CPI năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

Dương Trang | 12:40 29/04/2024

Các chuyên gia dự báo lạm phát năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023 nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát tốt mặc dù nền kinh tế tiếp tục chịu nhiều áp lực bởi tình hình thế giới cũng như khó khăn nội tại chung.

CPI năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát
CPI dự báo khả năng sẽ cao hơn năm 2023 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát/. (Ảnh: Int)

Năm 2024, Quốc hội giao chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân trong khoảng 4 - 4,5%. Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, mục tiêu này hoàn toàn khả thi và dự báo mức lạm phát sẽ duy trì thấp hơn mục tiêu đề ra.

Trước đó, hồi đầu năm, Ban Chỉ đạo điều hành giá họp đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024, Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã xây dựng 3 kịch bản lạm phát năm 2024 ở mức từ 3,52 - 4,5%. Tuy nhiên, mức lạm phát “kịch trần” 4,5% là kịch bản với mức dự báo cao nhất.

Theo dự báo của các chuyên gia Khối nghiên cứu toàn cầu, Ngân hàng HSBC, sau thành công trong kiểm soát năm 2023 (tăng 3,25%), kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức tăng rất nhẹ trong năm 2024 (dự báo tăng ở mức 3,4%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.

Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê vừa cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng Tư tăng 1,19% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,4%. Bình quân bốn tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.

Từ nay đến cuối năm, thế giới còn nhiều thách thức, khó khăn tác động đến lạm phát vẫn tiềm ẩn những rủi ro có thể tạo nên cú sốc cho lạm phát của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đơn cử như các cuộc xung đột quân sự, sắc tộc ở nhiều khu vực, điều này có thể tạo nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng một cách nặng nề, làm gia tăng chi phí vận tải, gây rủi ro về an ninh lương thực, an ninh năng lượng. Đồng thời gây sức ép lên giá dầu thô và các nguyên vật liệu đầu vào chính cho sản xuất.

Thêm vào đó, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trên thế giới đang ở mức cao, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Ở trong nước, một số yếu tố cũng có khả năng tạo áp lực lạm phát trong thời gian tới, cụ thể: nhu cầu nhập khẩu gạo của các quốc gia dự báo sẽ tiếp tục tăng cao như Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, UAE...điều này sẽ kéo giá gạo trong nước tăng lên. Áp lực lạm phát còn đến từ giá năng lượng, trong đó, điện là mặt hàng rất quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng nên có tác động khá lớn tới lạm phát, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm.

Ngoài ra, nếu điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục sẽ tác động làm tăng CPI.

Cải cách tiền lương của khu vực nhà nước và tăng lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp dư kiến được thực hiện từ 1/7/2024 có thể làm gia tăng kỳ vọng lạm phát kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng lên.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đánh giá, vẫn có một số yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây là lợi thế của Việt Nam, giúp giảm bớt áp lực lạm phát. Một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2024 vẫn tiếp tục được thực hiện góp phần giảm chi phí đầu vào...

Nhận định về CPI năm 2024, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định, CPI bình quân năm 2024 sẽ ở mức 3,5 - 4%. Tuy nhiên TS. Cấn Văn Lực cho rằng, ngay cả ở mức tăng 3,5 - 4% dự kiến như vậy, lạm phát vẫn luôn nằm trong tầm kiểm soát và cho thấy vẫn trong xu hướng giảm khá bền vững trong những năm gần đây.

Trả lời báo chí mới đây, ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, việc điều hành lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4 - 4,5% vẫn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan điều hành.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan theo sát diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu như giá điện, giá xăng dầu, tránh để tác động tới lạm phát” - ông Phạm Văn Bình nói.

Về các tháng còn lại của năm, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý giá cho biết, hiện Bộ Tài chính với vai trò là thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá thường xuyên theo dõi sát sao diễn biến thị trường, là đầu mối của các bộ, ngành để kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá những kịch bản điều hành cụ thể để đảm bảo CPI theo đúng mục tiêu đề ra.

Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá đã xây dựng 3 kịch bản lạm phát ở mức từ 3,52 - 4,5%. Bên cạnh đó, một số dự báo của các cơ quan chuyên môn độc lập cũng dự báo CPI bình quân năm 2023 xoay quanh mức 3,5 - 4,5%.

Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,5% - 4,5% (3 kịch bản: 3,5%, 4% và 4,5%). Ngân hàng nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 4 ± 0,5%.

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
CPI năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO