Cơn 'thèm chuối' của người Mỹ: Từng có thời kỳ cảng New York được ví là 'banana dock', người dân bị cấm vứt vỏ chuối ra đường

Băng Băng | 10:10 07/04/2023

Đã từng có thời gian các tập đoàn chuối của Mỹ là thế lực kinh tế lớn nhất ở Trung Mỹ và tất cả bắt nguồn từ loại nông sản xuất hiện tại Đông Nam Á cách đây 400 năm: Chuối.

Cơn 'thèm chuối' của người Mỹ: Từng có thời kỳ cảng New York được ví là 'banana dock', người dân bị cấm vứt vỏ chuối ra đường

Chuối là một loại hoa quả khá phổ biến ngày này, nhưng ít ai biết rằng các tập đoàn Mỹ đã sử dụng nông sản này như một vũ khí để lũng đoạn nền kinh tế Trung Mỹ. Trước khi cơn khát dầu mỏ ở Trung Đông xuất hiện thì chuối mới là thứ tài nguyên bị các siêu liên minh doanh nghiệp của Mỹ nhắm đến.

Kinh khủng hơn, chính chuối là nguyên nhân dẫn đến việc phát triển các cơ sở hạ tầng tại Trung Mỹ, tạo ra vô số việc làm cũng như trở thành nguyên nhân xung đột, thậm chí biến động địa chính trị chẳng khác gì những nước có tài nguyên dầu mỏ hiện nay.

Thèm chuối

Quay ngược dòng lịch sử, chuối xuất hiện tại Đông Nam Á cách đây 400 năm rồi dần du nhập sang Châu Âu. Khi Bồ Đào Nha phát hiện ra Châu Mỹ, chuối cũng được họ mang sang lục địa này để trồng thử và phát triển.

Sau đó vài trăm năm, một thủy thủ người Mỹ phát hiện ra cây chuối ở Jamaica và ngay lập tức nhận ra cơ hội kinh doanh. Vị thủy thủ này mang chuối về Mỹ bán và người dân lúc đó đã yêu mến loại nông sản ngọt ngào dễ ăn này. Cho tới cuối thập niên 1800, ăn chuối là một trào lưu phổ biến ở Mỹ và thường chỉ giới thượng lưu mới ăn nổi do chi phí vận chuyển đắt đỏ.

Bài đăng trên tờ New York Times về việc cấm vứt vỏ chuối ra đường

Thậm chí trong Triển lãm công nghệ thế giới (World Fair) thời kỳ đó, đã có lần chuối được bày một gian hàng cạnh những sản phẩm công nghệ tiên tiến, một điều mà ngay nay chắc ai cũng cảm thấy lạ.

Dần dần, chuối từ sản phẩm thượng lưu bắt đầu được các thương nhân phổ cập đến quảng đại quần chúng hơn nữa để kiếm lợi nhuận. Ngoài ra, việc tủ lạnh được phát minh vào năm 1834 càng khiến chuối dễ bảo quản và vận chuyển đi xa hơn, trở thành mặt hàng đầy lợi nhuận.

Nguồn cung chuối chủ yếu thời kỳ này là nhập khẩu vào cảng New York và thậm chí người ta đã từng gọi cảng này là “Banana Dock” để ám chỉ vô số chiếc thuyền chở chuối chất đầy khu vực.

Sự phổ biến của chuối tiếp tục lan rộng tại Mỹ đến mức New York đã phải ban hành luật cấm vứt vỏ chuối bừa bãi trên đường.

Câu chuyện sẽ chẳng có gì nếu chỉ dừng lại đó, thế nhưng với bản chất tư bản, các doanh nghiệp nhận ra rằng họ có thể kiếm lời nhiều hơn từ cơn thèm chuối của người Mỹ nếu kiểm soát được chuỗi cung ứng, bắt đầu từ nguồn cung.

Kiểm soát chuỗi cung ứng

Việc phụ thuộc vào nhập khẩu chuối từ Jamaica hay vùng Carribean là khá rủi ro do không bền vững, nhất là nhu cầu chuối trong nước tăng cao.

Mặc dù tủ lạnh đã được phát minh nhưng chuối vẫn dễ hỏng chỉ trong vòng 1 tuần, chưa kể việc vận chuyển có thể làm dập nát. Bởi vậy cách tốt nhất để buôn chuối từ vùng Châu Mỹ Latinh vào Mỹ là phải nhập khẩu với số lượng cực lớn và liên tục ổn định nguồn cung.

Để làm được điều này thì phải kiểm soát chuỗi cung ứng chặt chẽ.

Vào năm 1900, một loạt các hãng buôn chuối đã liên minh với nhau để thành lập “United Fruit Company” (UFC), một siêu đế chế tồn tại chỉ với 1 mục đích: Đảm bảo lợi nhuận cho ngành buôn chuối.

Ngay sau đó, UFC nhắm đến khu vực Trung Mỹ, nơi rất thích hợp để trồng chuối và trở thành nguồn cung ứng ổn định lâu dài. Ngoài ra, việc hình thành kênh đào Panama càng khiến khu vực này có tuyến đường thuận lợi hơn để chở chuối từ 2 bên bờ Trung Mỹ đến Mỹ.

Tuy nhiên, lý do trọng yếu nhất mà UFC nhắm đến khu vực này là do Mỹ có sự hiện diện quân sự rất lớn tại Trung Mỹ khi cần bảo vệ kênh đào Panama được hình thành vào năm 1914.

Cũng tương tự như những quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ nhưng kém phát triển ngày này, UFC đã đổ hàng tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng, kiểm soát nền kinh tế lẫn người dân nhằm đảm bảo nguồn cung chuối ổn định.

Và thế là Guatemala, quốc gia Trung Mỹ đầu tiên vào tầm ngắm.

Vòi bạch tuộc

Chỉ một thời gian ngắn sau khi vào Guatemala, UFC đã trở thành tập đoàn lớn nhất tại nền kinh tế Trung Mỹ này, đồng thời chiếm đến 1/5 tổng diện tích đất nông nghiệp khả dụng trên toàn quốc.

Không những vậy, UFC sở hữu mọi tuyến đường sắt, tất cả các trạm radio cùng những cơ sở hạ tầng liên quan, qua đó trở thành thế lực tư nhân lớn nhất sau chính phủ.

Đến năm 1910, chính quyền Guatemala thậm chí đã phải thuê UFC để vận hành mạng lưới bưu chính trên toàn quốc, biến doanh nghiệp này trở thành một “vương quốc” trong quốc gia.

Từ thành công của Guatemala, UFC bắt đầu mở rộng ra những quốc gia khác ở Trung Mỹ và Châu Mỹ Latinh. Nhờ nguồn lợi nhuận khổng lồ do bán chuối mà UFC có tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng, bến cảng, đường sắt, nhà máy để kiểm soát nguồn cung. Trong khi đó, chính phủ kêu gọi được nguồn vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế đi lên, người dân có việc làm.

Tưởng chừng như mọi người đều vui vẻ thì không, sự lũng đoạn kinh tế của UFC cuối cùng cũng có sơ hở: Thu nhập của người dân.

Một trong những lý do chính UFC chọn Trung Mỹ trở thành nguồn cung chuối là lao động giá rẻ. Tuy nhiên ngoài việc trả mức lương bèo bọt, liên minh này thậm chí còn chẳng trả tiền thật cho công nhân. Thay vào đó, công ty thanh toán bằng tem phiếu, vốn chỉ có thể dùng đổi hàng hóa sản phẩm ở những cửa hàng mậu dịch cho chính UFC thành lập, qua đó gián tiếp tạo nên một đồng tiền của riêng mình.

Mặc dù bất bình nhưng chẳng người dân nào có tiếng nói khi UFC không chỉ khống chế nền kinh tế mà cả quân sự. Chưa nói đến sự ủng hộ của chính phủ Mỹ, bản thân UFC cũng có đội hải quân riêng của mình với 93 tàu chiến, mang biệt danh “Siêu hạm đội trắng” (Great White Fleet).

Quyền lực quá lớn của UFC khiến những người dân nghèo Trung Mỹ gán cho liên minh này biệt danh “Bạch tuộc” (Elpulpo), bởi họ kiểm soát hầu như mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, chính trị lẫn quân sự.

Trong khi đó, những quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào việc xuất khẩu chuối cũng như bị kiểm soát bởi UFC bị gán cho thuật ngữ “Cộng hòa chuối” (Banana Republic). Ngày nay, thuật ngữ “Cộng hòa chuối” được dùng để ám chỉ những nền kinh tế phụ thuộc vào việc xuất khẩu một loại sản phẩm hữu hạn nhất định nào đó như chuối, dầu mỏ...

Mặc dù vậy, đế chế của UFC cũng dần rạn nứt khi người dân Trung Mỹ đã quá chán với kiểu phụ thuộc này. Hàng loạt những cuộc xung đột năm 1911 tại Honduras, 1928 tại Columbia hay thập niên 1950 tại Guatemala đều kết thúc với phần thắng nghiêng về UFC.

Thậm chí do sức tiêu thụ chuối của người Mỹ không theo kịp tốc độ phát triển nguồn cung của UFC mà hàng loạt những sản phẩm hoa quả khô, các bài viết về dinh dưỡng chuối...đã được đăng tải nhằm kích thích khả năng tiêu dùng hơn nữa.

Phải mãi cho đến khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào năm 1973 diễn ra thì sự chú ý của Mỹ tới tài nguyên chiến lược mới dần dịch chuyển sang Trung Đông. Dẫu vậy, nền tảng về một đế chế xây dựng trên việc bán chuối vẫn còn đó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cơn 'thèm chuối' của người Mỹ: Từng có thời kỳ cảng New York được ví là 'banana dock', người dân bị cấm vứt vỏ chuối ra đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO