Công ty ít nợ, nhiều tiền: tại sao giá cổ phiếu không tăng?

Quỳnh Anh SM | 16:49 07/01/2023

Ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group cho rằng doanh nghiệp quá thận trọng và ưu tiên ổn định, sẽ khó có khả năng tăng trưởng.

Công ty ít nợ, nhiều tiền: tại sao giá cổ phiếu không tăng?
Ảnh minh họa: Tickertape

Nội dung chính: 

  • Một doanh nghiệp an toàn, có tiềm lực tài chính, chưa chắc đã tạo tăng trưởng đột phá cho cổ phiếu. 
  • Nhà đầu tư cần phân tích kỹ lưỡng về nền kinh tế, môi trường ngành và doanh nghiệp để nắm bắt được tính chu kỳ của cổ phiếu. 
  • 3 yếu tố chính giúp cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng trưởng đột biến trong năm 2021: biên lợi nhuận, quy mô doanh nghiệp và chiến lược tài chính. 

Ông Long cho rằng nếu doanh nghiệp ưu tiên ổn định, khả năng tăng trưởng sẽ gặp vấn đề. Ông Long ví dụ về Hòa Phát, một doanh nghiệp lớn của ngành thép. Ở những giai đoạn tối ưu đòn bẩy tài chính, cổ phiếu của Hòa Phát đi vào chu kỳ tăng trưởng. Ngược lại, nếu doanh nghiệp không có chiến lược tốt, không đẩy mạnh phát triển và tăng trưởng cũng như không tối ưu đòn bẩy tài chính thì sẽ không có cơ hội. 

“Nhà đầu tư thích những doanh nghiệp năng động” - ông Long cho biết. “Những doanh nghiệp an toàn sẽ mãi an toàn, cùng lắm cổ phiếu phấn khởi một chút trên thị trường khi có một vài thông tin.”

Thăng trầm của “cổ phiếu quốc dân”

Trong lịch sử, thị trường đã không ít lần chứng kiến Chủ tịch Hoà Phát - ông Trần Đình Long xuất hiện rồi lại bị loại ra khỏi danh sách tỷ phú USD Việt Nam. Giá cổ phiếu Hoà Phát chính là lời giải cho tình huống này. Chu kỳ đi xuống của cổ phiếu Hòa Phát khiến giá trị vốn hoá của doanh nghiệp “bay” hàng tỷ USD trong năm 2022, dẫn đến tài sản của Chủ tịch công ty giảm mạnh. 

Năm 2021, cổ phiếu Hòa Phát từng mang lại khoản lợi nhuận đáng kể cho nhà đầu tư nhờ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thế nhưng, trong năm 2022, có thời điểm cổ phiếu HPG mất đến 72% giá trị so với mức đỉnh hồi tháng 10/2021, xuống chỉ còn hơn 12.000 đồng/cổ phiếu. 

Biến động giá cổ phiếu HPG trong 10 năm qua, tính đến ngày 7/1/2023. (Ảnh: TradingView) 

Ông Long chỉ ra 3 yếu tố tác động lớn đến sự tăng trưởng của một mã cổ phiếu, tương tự như cách Hòa Phát đạt được trong năm 2021. 

Thứ nhất, biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Năm 2021, biên lợi nhuận của Hòa Phát được cải thiện mạnh mẽ nhờ giá thép tăng mạnh, trong khi các loại chi phí chưa đuổi kịp tốc độ tăng của giá bán. 

Thứ hai, quy mô doanh nghiệp. Dự án Dung Quất giai đoạn 1 được hoàn thành vào cuối năm 2020, tạo tiền đề tăng trưởng quy mô mạnh mẽ cho Tập đoàn Hòa Phát. Từ đó, nhu cầu thép trong năm 2021 hấp thụ được sự tăng trưởng quy mô này nên doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến. 

Thứ ba, chiến lược tài chính tối ưu. Trong năm 2021, nợ phải trả của Hòa Phát đã tăng hơn 15.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa giá trị tổng tài sản cuối năm. 

Qua giai đoạn đỉnh cao, mọi thứ không còn thuận lợi với Hòa Phát trong năm 2022. Giá thép sụt giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, tỷ giá trượt khiến giá nhập khẩu nhiên liệu tăng cao khiến Hòa Phát báo lỗ quý III/2022.

Kết hợp yếu tố thị trường và nội tại doanh nghiệp, khi quy mô không tăng thêm, nhu cầu thép sụt giảm, các lò cao sản xuất thép dừng hoạt động, biên lợi nhuận không giữ vững, chiến lược tài chính không ủng hộ, thị trường tài chính không tốt. Tổng hòa các yếu tố này dẫn đến sự sụt giảm tất yếu của cổ phiếu “quốc dân” HPG trong năm 2022. Cổ phiếu HPG đã giảm giá một nửa trong năm vừa qua trước diễn biến xấu của thị trường.  

Theo ông Long, tình hình của Hoà Phát có khởi sắc hơn vào năm 2023 hay không vẫn phụ thuộc vào 3 yếu tố kể trên. Hiện nay, một tín hiệu khả quan đến từ việc tỷ giá đã hạ nhiệt, hỗ trợ cho chi phí nhập than cốc và quặng - 2 nguyên liệu đầu vào quan trọng của “ông lớn” ngành thép. Đồng thời, việc thị trường Trung Quốc có khả năng phục hồi sau khi chính quyền gỡ bỏ chính sách Zero Covid sẽ hỗ trợ quan trọng cho yếu tố đầu ra của Hòa Phát. 

Ngoài ra, đầu tư công và thị trường bất động sản cũng là hai nhân tố có thể ảnh hưởng đến nhu cầu thép, trong đó đầu tư công đang có triển vọng khá tốt với tổng số vốn theo kế hoạch năm 2023 lên đến hơn 700.000 tỷ đồng. 

Nắm bắt chu kỳ cổ phiếu mở ra cơ hội đầu tư lớn 

Cổ phiếu chu kỳ thường biến động theo xu hướng chung của nền kinh tế. Ngành hàng hoá, tài chính, chứng khoán sẽ là những ngành có cổ phiếu mang tính chu kỳ. 

Ông Phan Lê Thành Long chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền. 

Chia sẻ về những điều cần lưu ý khi đầu tư cổ phiếu chu kỳ, ông Long cho biết: “Chúng ta cần xem xét cổ phiếu chịu ảnh hưởng tính chu kỳ bởi yếu tố nào… Thông thường, chúng ta phải phân tích ngành kỹ lưỡng mới nắm được tính chu kỳ của ngành đó. Các doanh nghiệp ở trong ngành sẽ chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ của ngành. Khi chúng ta nắm bắt được tính chu kỳ của ngành, tất nhiên đó sẽ là cơ hội”. 

Nếu nắm bắt được chu kỳ tốt thì đây là cơ hội lớn cho nhà đầu tư.

Ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group

Ông Long cho rằng nhà đầu tư nên nhìn vào triển vọng tương lai của doanh nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư cổ phiếu, thay vì tập trung vào các chỉ số phản ánh từ quá khứ như P/B, P/E,... Thực tế, việc phân tích số liệu từ báo cáo tài chính có thể giúp nhà đầu tư đưa ra dự báo tương lai của một doanh nghiệp. 

Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: HPG - Chu kỳ của một cổ phiếu quốc dân. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây

Bài liên quan

(0) Bình luận
Công ty ít nợ, nhiều tiền: tại sao giá cổ phiếu không tăng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO