Cottecons bất ngờ đặt kế hoạch lợi nhuận gấp 11 lần, muốn hiện thực hoá tham vọng đầu tư ra nước ngoài

Hoàng Thùy | 18:27 04/04/2023

Coteccons cũng cho biết, giá trị các khoản trích lập dự phòng của năm 2023 sẽ giảm.

Cottecons bất ngờ đặt kế hoạch lợi nhuận gấp 11 lần, muốn hiện thực hoá tham vọng đầu tư ra nước ngoài

Việc thay đổi năm tài chính kéo theo những thay đổi đáng chú ý khi năm tài chính 2023 của CTD chỉ kéo dài 6 tháng đến hết 30/6/2023. Điều này có thể khiến một số nhà đầu tư nếu không lưu tâm sẽ có lo lắng cho tiềm năng tăng trưởng của "ông lớn" ngành xây dựng với những chỉ tiêu kế hoạch tưởng như còn khiêm tốn khi chỉ nhìn vào con số tuyệt đối.

Song thực tế, với kế hoạch năm tài chính 2023, doanh thu của Coteccons đạt 7.644 tỷ đồng tăng 144% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2022), lợi nhuận sau thuế 44 tỷ đồng, tăng 880% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của HĐQT, doanh nghiệp đã thành công trong việc cảnh báo cho toàn hệ thống về những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường, 16 dự án có tổng giá trị nợ rất lớn đến từ mô hình tổ chức, quản lý cũ để lại đã từng bước xử lý được xử lý. Do đó giá trị các khoản trích lập dự phòng của năm 2023 sẽ giảm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đưa ra bảng kế hoạch các chỉ tiêu kế hoạch đủ 12 tháng của năm 2023: Nửa cuối năm 2023, chỉ tiêu và lợi nhuận sau thuế của CTD lần lượt 8.605 tỷ đồng và 189 tỷ đồng. Kế hoạch cả năm, doanh thu đạt 16.249 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 233 tỷ đồng, tăng trưởng 11 lần, tương đương 1.109% so với 2022.

Đây được đánh giá là những chỉ tiêu tăng trưởng rất ấn tượng khi tiếp tục đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp cho thấy sự trở lại của Coteccons. Cũng cần lưu ý rằng, CTD là doanh nghiệp xây dựng đi đầu xu hướng dịch chuyển sang xây dựng nhà xưởng khu công nghiệp để đón đầu làn sóng FDI ngày một gia tăng vào Việt Nam. Giá trị back-log để lại cho 2023 của CTD là 17.000 tỷ đồng, chưa bao gồm Nhà máy sản xuất LEGO và kỳ vọng trúng thầu các dự án Đầu tư công như siêu dự án sân bay Long Thành, do đó dư địa để CTD tiếp tục cải thiện doanh thu và lợi nhuận là rất lớn.

Coteccons (CTD) sẽ là chỉ báo dẫn dắt của ngành xây dựng

Tham chiếu chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận 2022 các công ty xây dựng niêm yết, Xây dựng Hòa Bình đặt chỉ tiêu là 420 tỷ đồng, Hưng Thịnh Incons là 286 tỷ đồng, Fecon là 280 tỷ đồng, trong khi Coteccons chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng đã trở thành chủ đề được truyền thông chú ý, thậm chí mỉa mai.

Kết quả 2022, đạt kế hoạch lợi nhuận sau thuế, doanh thu CTD là 14.537 tỷ đồng, tăng 60% so với 2021, đánh dấu năm đầu tiên doanh thu tăng trưởng kể từ sau “nội chiến”. CTD cũng đã giành lại vị thế nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam từ tay Hòa Bình sau đúng 1 năm mất ngôi. Hai quý cuối năm 2022 cũng là hai Quý bùng nổ về doanh thu khi tăng trưởng lần lượt 191% và 113% so với năm trước, Quý 4/2022 có doanh thu vượt 6.000 tỷ đồng lần đầu tiên kể từ năm 2020 và là doanh nghiệp xây dựng duy nhất có được doanh số này.

CTD đã thành công trong việc cảnh báo tới toàn hệ thống để cho nhà đầu tư hiểu được những rủi ro tiềm ẩn đến từ các dự án sau khi thực hiện trích lập dự phòng “như một thói quen” từ 2020 đến nay. Đây là một hành động cần thiết để cảnh báo cho không chỉ những nhà đầu tư, mà còn là cho cả những nhà thầu phụ, nhà cung cấp có thể nắm rõ được sức khỏe của một số chủ đầu tư. Khi những vấn đề về công nợ không thể xử lý, một số doanh nghiệp đã bất ngờ trích lập dự phòng một khoản lớn đặt toàn bộ hệ thống vào diện cảnh báo nghiêm trọng có nguy cơ mất thanh khoản.

Sau thời kỳ ông Nguyễn Bá Dương nói “không” với vay nợ Ngân hàng, hiện tại, CTD đã bắt đầu có nợ vay để bổ sung Vốn lưu động (khoảng 800 tỷ nợ vay ngắn hạn và 500 tỷ Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 9,5%). Mặc dù việc này làm gia tăng chi phí lãi vay và rủi ro cho công ty, tuy nhiên có vẻ như CTD đã đi trước một bước để chiếm ưu thế trong môi trường lãi suất cao từ 12-14% như hiện nay. Tỷ lệ đòn bẩy của công ty khá thấp so với trung bình ngành, nợ trên vốn chủ sở hữu của CTD chỉ 21,5%, không phải chịu áp lực lớn chi phí lãi vay.

Thêm một nội dung đáng chú ý khác đó là tờ trình: kêu gọi vốn đầu tư vào Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons. Ban lãnh đạo doanh nghiệp này chỉ còn 2 năm để thực hiện mục tiêu 2025, doanh thu 3 tỷ đô và vốn hóa 1 tỷ đô nên ngay tại thời điểm này, có một chiến lược để mở rộng quy mô doanh thu là rất cần thiết.

Cần phải nhớ rằng cách đây 2 năm tại ĐHCĐ 2020, Ban Lãnh đạo đã trình bày chiến lược đa dạng hóa lấn sân sang lĩnh vực hạ tầng và đây chính là yếu tố đang được kỳ vọng sẽ giúp CTD có được sự bứt phá vượt trội trên thị trường trong 2023, phát đi những tín hiệu cho thấy thị trường xây dựng sẽ dần phục hồi từ sau 2024 và khởi sắc từ giai đoạn 2025.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cottecons bất ngờ đặt kế hoạch lợi nhuận gấp 11 lần, muốn hiện thực hoá tham vọng đầu tư ra nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO