Cụ bà rút số tiền lớn từ tài khoản tiết kiệm đứng tên người chồng quá cố, bị ngân hàng Trung Quốc kiện ra tòa yêu cầu hoàn trả

Linh San | 09:20 05/11/2024

Bà Vương (70 tuổi, Trung Quốc), đến ngân hàng để rút 500 nghìn Nhân dân tệ từ sổ tiết kiệm đứng tên người chồng đã khuất, nhưng sau đó lại bị ngân hàng kiện ra tòa để yêu cầu hoàn lại số tiền này. Vậy chuyện gì đã xảy ra? Tòa án sẽ phán quyết như thế nào?

Cụ bà rút số tiền lớn từ tài khoản tiết kiệm đứng tên người chồng quá cố, bị ngân hàng Trung Quốc kiện ra tòa yêu cầu hoàn trả
Ảnh minh họa.

Bà Vương và chồng là ông Lý, đã sống cùng nhau cả đời ở một thị trấn nhỏ tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) nuôi dạy một con trai và một con gái. Họ sống tiết kiệm và đã tích lũy được 500 nghìn Nhân dân tệ (khoảng 1,8 tỷ VND) gửi ngân hàng trong nhiều năm, tất cả đều đứng tên ông Lý. Không may, gần đây ông Lý đã qua đời do bệnh tật.

Sau khi chồng qua đời, bà Vương chuyển tới sống cùng con trai. Vài tháng sau, cháu trai của bà chuẩn bị kết hôn, nhưng chưa đủ tiền mua nhà. Vì vậy, bà Vương quyết định rút tiền từ tài khoản tiết kiệm của mình và chồng để giúp cháu mua nhà.

Bà mang theo chứng minh thư của chồng và của mình đến chi nhánh ngân hàng trong thị trấn. Vì ông Lý mới qua đời không lâu, tài khoản ngân hàng của ông chưa bị đóng băng và chứng minh thư của ông vẫn còn hiệu lực, bà dễ dàng rút được 500 nghìn Nhân dân tệ.

Thế nhưng, một tháng sau, bà nhận được giấy triệu tập từ tòa án! Hóa ra, ngân hàng trong quá trình kiểm tra sổ sách đã phát hiện giao dịch rút tiền bất thường này, cho rằng bà Vương đã rút tiền sau khi chồng qua đời, đây là thủ tục không hợp lệ.

Ngân hàng đã nhiều lần liên lạc với bà Vương để yêu cầu hoàn lại tiền, nhưng bà cho rằng đây là tài sản chung của hai vợ chồng, bà có quyền rút. Cuối cùng, ngân hàng kiện bà Vương ra tòa.

Tại tòa, đại diện ngân hàng cho biết, theo quy định, sau khi người gửi tiền qua đời, số tiền đó sẽ được coi là di sản. Trong khi di sản chưa được phân chia, không ai có quyền tự ý rút tiền. Do đó, việc bà Vương tự ý rút 500 nghìn Nhân dân tệ được xem là hành vi chiếm đoạt trái phép.

Bà Vương lập luận rằng bà và chồng đã sống cùng nhau nhiều năm, số tiền này là tài sản chung của họ. Giờ chồng đã qua đời, bà, với tư cách là người phối ngẫu còn sống duy nhất, bà có quyền quản lý số tiền này.

Cả hai bên đều giữ vững lập trường của mình, và quá trình xét xử tại tòa diễn ra rất căng thẳng. Cuối cùng, tòa án ra phán quyết như sau:

Bà Vương có thể giữ lại số tiền này mà không cần hoàn trả cho ngân hàng, nhưng đồng thời tòa cũng yêu cầu bà phải cung cấp giấy chứng nhận di sản cho ngân hàng.

Khi nghe thấy phán quyết này, bà Vương đã thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng, dưới sự hỗ trợ của con trai, bà đã chi trả khoảng 6 nghìn Nhân dân tệ (khoảng 22 triệu VND) phí công chứng và nhận được giấy chứng nhận di sản.

Vụ việc bà Vương rút tiền từ tài khoản của chồng quá cố đã gây ra một cuộc tranh chấp pháp lý. Vậy từ góc độ pháp luật, hành động của bà Vương có hợp pháp không?

Trước hết, theo các quy định trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc, sau khi người gửi tiền qua đời, số tiền trong tài khoản sẽ được xem là di sản. Trước khi di sản được phân chia, không ai có quyền tự ý rút tiền. Do đó, từ góc độ này, việc bà Vương rút tiền từ tài khoản của chồng rõ ràng có thiếu sót.

Tuy nhiên, trong thực tế, do ngân hàng trong quá trình xử lý giao dịch rút tiền đã không kiểm tra chặt chẽ thông tin danh tính và quyền rút tiền của người gửi, dẫn đến việc bà Vương có thể rút thành công số tiền này. Vậy nên, ngân hàng cũng có một phần trách nhiệm.

Trước vụ việc này, một số cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ quan điểm: 

“Rút tiền của chồng mà còn bị kiện ra tòa? Thật là gửi tiền thì dễ mà rút tiền thì khó!”

“Có lẽ ngân hàng sợ phải chịu trách nhiệm. Nhưng phán quyết cuối cùng của tòa cũng rất nhân văn”.

Theo Toutiao


(0) Bình luận
Cụ bà rút số tiền lớn từ tài khoản tiết kiệm đứng tên người chồng quá cố, bị ngân hàng Trung Quốc kiện ra tòa yêu cầu hoàn trả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO