Công cuộc chuyển đổi sang xe điện của các nhà sản xuất toàn cầu: Áp lực và sợ bị bỏ lỡ

Vũ Anh | 08:55 25/02/2023

“Chúng tôi không muốn mạo hiểm bỏ lỡ thị trường”, Giám đốc điều hành AB Jim Rowan nói.

Công cuộc chuyển đổi sang xe điện của các nhà sản xuất toàn cầu: Áp lực và sợ bị bỏ lỡ

Các Giám đốc điều hành đều đồng ý rằng việc thế giới chuyển đổi sang xe điện là điều đương nhiên, song làm thế nào để quá trình này diễn ra nhanh và hiệu quả lại là một vấn đề khác. 

Theo WSJ, các nhà sản xuất ô tô truyền thống đã cam kết chuyển đổi sang xe điện và đưa ra các mốc thời gian cụ thể. Việc đi trước người tiêu dùng có thể khiến họ đối mặt với bài toán chi phí, đồng thời phải đảm bảo doanh số xe chạy bằng khí đốt đủ để phục vụ các khoản đầu tư điện khí hóa. Ngoài ra, việc tụt hậu hơn so với đối thủ có thể khiến các nhà sản xuất ô tô mất đi cơ hội khẳng định mình trong một lĩnh vực tăng trưởng ‘nóng’. 

“Chúng tôi không muốn mạo hiểm bỏ lỡ thị trường”, Giám đốc điều hành AB Jim Rowan cho biết trong một báo cáo. Được biết nhà sản xuất Thụy Điển này nằm trong số những thương hiệu đang tìm cách chuyển đổi nhanh chóng sang xe điện, đồng thời đặt mục tiêu cung cấp các dòng sản phẩm thuần điện vào năm 2030. Năm ngoái, 11% doanh số bán xe của Volvo là xe điện.

Theo công ty nghiên cứu EV-Volumes.com, xe điện năm ngoái chiếm gần 10% doanh số toàn cầu, phần lớn do Tesla và các ông lớn chuyên EV khác làm ‘bệ đỡ’. Đối với nhiều nhà sản xuất ô tô lâu đời, xe điện nhiều khi chỉ là một phần nhỏ hơn trong chuỗi các hoạt động kinh doanh. Và trong khi lợi nhuận Tesla đang tăng lên, các nhà sản xuất ô tô truyền thống phần lớn lại đối mặt với tình trạng thua lỗ do chi phí ban đầu cho pin xe điện quá cao. 

Trong các ngành công nghiệp ô tô, các công ty đang phải vật lộn chuyển mô hình kinh doanh ra khỏi nhiên liệu hóa thạch. BP PLC, công ty từng rất ủng hộ cuộc cách mạng xanh, tháng này cho biết sẽ làm chậm quá trình chuyển đổi, hướng sang mô hình phát thải ít carbon hơn và tăng cường sản xuất dầu khí.

1200x-12.jpeg
Các Giám đốc điều hành đều đồng ý rằng việc thế giới chuyển đổi sang xe điện là điều đương nhiên

Trong khi đó, chính phủ từ Bắc Kinh đến Sacramento lại thúc giục các công ty sớm cân bằng carbon. Tuần trước, Liên minh Châu Âu thậm chí còn thông qua luật cấm bán các loại xe chạy xăng và dầu diesel bắt đầu từ năm 2035. California cũng có động thái tương tự. 

Theo các chuyên gia, yếu tố khiến các nhà sản xuất ô tô không thể nhanh chóng chuyển đổi là do các nguyên liệu cần để sản xuất xe điện không sẵn có, trong khi lưới điện cũng chưa sẵn sàng. Tom Doll, Giám đốc điều hành Subaru cho rằng tốc độ chuyển hướng sang xe điện là bài toán lớn đối với bất kỳ nhà sản xuất nào. 

“Tất cả chúng tôi đều cảm thấy áp lực,” ông Doll nói. “Chúng tôi phải đảm bảo rằng thị trường thực sự sẽ nghiêng về phía xe điện”.

Bất chấp việc Đạo luật Giảm lạm phát thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng, độ tin cậy của các bộ sạc hiện nay vẫn chưa thực sự cao. Các công ty ô tô và nhà cung cấp đã cam kết chi hơn 525 tỷ USD trên toàn cầu từ nay cho đến năm 2026 để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang xe điện, theo công ty tư vấn AlixPartners LLP.

GM và Ford là hai trong số những công ty xe hơi có tham vọng EV lớn nhất. Trong đó, Ford kỳ vọng một nửa doanh số bán xe cuối thập kỷ này sẽ hoàn toàn là xe điện. GM cũng đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ ngừng bán xe động cơ đốt trong, trừ những dòng hạng nặng.

Trong khi đó, Toyota, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới lại có quan điểm thận trọng đối với xe điện. Họ cho rằng ô tô điện chạy bằng pin vô cùng quan trọng, song không phải giải pháp tốt nhất cho tất cả mọi người. Trong thế giới đa dạng, con người cần nhiều sự lựa chọn và Prius là “chiếc xe sinh thái” nằm trong khả năng tài chính của mọi người.

1200x-13.jpeg
BEV được cho là sự lựa chọn phù hợp ở châu Âu và Mỹ, nơi cơ sở hạ tầng đang được xây dựng và hệ thống điện luôn sẵn có

“Khi vật liệu pin và cơ sở hạ tầng sạc năng lượng tái tạo khan hiếm và đó là những gì sẽ diễn ra trong 10 đến 15 năm tới, chúng ta cần sử dụng tư duy hệ thống,” Gill Pratt, chuyên gia tại Toyota cho biết. “Pin xe điện chỉ được đặt ở những nơi chúng hoạt động tốt nhất”.

Nhà sản xuất ô tô này cũng ước tính có hơn 1 tỷ người không được tiếp cận nguồn cung cấp điện đầy đủ. Và trong khi một chiếc xe chạy bằng pin trung bình, hay BEV, được bán với giá hơn 65.000 USD ở Mỹ, thì Prius thế hệ mới chỉ có giá khởi điểm hơn 25.000 USD.

“BEV là lựa chọn phù hợp ở châu Âu và Mỹ, nơi cơ sở hạ tầng đang được xây dựng và hệ thống điện luôn sẵn có, cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, sự lựa chọn này không phù hợp ở mọi khu vực, với mức giá không phải chăng với tất cả mọi người”, Chủ tịch Toyota Akio Toyoda cho biết.

Carlos Tavares, Giám đốc điều hành Stellantis NV - nhà sản xuất thương hiệu Jeep và Ram, cũng do dự về một công cuộc chuyển đổi quá cập dật. Điều này có thể khiến các nhà sản xuất đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất, qua đó đẩy toàn ngành vào rủi ro thiếu hụt. 

“Tôi không biết liệu mọi người có thể thích nghi với lối sống mới nhanh như cách các công ty ô tô thích nghi với công nghệ mới hay không,” ông Tavares nói.

Mike Manley, Giám đốc điều hành AutoNation - một nhóm đại lý giao dịch công khai, cho biết lãnh đạo trong giới nhiều năm qua đã thảo luận về tốc độ chuyển đổi EV. Ông nói đây không phải vấn đề đơn giản bởi chưa hề có sự chắc chắn về nhu cầu người tiêu dùng đối với các phương tiện chạy bằng pin.

Theo: WSJ, Bloomberg 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Công cuộc chuyển đổi sang xe điện của các nhà sản xuất toàn cầu: Áp lực và sợ bị bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO