Credit Suisse: Hành trình từ niềm tự hào của Thụy Sĩ đến cái kết buồn cho biểu tượng 166 năm tuổi

Thu Hương | 03:08 22/03/2023

Trong khi những vấn đề của Credit Suisse mất nhiều năm để hình thành và trở nên trầm trọng, hồi kết lại đến khá chóng vánh.

Credit Suisse: Hành trình từ niềm tự hào của Thụy Sĩ đến cái kết buồn cho biểu tượng 166 năm tuổi

Credit Suisse Group, cái tên từng là một trong những “gã khổng lồ” thống trị hệ thống tài chính toàn cầu, giờ đã không còn trong danh sách này nữa.

Sau các cuộc đàm phán đầy căng thẳng diễn ra trong cuối tuần trước, UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse với giá khoảng 3,25 tỷ USD – mức thấp hơn cả giá trị thị trường của ngân hàng đang gặp rắc rối tại Mỹ là First Republic Bank. Thương vụ do chính phủ Thụy Sĩ làm cầu nối này là hồi kết cho những rắc rối đã kéo dài nhiều năm.

Ra đời cách đây 166 năm, Credit Suisse từng giúp Thụy Sĩ khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu và cũng là cái tên có thể sánh ngang với các ông lớn trên phố Wall. Tuy nhiên, một loạt vụ bê bối, các rắc rối pháp lý cùng với bộ máy quản lý liên tục xáo trộn đã khiến niềm tin của nhà đầu tư bị xói mòn. Và, trong khi những vấn đề của Credit Suisse mất nhiều năm để hình thành và trở nên trầm trọng, hồi kết lại đến khá chóng vánh.

Sau khi ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank sụp đổ vào cuối tuần trước nữa, Credit Suisse nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý. Sau khi cổ đông lớn nhất là Ngân hàng quốc gia Saudi (SNB) phát biểu trên Bloomberg Television rằng sẽ không rót thêm vốn cho ngân hàng Thụy Sĩ, cổ phiếu Credit Suisse bị bán tháo mạnh.

Khoản hỗ trợ 54 tỷ USD từ NHTW Thụy Sĩ giúp nhà đầu tư bình tĩnh trong chốc lát nhưng đã không thể trở thành “phao cứu sinh” như Credit Suisse kỳ vọng. Trước tình hình nguy cấp, Chính phủ Thụy Sĩ đã vào cuộc để UBS trở thành “hiệp sĩ giải cứu”.

Biểu tượng của Thụy Sĩ

Từng nằm trong top 30 ngân hàng quan trọng nhất đối với hệ thống ngân hàng toàn cầu, Credit Suisse trở thành “nạn nhân” mới nhất của thời kỳ đầy bất ổn sau khi các NHTW trên toàn cầu siết chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Điều đó xảy ra dù Credit Suisse đã sống sót qua khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 mà không cần đến cứu trợ như UBS. Trước 2008, Credit Suisse có hơn 1.000 tỷ USD tài sản. Nhưng sau nhiều năm xuống dốc, giờ đây con số chỉ còn khoảng 580 tỷ USD, bằng một nửa so với UBS.

620x-1.png
Giá trị vốn hóa của UBS bỏ xa Credit Suisse. Nguồn: Bloomberg.

Đối với Thụy Sĩ, ảnh hưởng của vụ việc khá lớn. Có tới 243 ngân hàng nội địa và 24 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, sự ổn định và giàu có của Thụy Sĩ phụ thuộc rất lớn vào ngành tài chính. Tổng tài sản của UBS và Credit Suisse cộng lại gần gấp đôi GDP Thụy Sĩ. Cuối tuần trước, trên mặt báo tràn ngập những câu chuyện về sự sụp đổ của 1 biểu tượng quốc gia.

Trong suốt lịch sử của mình, Credit Suisse tự hào đã tài trợ cho những tuyến đường sắt chạy theo dãy núi Alpine và cả sự phát triển của thung lũng Silicon. Ngân hàng này “cai quản của cải” cho thành viên hoàng gia Arab và cả các tài phiệt Nga, cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn phố Wall. Nhưng cuối cùng thì Credit Suisse đã để lộ nhiều yếu kém trong quy trình quản lý rủi ro cũng như tìm kiếm lợi nhuận.

Vài năm gần đây, ngân hàng liên tiếp thay đổi lãnh đạo cấp cao mà sau mỗi lần đều tạo ảnh hưởng tiêu cực lên giá cổ phiếu. Cổ phiếu Credit Suisse đã giảm hơn 95% so với mức đỉnh lập trước khủng hoảng tài chính. Đóng cửa phiên thứ 6 tuần trước, giá trị vốn hóa của ngân hàng đạt 8 tỷ USD, chưa bằng 1/10 so với Goldman Sachs.

3 thập kỷ sóng gió

Những hạt mầm giúp Credit Suisse lớn mạnh được “gieo trồng” vào mùa hè năm 1990, khi CEO khi đó là Rainer Gut nhìn thấy cơ hội nắm quyền kiểm soát tại First Boston, 1 ngân hàng Mỹ vốn là đối tác của Credit Suisse. 2 ngân hàng sáp nhập sau 1 đợt bơm vốn nhỏ và giải cứu các khoản nợ xấu.

Trong những năm 1980, First Boston hoạt động mạnh trên thị trường trái phiếu rác, đồng thời cho vay hàng tỷ USD tài trợ cho các vụ mua lại đầy rủi ro mà điển hình nhất là khoản vay 457 triệu USD cho vụ thâu tóm bằng đòn bẩy của Ohio Mattress.

Sau khi thâu tóm First Boston, Credit Suisse lại ưa chuộng những thứ đầy mạo hiểm tương tự như đầu tư vào trái phiếu có lợi suất cao và tài trợ cho những thương vụ sử dụng quá nhiều đòn bẩy. Sau đó nhiều đời lãnh đạo đã liên tiếp thực hiện cải tổ, cuối cùng từ bỏ First Boston vào năm 2006.

Thực chất vụ thâu tóm này là 1 phần trong chiến lược tăng trưởng thần tốc bằng cách mua lại các đối thủ ở Thụy Sĩ, và Credit Suisse ngày càng trở nên phức tạp. Sauk hi thay thế Gut để ngồi vào ghế CEO, Lukas Muehlemann quyết định mua công ty bảo hiểm Winterthur năm 1997. Sau đó là thâu tóm Donaldson, Lufkin & Jenrette năm 2000.

Năm 2007, Winterthur được bán lại bởi CEO Oswald Gruebel. Việc liên tục thay đổi CEO khiến ngân hàng rơi vào khủng hoảng và gây ra áp lực lớn cho hiệu suất hoạt động.

Năm 2015, Credit Suisse vướng vào vụ lừa đảo do 1 nhân viên thậm chí chưa từng có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và chưa có bất kỳ khách hàng nào trước khi được tuyển vào đây.

Theo chia sẻ của “nhân vật chính” là Patrice Lescaudron, sau khủng hoảng tài chính 2008 anh ta đã bắt đầu dùng tiền của 1 khách hàng giàu có để bù lỗ cho các khách hàng khác. Thủ thuật được sử dụng rất đơn giản: Lescaudron thú nhận đã cắt ghép chữ ký của khách hàng, dán vào lệnh giao dịch và sau đó photo thành 1 bản khác.

Điều đáng nói là một loạt lời cảnh báo đã được đưa ra vào các năm 2008, 2011 và 2013 nhưng Credit Suisse đã không thể ngăn chặn nhân viên gian lận. Năm 2018 Lescaudron bị kết tội lừa đảo.

Tháng 1/2019 đã xảy ra 1 vụ ẩu đả giữa CEO khi đó là Tidjane Thiam với Idbal Khan, người điều hành mảng quản lý tài sản và có tham vọng một ngày nào đó sẽ trở thành người dẫn dắt Credit Suisse. Vụ ẩu đả ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của ngân hàng. Đến tháng 7, Khan rời khỏi Credit Suisse và sau đó sang đầu quân cho UBS. Các lãnh đạo Credit Suisse đã thuê công ty bảo vệ tư nhân bí mật theo dõi Khan nhưng sau đó bị phát hiện.

Tháng 10/2021, cơ quan quản lý ngân hàng Thụy Sĩ phát hiện có tới 5 vụ giám sát tương tự từ năm 2016 đến 2019. Hình ảnh của Credit Suisse xấu đi rõ rệt.

Đầu tư thua lỗ

Tháng 3/2021, bộ phận giao dịch của Credit Suisse nhận được thông báo khách hàng lớn nhất sẽ không thể trả khoản nợ hơn 2 tỷ USD sẽ đáo hạn vào ngày hôm sau. Đó chính là Archegos Capital Management, quỹ đầu tư có trụ sở ở New York quản lý tài sản cho tỷ phú Bill Hwang. 2 ngày trước đó, Archegos đã giàn xếp với các chủ nợ khác sau khi các cú đặt cược của quỹ này lỗ lớn. Và không còn lại gì cho Credit Suisse.

Tin tức đã thổi bùng lên 1 cuộc đổ lỗi cho nhau trong nội bộ ngân hàng. Các lãnh đạo ở New York, London và Zurich đổ lỗi cho nhau thay vì tập trung kiểm soát thiệt hại. Các đối thủ nhanh nhẹn hơn trong việc bán tháo các tài sản đảm bảo của Archegos, trong khi Credit Suisse phải mất tới gần 2 tuần để có thể đánh giá thiệt hại ban đầu. Cuối cùng con số thiệt hại lên đến 5,5 tỷ USD, xóa bỏ hơn 1 năm lợi nhuận và khiến ngân hàng lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng niềm tin.

d70c6253-e536-4eb8-b251-971ed3dfd755.jpg

Trước đó các cổ đông đã rất tức giận vì ban lãnh đạo Credit Suisse không thể bảo vệ ngân hàng và các khách hàng giàu có khỏi thiệt hại trước sụp đổ của Greensill.

2 sự việc xảy ra gần nhau đã gây sốc cho thế giới tài chính. Nhưng thực chất thì chúng đã hình thành từ nhiều thập kỷ. Theo báo cáo của hãng luật Paul, Weiss, Rifkind, Wharton & Garrison, Credit Suisse “không nhạy cảm với rủi ro và thiếu quyết đoán”.

Credit Suisse đã đưa ra một loạt biện pháp để sửa chữa sai lầm và cam kết sẽ coi 2 “tai nạn” trên là bước ngoặt để thay đổi cách tiếp cận về quản trị rủi ro.

Nhưng thời gian đã hết.

Kế hoạch cuối cùng

Tháng 10 năm ngoái, bộ đôi lãnh đạo mới là Chủ tịch Axel Lehmann và CEO Ulrich Koerner thực hiện kế hoạch cải tổ gồm cắt giảm nhân sự và huy động 4 tỷ USD vốn mới. Quan trọng hơn, họ đặt mục tiêu co hẹp mảng ngân hàng đầu tư và cuối cùng sẽ chia tách bộ phận First Boston, chấm dứt nỗ lực cạnh tranh với phố Wall đã kéo dài 3 thập kỷ.

“Credit Suisse hoàn toàn mới sẽ có lãi từ năm 2024 và sẽ luôn như vậy. Chúng tôi không muốn hứa hẹn quá đà để rồi không thực hiện được lời hứa”, Koerner nói.

Nhưng thế giới không đứng yên. Thời kỳ tiền rẻ đã chấm dứt, kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều nguy cơ và niềm tin của nhà đầu tư không còn nhiều. Tất cả những “cơn gió ngược” này là quá lớn đối với Credit Suisse.

“Ngành ngân hàng không giống như các lĩnh vực khác. Một khi niềm tin đã mất, không đơn giản là bạn chỉ cần xây lại”, John Plassard, chuyên gia đầu tư tại Mirabaud nhận xét.

Tham khảo Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
Credit Suisse: Hành trình từ niềm tự hào của Thụy Sĩ đến cái kết buồn cho biểu tượng 166 năm tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO