Herbalife kiếm tiền ra sao?
Theo báo cáo tài chính quý III/2024, Herbalife Ltd. ghi nhận doanh thu thuần tại Việt Nam đạt 69,7 triệu USD (1.681 tỷ đồng) trong quý 3/2024. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này thu 208,2 triệu USD (5.021 tỷ đồng), tương ứng mỗi ngày kiếm gần 20 tỷ đồng.
Song, nếu so với cùng kỳ, kỳ năm 2023, doanh thu thuần giảm lần lượt 2,2% và 0,1%.
Với mức doanh thu này, Việt Nam là thị trường lớn thứ ba của Herbalife ở châu Á - Thái Bình Dương sau Ấn Độ (626,4 triệu USD) và Trung Quốc (231,7 triệu USD).
Thành lập ở Việt Nam từ tháng 11/2009, Việt Nam là thị trường thứ 71 của Herbalife trên toàn cầu. Hiện nay, thương hiệu có trụ sở chính tại TP HCM và nhiều chi nhánh trên khắp cả nước.
Theo báo cáo của Vietdata – đơn vị chuyên cung cấp số liệu về thị trường Việt Nam, doanh thu Herbalife ghi nhận xu hướng tăng liên tục trong giai đoạn 2020-2022.
Cụ thể, năm 2020, doanh thu của thương hiệu đạt gần 5.400 tỷ đồng. Con số này tăng 25,3% vào năm 2021 sau đó tăng thêm 10,9% vào năm 2022, đạt gần 7.500 tỷ đồng.
Về lợi nhuận sau thuế, năm 2020, Herbalife ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 280 tỷ đồng. Con số này tăng 17,8% vào năm 2021. Tuy nhiên, đến năm 2022, lợi nhuận doanh nghiệp giảm 78,1% so với năm 2021, đạt hơn 70 tỷ đồng.
Tại sao Việt Nam là điểm đến của doanh nghiệp đa cấp?
Trong báo cáo hồi cuối năm 2023, Vietdata lý giải, Việt Nam hiện là một môi trường lý tưởng cho kinh doanh đa cấp, với dân số gần 100 triệu người, mức độ cải thiện đời sống và thu nhập của người dân tăng liên tục, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho kinh doanh đa cấp.
“Các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này cũng được hưởng nhiều lợi ích như sự thừa nhận của pháp luật, không đòi hỏi đầu tư lớn, không yêu cầu mặt bằng, không có áp lực về doanh số, không bị gò bó về thời gian, và có thể tham gia dễ dàng mà không phân biệt về trình độ học vấn và địa điểm sinh sống”, báo cáo viết.
Song song, Việt Nam nằm trong top 5 thị trường trên toàn cầu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực bán hàng đa cấp vào năm 2019. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp ở Việt Nam đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia.
Tuy nhiên, hiện nay, một số doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp không tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, điều này làm cho nhà nước có động thái mạnh hơn trong việc siết chặt quản lý các hoạt động đa cấp và có những xử phạt mạnh đối với những công ty làm sai pháp luật.