Dư nợ cho vay tại các CTCK tăng 6 quý liên tiếp qua đó lập kỷ lục mới 232.000 tỷ đồng vào cuối quý 3. Hoạt động cho vay diễn ra sôi động bất chấp thị trường gặp khó trước ngưỡng 1.300 điểm. Nguồn thu từ hoạt động này tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với các CTCK.
Trong quý 3 vừa qua, lãi từ các khoản cho vay và phải thu của các CTCK ước đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2023 và cao hơn gần 4% so với quý trước. Đây là quý thứ 3 liên tiếp nguồn thu này tăng trưởng so với quý trước. 5.800 tỷ cũng là số lãi kỷ lục mà các CTCK thu được từ hoạt động cho vay trong một quý.
Hầu hết các CTCK top đầu đều ghi nhận lãi từ cho vay và phải thu trong quý 3 tăng trưởng so với cùng kỳ 2023. Một số còn lập kỷ lục mới như trưởng hợp của TCBS, Mirae Asset, MBS hay ACBS. Đặc biệt, TCBS thu đến hơn 700 tỷ đồng lãi từ cho vay và phải thu trong quý 3 vừa qua, tăng 67% so với cùng kỳ 2023 và là mức cao nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam. TCBS cũng là CTCK có dư nợ cho vay lớn nhất thị trường với ần 25.500 tỷ đồng (~1 tỷ USD).
Trong bối cảnh mảng tự doanh biến động thất thường theo thị trường, môi giới khó bứt phá do cạnh tranh gay gắt, nghiệp vụ cho vay đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các CTCK. Nguồn thu từ mảng này thường chiếm khoảng 30-40% doanh thu hoạt động, thậm chí là mảng đóng góp lớn nhất (tỷ trọng trên 50%) tại một số CTCK. Về lợi nhuận, lãi từ cho vay và phải thu đóng góp đến 83% tổng lãi trước thuế của các CTCK trong quý 3 vừa qua.
Xu hướng “shadow banking” trong nhóm CTCK
Một điểm đáng chú ý là margin liên tục tăng, lập kỷ lục mới nhưng thanh khoản thị trường không có sự cải thiện. Có thể thấy, nhu cầu vay không hoàn toàn đến từ các nhà đầu tư cá nhân đơn thuần mà có một phần không nhỏ là “deal” giữa các tổ chức, lãnh đạo doanh nghiệp với CTCK. Điều này góp phần thúc đẩy xu hướng “ngân hàng hoá” CTCK hay ở một góc độ nào đó có thể coi là “shadow banking”. Thực tế, đa phần các CTCK trong top dư nợ cho vay lớn nhất thị trường không có nhiều khách hàng là nhà đầu tư cá nhân.
Xu hướng này được dự báo sẽ ngày càng phát triển khi doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn từ kênh tín dụng ngân hàng, trái phiếu. Trong khi đó, thủ tục cầm cố, thế chấp tài sản là cổ phiếu để vay các CTCK lại đơn giản và linh hoạt hơn nhiều. Điều này đem lại lợi ích cho cả 3 bên (1) doanh nghiệp có thể giải quyết các nhu cầu cấp bách về vốn; (2) CTCK tăng quy mô cho vay nhanh chóng, đem lại nguồn thu lớn; (3) Ngân hàng giải quyết một phần tình trạng thừa vốn khi tăng trưởng tín dụng hạn chế.
Nhờ hoạt động này, nhiều CTCK vẫn thu lãi lớn từ hoạt động cho vay dù mặt bằng lãi suất niêm yết ở mức tương đối thấp. Nhiều CTCK đã thực hiện điều chỉnh lãi vay margin về dao động quanh mức 6-10% một năm. Ngoài ra, một số CTCK còn tung ra các gói ưu đãi lãi suất vay margin ngắn hạn, thấm chí miễn lãi cho khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, với các CTCK tập trung làm “deal”, lãi suất cho vay có thể sẽ chênh lệch đáng kể so với mặt bằng lãi suất niêm yết.
Trong ngắn hạn, khó có thể kỳ vọng lãi suất margin giảm thêm khi lãi suất ngân hàng đã có dấu hiệu rục rịch tăng trở lại thời gian qua. Mặc dù Fed đã có đợt hạ lãi suất đầu tiên sau hơn 4 năm nhưng áp lực tỷ giá thời gian gần đây sẽ là yếu tố sẽ tác động đáng kể đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Với xu hướng lãi suất như trên, cộng thêm nhu cầu margin tiếp tục tăng, không loại trừ khả năng nguồn thu từ hoạt động cho vay của các CTCK sẽ còn phá kỷ lục trong thời gian tới. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi các CTCK vẫn còn nhiều dư địa để cho vay thêm khi tỷ lệ dư nợ cho vay Margin/VCSH vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh, cũng như mức an toàn theo quy định và hàng loạt kế hoạch tăng vốn đang được triển khai.
Ngân hàng ngầm hay ngân hàng bóng tối (shadow banking) là thuật ngữ dùng để ám chỉ các dịch vụ tài chính hay tín dụng được cung cấp do một bên không phải ngân hàng truyền thống. Hình thái shadow banking có thể xuất hiện dưới dạng quỹ tín dụng, quỹ đầu tư tư nhân, công ty tài chính, đối tác kinh doanh,...