủ yếu là bản quyền sở hữu trí tuệ, về Ấn Độ. Đồng thời bà cũng tố cáo Vembu đã sang tên phần lớn cổ phiếu cho người chị cùng chồng của cô ta mà không hề thông báo cho vợ mình biết.

“Người chồng suốt 29 năm của tôi không chỉ bỏ bê gia đình, con cái vào năm 2020 mà còn cố tình chuyển giao hoặc bán tài sản công ty cho các thành viên gia đình bên nội mà không thu lấy một đồng nào, cũng chẳng hỏi ý kiến tôi hay có sự cho phép của tôi”, bà Srinivasan viết trong biên bản thưa kiện.

Luật sư của bà Srinivasan cho biết theo luật pháp tại bang California, tài sản chung của vợ chồng không được phép bí mật chuyển giao mà không cho đối phương biết. Đây là tài sản chung được chia đôi theo pháp luật nếu ly hôn và cần có sự minh bạch.

Ngay lập tức, tỷ phú Vembu phản pháo rằng ông chưa bao giờ chuyển giao cổ phần cho ai nên chẳng có gì phải giấu.

“Tôi chuyển về quê ở Ấn Độ để theo đuổi giấc mơ phát triển vùng nông thôn bằng công nghệ. Tôi đã cố khuyên vợ con mình cùng về đây nhưng họ từ chối, thế rồi đại dịch xảy ra càng khiến chúng tôi xa cách hơn. Tôi chưa bao giờ để vợ con mình phải thiếu thốn tài chính gì cả”, ông Vembu nói với Forbes.

Tờ Forbes cho biết việc ly dị trong giới nhà giàu thường khá phức tạp do liên quan đến lượng tài sản khổng lồ, những tác phẩm nghệ thuật khó định giá cho đến những nguồn tiền bí mật bị giấu kín giữa đôi vợ chồng.

Trong lịch sử đã từng có vụ một người vợ cũ của tài phiệt Nga cáo buộc chồng chuyển nhượng một biệt thự ở đảo Palm Beach và 2 hòn đảo Hy Lạp cho một quỹ tín thác nước ngoài, qua đó giấu chúng khỏi vụ ly dị.

Ở một vụ khác, chồng cũ của nữ thừa kế thương hiệu kẹo Mars, bà Jacqueline Mars cho biết mình không hề biết vợ là một tỷ phú khi ký vào bản thỏa thuận tiền hôn nhân trị giá 30 tỷ USD, qua đó đòi được phán xử lại.

Quay trở lại vụ của Vembu, điều khiến giới truyền thông khá ngạc nhiên là bằng cách nào và tại sao những người đồng sáng lập Zoho lại đồng ý với hàng loạt giao dịch tài sản công ty với mức giá rẻ hơn cho, để rồi giờ đây những người này có số cổ phần nhỏ hơn so với trước.

Theo điều tra của Forbes dựa trên những hồ sơ tại Ấn Độ, Vembu đã điều hành Zoho gần 25 năm nhưng người chị Radha và người anh Sekar lại là đối tượng nắm giữ phần lớn tài sản công ty.

Với vai trò giám đốc sản phẩm tại Zoho, bà Radha nắm giữ 47,8% cổ phiếu, với tổng trị giá 2,2 tỷ USD. Ông Sekar với vai trò là nhà đồng sáng lập Vembu Technologies tại Chennai, nắm giữ 35,2% cổ phiếu, tương đương 1,6 tỷ USD.

Thế nhưng Vembu, người sáng lập và là nhà điều hành chủ đạo trên thực tế, lại chỉ nắm giữ 5% cổ phần, tương đương 225 triệu USD.

Nhà sáng lập Zoho biện hộ rằng những thông tin về vụ ly hôn ồn ào của mình đang bị giới truyền thông làm quá bởi để có bằng chứng thì phải có báo cáo tài chính của Zoho chi nhánh Ấn Độ (ZCPL), mà đây lại là công ty tư nhân nên không cần phải công bố thông tin.

Tuy nhiên, ZCPL vẫn phải nộp báo cáo tài chính và tình hình cổ đông cho Cục quản lý doanh nghiệp Ấn Độ (IMCA), và đây là thông tin công khai để tạp chí Forbes dựa vào điều tra.

Hiện cả phía Radha, Sekar hay luật sư của Vembu đều từ chối bình luận.

Trong lời khai vào tháng 6/2022 của Ram Srinivasan, người chú ruột của Vembu và Radha, đồng thời không có quan hệ máu mủ gì với và Pramila Srinivasan, ông này cho biết Radha đang nắm giữ số cổ phần của Vembu.

“Nó (bà Radha) nói với tôi rằng nó đang bị cuốn vào cuộc chiến này...số tài sản đó thực tế là của Vembu và nó được người em trai nhờ giữ hộ”, ông Ram khai nhận.

Khi được hỏi tại sao lại là bà Radha mà Vembu lại không đưa cho những người anh em khác trong nhà giữ hộ, ông Ram cho biết là do các anh em trong nhà thường hay xung khắc, bất đồng quan điểm với nhau hơn người chị.

“Tôi nghĩ rằng khi vụ ly hôn đã xong thì số tiền này lại quay trở về tay Vembu bằng cách này hay cách khác mà thôi”, ông Ram thú nhận.

Theo tờ Forbes, tỷ phú Vembu là người rất biết giữ gìn hình ảnh của mình khi cố gắng khắc họa một nhà khởi nghiệp xây dựng nên một trong những hãng phần mềm thành công nhất Ấn Độ, đồng thời không quan tâm quá nhiều đến tiền bạc.

“Dù tôi là một nhà tư bản nhưng tôi chẳng quan tâm đến tổng giá trị tài sản của mình là bao nhiêu”, ông Vembu nới với tờ Forbes Ấn Độ vào năm 2020.

Quay ngược dòng lịch sử, sau khi tốt nghiệp Học viện công nghệ Madras tại Ấn Độ, Vembu đã đến Mỹ để học lấy nốt bằng tiến sĩ về kỹ thuật điện tử tại trường đại học Princeton. Sau đó ông cưới bà Srinivasan, người mà ông đã gặp khi vẫn còn học cao học, vào năm 1993. Tiếp đó Vembu gia nhập Qualcomm vào năm 1994.

Sau 2 năm làm cho Qualcomm ở mảng viễn thông không dây, Vembu chuyển đến San Francisco Bay để khởi nghiệp với AdventNet, tiền thân của Zoho ngày nay.

Tuy nhiên điều kỳ lạ là nguồn gốc của AdventNet cũng gây tranh cãi chẳng kém gì vụ ly hôn sau này. Trang web của Zoho ghi rằng họ được thành lập ở một căn hộ nhỏ ngoại ô thành phố Chennai chứ không phải ở Mỹ. Thế nhưng khi chuyển qua phần minh họa dòng thời gian lịch sử công ty thì trang này lại ghi khởi điểm của AdventNet bắt đầu tại New Jersey.

Năm 2017, Vembu khi trả lời Forbes Asia đã nói rằng ông hợp tác với Tony Thomas, một kỹ sư của AT&T Bell Labs, cùng 2 người anh em ruột là Kumar và Sekar để sáng lập nên AdventNet.

Cụ thể, Vembu cho biết ông không phải là người thành lập nên Advent Network Management ban đầu mà chỉ đơn giản giới thiệu Thomas cho người anh Kumar, vốn đang có một công ty tại Ấn Độ để cùng hợp tác. Sau đó Vembu cũng làm việc cùng với Thomas.

Vào năm 1998, Thomas tái cấu trúc công ty này thành AdventNet, đồng thời nắm giữ 45% cổ phần còn Vembu là 22%.

Tuy vậy, câu chuyện này của Vembu lại cũng mâu thuẫn với những gì vị tỷ phú từng kể với Forbes Asia và Forbes Ấn Độ. Khi đó, Vembu thừa nhận mình là nhà đồng sáng lập AdventNet và sau này là Zoho.

Về phía người vợ Srinivasan, bà tốt nghiệp tiến sĩ ngành điện và công nghệ máy tính tại đại học Purdue University vào năm 1997 và làm nhiều việc để hỗ trợ cho 2 vợ chồng trong những năm đầu khó khăn.

Kể từ năm 2010, Srinivasan thành lập công ty MedicalMine chuyên cung cấp hồ sơ sức khỏe điện tử. Đồng thời bà cũng là người chăm sóc chính cho đứa con 23 tuổi mắc bệnh tự kỷ của gia đinh. Vị nữ cường nhân này cũng sáng lập nên tổ chức phi lợi nhuận The Brain Foundation vào năm 2019 để nghiên cứu và điều trị cho những bệnh nhân tự kỷ như con trai mình.

Quay trở lại câu chuyện, bất kể nguồn gốc thế nào thì AdventNet cũng thành công. Doanh thu của công ty này đạt 10 triệu USD năm 2000. Theo một bài báo của hãng tin Bloomberg năm 2012, AdventNet đã được định giá tới 200 triệu USD vào năm 2000.

Theo lời khai của Vembu, nhà sáng lập này không còn làm việc với Thomas nữa nên vào cuộc họp năm 2010, cả 2 quyết định bán công ty.

Ông Thomas không phản đối quyết định này và thậm chí chấp nhận để mất cổ phần trong AdventNet, điều mà giới truyền thông lẫn chuyên gia không thể hiểu rõ những bí ẩn bên trong.

Tháng 12/2010, Zoho Corporation Private Limited được thành lập tại Ấn Độ bởi Vembu và người anh rể Rajendran Dandapani, mỗi người nắm giữ tương ứng 43% và 57% cổ phần. Các luật sư của Vembu cho biết hiện vị tỷ phú này chỉ còn nắm giữ 5% cổ phần công ty trên.

Theo tài liệu của đoàn luật sư phía bà Srinivasan, tính đến cuối năm 2011, ZCPL liên tục phát hành thêm cổ phiếu và cơ cấu lại cổ đông. Trong đó người chị Radha của Vembu nắm 49% cổ phần Zoho, chồng Radha là ông Dandapani nắm 34%, Thomas nắm giữ 8% còn Vembu là 5%. Ngoài ra có 3 cổ đông thiểu số khác nắm giữ 4% còn lại.

Cả Thomas và Vembu đã đồng ý bán tài sản của AdventNet cho ZCPL với giá bèo 50 triệu USD, nhưng hiện vẫn chưa rõ thương vụ này diễn ra thế nào và tiền đã được trả hay chưa.

Phía luật sư Srinivasan cáo buộc số tài sản này thực tế chưa hề được thanh toán dù bị bán với mức giá rẻ mạt. Trái lại luật sư của Vembu cho biết số tài sản trong thương vụ trên vẫn nằm ở AdventNet, hiện đã đổi tên thành T&V Holdings, nhưng chưa được chuyển giao, chủ yếu dưới dạng bất động sản, tiền mặt, chứng khoán...

Ông Thomas thì chi biết mức giá bán trong thương vụ trên là công bằng, dù thừa nhận rằng chẳng có lời đề nghị nào ngoài của ZCPL để có thể so sánh.

Năm 2015, thành phần cổ đông lại biến động khi người anh rể Dandapani rời khỏi hội đồng để thay thế bằng người anh trai Sekar, nắm giữ 35% cổ phần.

Những biến động này diễn ra nhiều năm trước vụ ly hôn của Vembu nhưng cũng tạo ra vô số giả thuyết. Một số chuyên gia cho rằng có thể Vembu muốn tranh thủ mức thuế ưu đãi tại Ấn Độ.

Trước năm 2012, các hãng phần mềm xuất khẩu sẽ được hưởng miễn thuế nếu nằm trong các vùng kinh tế đặc biệt, và Zoho có nằm trong đó. Sau năm 2012, xuất khẩu phần mềm vẫn được miễn thuế nhưng thuế thu nhập cá nhân thì sẽ được tính trên lợi nhuận chứ không phải doanh thu.

Hiện nay, Zoho có khoảng 12.000 nhân viên và 80 triệu người dùng phần mềm. Doanh thu của hãng tính đến tháng 3/2022 đạt 922 triệu USD và được Forbes định giá 4,5 tỷ USD.

“Gia đình chúng tôi đã tan nát vì chứng bệnh tự kỷ của người con trai. Srinivasan là một người mẹ tuyệt vời khi có những nỗ lực phi thường...Bản thân tôi đã có lúc trầm cảm đến muốn tự tử. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy sự giải thoát cho nỗi đau của mình bằng việc phục vụ người nghèo vùng quê Ấn Độ”, Vembu nói về cuộc sống hơn 20 năm chăm sóc cho người con trai bệnh tật của mình với nhiều loại thuốc, dịch truyền, liệu pháp điều trị tốn kém.

Theo Forbes, vụ ly hôn này sẽ không thể giải quyết trong ngắn hạn. Nhóm pháp lý của Srinivasan đã yêu cầu Vembu cung cấp 147 tài liệu, đồng thời mong chờ cơ hội bóc trần những giao dịch bí ẩn mà nhà sáng lập Zoho đã giấu kín vợ mình trong suốt hơn 10 năm với mưu đồ tước đoạt quyền phân chia tài sản của vợ và quyền thừa kế của người con bị tự kỷ.

“Có những kiểu doanh nhân thành đạt nhờ sự ủng hộ của vợ con thuở hàn vi, thế rồi có những thay đổi diễn ra và người vợ bị bỏ rơi với một mớ hỗn độn. Thật là đáng buồn”, luật sư Charles Kolstad của Withers Worldwide với 40 năm kinh nghiệm hành nghề nhận xét về vụ việc.

*Nguồn: Forbes


(0) Bình luận
Cuộc chiến vương quyền trong một gia tộc tỷ USD: Chồng bỏ vợ con về quê ở ẩn, tẩu tán 5 tỷ USD tài sản cho gia đình nội để ly dị vợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO