Sự việc xảy ra vào năm 1979, khi các công nhân khai thác mỏ của thị trấn Thiên Sơn, thành phố Cao Bưu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, dùng mìn để thác đá trên núi Thần Cư - cách thành phố cổ Dương Châu 45 km về phía Bắc.
Sau vụ nổ, họ bỗng phát hiện một “hang động” nằm sâu dưới mặt đất, ở dưới đó có một công trình vô cùng kỳ lạ. Ngay lập tức, cả công trường ngừng thi công và sự việc nhanh chóng được nhóm công nhân báo cáo lên cấp trên. Hiện trường sau đó cũng được phong tỏa. Nhận được tin, Đội khảo cổ từ Bảo tàng Nam Kinh và Bảo tàng Dương Châu cũng sớm có mặt để tiến hành nghiên cứu.
Kết quả cho thấy “hang động” mà đội công nhân mỏ này tìm thấy thực chất là một lăng mộ cổ vào giai đoạn giữa và cuối thời Tây Hán trong lịch sử Trung Hoa. Dưới tác động của chất nổ, lăng mộ này đã bị hư hại khá nhiều. Tuy nhiên, dựa vào đặc trưng của khu lăng mộ và những cổ vật tìm thấy, không quá khó để những chuyên gia này tìm ra được nguồn gốc thật sự của nó.
Sau khi các chuyên gia khảo cổ tiến hành nghiên cứu chuyên sâu và đối chiếu với các tài liệu cổ, họ xác định chủ nhân của ngôi mộ là Quảng Lăng Lệ vương Lưu Tư - con trai thứ năm được Hán Vũ Đế, trong lịch sử Trung Quốc.
Ảnh: Kknew.cc
Đi sâu vào bên trong, các chuyên gia đã tiến hành đo đạc và tính toán được ngôi mộ này có diện tích khá lớn, khoảng 230m2 với chiều dài và chiều rộng lần lượt là 16,65m và 14,28m. Đây được xem là một trong những ngôi mộ cổ được bảo tồn tốt nhất với diện tích lớn nhất được tìm thấy ở Trung Quốc cho đến nay.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khai quật được nhiều di vật văn hóa cấp bảo vật quốc gia tại Trung Quốc, chẳng hạn như những bộ giáp bằng ngọc bích vô cùng độc đáo và ấn tượng. Họ cũng khai quật được nhiều hiện vật bằng vàng, đồng, đồ gỗ và đồ gốm quý hiếm khác. Hơn một nửa số hiện vật này được bảo quản tốt, có chế tác tinh xảo, số lượng rất ít nên càng quý hiếm. Do đó, ngay khi được khai quật, chúng đã ngay lập tức gây chấn động khắp Trung Quốc.
Ảnh: Kknew.cc
Không những thế, kết quả nghiên cứu của các chuyên gia khảo cổ học còn cho thấy tất cả gỗ dùng trong lăng mộ này đều được làm bằng loại gỗ quý Kim tơ nam mộc vàng, với tổng cộng có 856 miếng gỗ được kết nối và cố định với nhau bằng một kết cấu kỳ lạ.
Ảnh: Kknew.cc
Theo các chuyên gia, Kim tơ nam mộc là một loại cây gỗ quý đặc biệt chỉ có ở Trung Quốc. Gỗ của cây này có mùi thơm, thớ gỗ như những sợi tơ vàng được hình thành tự nhiên, sáng óng ánh dưới ánh nắng mặt trời. Cây Kim tơ nam mộc tuổi gỗ càng cao thì gỗ càng quý. Cao cấp nhất là Kim tơ nam mộc âm trầm ngàn năm. Vào thời xa xưa, loại gỗ này đã trở thành một món đồ được ưa chuộng cho tất cả các cung điện hoàng gia và dùng làm quan tài cho vua chúa.
Cũng theo các chuyên gia, giá của loại gỗ này cao ngất ngưởng, thậm chí là không thể đong đếm. Có thông tin cho rằng vào thời điểm giá cao nhất vào năm 2013, một miếng Kim tơ nam mộc vàng nhỏ đã được rao bán với giá 20 triệu NDT (hơn 70 tỷ đồng). Vì vậy, các chuyên gia đã nhận định rằng 856 miếng Kim tơ nam mộc vàng trong lăng mộ cổ này có giá lên đến 171,2 tỷ NDT (600.000 tỷ đồng).
Ảnh: Kknew.cc
Sau khi được phát hiện ra, năm 1992, toàn bộ lăng mộ của Quảng Lăng Lệ vương đã được chuyển đến Dương Châu, tỉnh Giang Tô. Các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã tiến hành trùng tu và phục dựng toàn bộ lăng mộ về trạng thái ban đầu, đồng thời thành lập Bảo tàng lăng mộ Quảng Lăng vương mở cửa cho người dân đến tham quan. Nơi đây sau đó đã được Cục Quản lý về Di sản Văn hóa xếp hạng là di tích văn hóa cấp quốc gia tại Trung Quốc.
(Theo Kknew.cc)