Trưa 11/8, ông Dương Văn Din, sinh năm 1960, trú tại thôn Trần Xá, xã Nam Hưng nhận được cuộc gọi điện thoại từ một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an huyện Nam Sách.
Đối tượng thông báo việc ông Din đã mở một tài khoản ngân hàng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền là 54 triệu đồng, đang bị Công an Hà Nội điều tra, nếu muốn thoát tội thì phải kê khai tài sản và chuyển cho đối tượng hơn 400 triệu đồng.
Trước sự đe dọa, thao túng tâm lý của đối tượng, ông Din và vợ đi xuống ngân hàng để chuyển tiền.
Khi đi được nửa đường, ông Din nhớ đến việc Công an xã Nam Hưng đã tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng nên đã đến gặp Phó trưởng công an xã để được tư vấn. Sau khi được hướng dẫn, giải thích, ông Din đã bình tâm trở lại và không chuyển số tiền trên. Ông Din đã viết thư cảm ơn công an huyện, công an xã Nam Hưng.
Để cảnh giác trước thủ đoạn trên, người dân cần lưu ý khi cơ quan Công an các cấp cần làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi trực tiếp, tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.
Đồng thời, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản hoặc nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo khi chưa kiểm tra thông tin.
Khi phát hiện cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan công an hoặc phòng An ninh mạng để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa.