Theo Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, CPI tháng 8/2022 tăng 0,005% (khu vực thành thị giảm 0,11%; khu vực nông thôn tăng 0,13%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 02 nhóm hàng giảm giá.
Cụ thể, báo cáo của Tổng cục Thống kể về diễn biến giá tiêu dùng tháng 8/2022 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:
Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+1,05%): Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2022 tăng 1,05% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 0,19%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 1,33%, tác động tăng 0,28 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,73%, tác động tăng 0,06 điểm phần trăm.
Lương thực (+0,19%): Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 8/2022 tăng 0,19% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,06% (Gạo tẻ thường tăng 0,04%; gạo tẻ ngon tăng 0,11% và gạo nếp tăng 0,17%). Giá gạo tăng do giá vật tư phân bón, nguyên liệu đầu vào sản xuất ở mức cao.
Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 12.500-15.000 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 18.000-21.000 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 19.000-21.000 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.000-36.000 đồng/kg.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến khác như giá mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,83%; bột mỳ tăng 0,48%; bột ngô tăng 0,47%; ngô tăng 0,37%; miến tăng 0,37%; bánh mỳ tăng 0,25%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,23%.
Thực phẩm (+1,33%): Giá thực phẩm tháng 8/2022 tăng 1,33% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu tập trung ở một số mặt hàng sau: Giá thịt lợn tăng 4,95% so với tháng trước do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm. Tính đến ngày 25/8/2022, giá thịt lợn hơi cả nước dao động khoảng 62.000-71.000 đồng/kg. Theo đó, giá thịt chế biến tăng 1,92% so với tháng trước, trong đó thịt quay, giò chả tăng 1,99%; thịt hộp tăng 1,4%; thịt chế biến khác tăng 0,43%.
Giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Rằm tháng Bảy làm cho giá thịt gia cầm tăng 0,72% so với tháng trước, trong đó giá thịt gà tăng 0,65%; thịt gia cầm khác tăng 0,96%; thịt gia cầm đông lạnh tăng 0,36%. Bên cạnh đó, giá trứng các loại cũng tăng 2,68% so với tháng trước do đang vào mùa sản xuất bánh Trung thu.
Giá thủy hải sản tươi sống tăng 0,08% so với tháng trước do sản lượng khai thác giảm vì ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới nên ngư dân hạn chế ra khơi, trong đó giá cá tăng 0,09%; thủy hải sản tươi sống khác tăng 0,21%. Theo đó, giá thủy sản chế biến tháng Tám tăng 0,53% so với tháng Bảy.
Giá dầu mỡ ăn và chất béo khác tiếp tục tăng 1,66% so với tháng trước, trong đó giá mỡ ăn tăng 5,52%. Giá nước mắm, nước chấm tăng 0,69% so với tháng trước; sữa, bơ, pho mát tăng 0,32%; đường, mật tăng 0,31%; bánh, mứt, kẹo tăng 0,21%; chè, cà phê, ca cao tăng 0,15% do giá nguyên vật liệu tăng.
Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 1,18% so với tháng trước, chủ yếu do diễn biến thời tiết thất thường ảnh hưởng đến canh tác rau. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng rau xanh, củ quả trong tháng ăn chay (Tháng 7 âm lịch) tăng lên, dẫn đến giá tăng. Trong đó, giá cà chua tăng 8,61%; su hào tăng 2,76%; khoai tây tăng 2,45%; rau gia vị tăng 2,23%; rau củ đông lạnh tăng 0,44%.
Ăn uống ngoài gia đình (+0,73%): Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng 8/2022 tăng 0,73% so với tháng trước do giá nguyên liệu chế biến cao và nhu cầu du lịch trong tháng tiếp tục cao. Trong đó, chỉ số giá ăn ngoài gia đình tăng 0,63% so với tháng trước; uống ngoài gia đình tăng 0,39% và đồ ăn nhanh mang đi tăng 1,53%.
Đồ uống và thuốc lá (+0,27%): Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 8/2022 tăng 0,27% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng cao, đồng thời giá nguyên liệu sản xuất đồ uống tăng. Cụ thể, giá nước khoáng tăng 0,3% so với tháng trước; giá nước giải khát có ga tăng 0,05%; nước uống tăng lực đóng chai tăng 0,01%; rượu bia tăng 0,21% và thuốc hút tăng 0,45%.
May mặc, mũ nón, giày dép (+0,18%): Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 8/2022 tăng 0,18% so với tháng trước do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công tăng và nhu cầu mua sắm chuẩn bị bước vào năm học mới tăng. Trong đó, giá vải tăng 0,48%; quần áo may sẵn tăng 0,17%; mũ nón tăng 0,22%; giày dép tăng 0,08%; dịch vụ may mặc tăng 0,46%; dịch vụ sửa chữa giày dép tăng 0,51%.
Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,26%): Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 8/2022 tăng 0,26% so với tháng trước do các nguyên nhân chủ yếu sau: Giá điện sinh hoạt tháng Tám tăng 1,44% so với tháng trước; giá nước sinh hoạt tăng 0,39% do nhu cầu sử dụng tăng; Giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,54% do công sơn tường, lát gạch, xây tường, công lao động phổ thông tăng và nhu cầu xây dựng tăng cao; Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,49% do giá xi măng, gạch xây, gạch bê tông, tấm lợp, sơn tường tăng theo giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất.
Giá gas giảm 4,22% so với tháng trước do từ ngày 01/8/2022, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 18.500 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 60 USD/tấn (từ mức 725 USD/tấn xuống mức 665 USD/tấn).
Giá dầu hỏa giảm 9,97% so với tháng trước do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 01/8/2022, 11/8/2022 và 22/8/2022.
Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,21%): Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 8/2022 tăng 0,21% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: Giá bếp gas tăng 0,75%; giấy ăn tăng 0,47%; đồ dùng bằng kim loại tăng 0,32%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,33%; giường, tủ, bàn ghế tăng 0,22%… Ở chiều ngược lại, giá máy xay sinh tố, ép hoa quả giảm 0,68% so với tháng trước; tủ lạnh giảm 0,1%; máy giặt giảm 0,02%.
Giao thông (-5,51%): Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 8/2022 giảm 5,51% so với tháng trước làm CPI chung giảm 0,53 điểm phần trăm, chủ yếu do:
Ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 01/8/2022, 11/8/2022 và 22/8/2022 làm cho giá xăng giảm 14,52% so với tháng trước; giá dầu diezen giảm 12,9%.
Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,88% so với tháng trước, trong đó giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 3,78%; đường bộ tăng 0,14%; taxi tăng 0,11%; đường sắt giảm 0,81%; vé xe buýt giảm 0,44%.
Giá xe đạp, xe máy, xe ô tô mới tiếp tục tăng lần lượt 0,33%, 0,27% và 0,11% do thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng.
Giáo dục (+1,46%): Giá dịch vụ giáo dục tăng 1,51% so với tháng trước do trong tháng 8/2022 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2022-2023[2] đối với các trường mầm non, trường trung cấp, cao đẳng và đại học. Bên cạnh đó, chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng. Giá sách giáo khoa tăng 1,05%, bút viết các loại tăng 1,38%, giá vở, giấy viết các loại tăng 1,02% so với tháng trước.
Văn hóa, giải trí và du lịch (+0,43%): Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng Tám tăng 0,43% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở các nhóm: Giá dịch vụ du lịch trong nước tăng 0,94%; du lịch ngoài nước tăng 0,09% và khách sạn, nhà khách tăng 0,25% do nhu cầu du lịch tăng trong tháng hè. Đồng thời, giá nhạc cụ tăng 0,51% so với tháng trước; dịch vụ thể thao tăng 1,14%; thiết bị dụng cụ thể thao tăng 0,42%.
Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,2%): Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 8/2022 tăng 0,2% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở mặt hàng chăm sóc cơ thể như kem dưỡng da, son môi và nước hoa tăng 0,53%; dao cạo râu, bàn chải đánh răng và kính mát tăng 0,34%; dịch vụ hiếu hỉ tăng 0,28%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,15%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,1%.
Chỉ số giá vàng (-0,9%): Giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/8/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.787,59 USD/ounce, tăng 3,2% so với tháng 7/2022 do các nhà đầu tư lo ngại lạm phát của Mỹ cao còn kéo dài và FED sẽ mạnh tay tăng thêm lãi suất trong thời gian tới nên tìm đến vàng như tài sản trú ẩn an toàn. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 8/2022 giảm 0,9% so với tháng trước; tăng 5,87% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 6,5%.
Chỉ số giá USD (+0,18%): Đồng USD trên thị trường thế giới chủ yếu giảm trong các ngày đầu tháng 8/2022 trong bối cảnh dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy lạm phát tăng cao. Tính đến ngày 25/8/2022, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 106,5 điểm, giảm 0,26 điểm so với tháng trước. Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.528 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 8/2022 tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 0,37%.