Cơn địa chấn 1,5 nghìn tỷ USD trong ngành công nghệ

Băng Băng | 11:53 26/10/2022

Hàng loạt ngành công nghệ như sản xuất smartphone, xe điện, thiết bị điện tử... sắp phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mang tên: chip điện tử.

Cơn địa chấn 1,5 nghìn tỷ USD trong ngành công nghệ

Mới đây, việc Mỹ cấm công dân làm việc cho các nhà máy chip của Trung Quốc hay hạn chế bán chip máy tính, công nghệ bán dẫn cho các doanh nghiệp bên kia bờ Thái Bình Dương đã tạo nên cơn địa chấn trong ngành.

Trong khi hàng loạt hãng công nghệ Trung Quốc lâm vào cảnh khó khăn thì ở bên kia bờ Thái Bình Dương, nhiều hãng chip của Mỹ cũng khốn đốn bất chấp sự hỗ trợ về nguồn vốn và chính sách của chính quyền Washington.

Vậy tại sao động thái của Mỹ lại đang gây thiệt hại cho chính bản thân mình như vậy?

Giấc mơ thành ác mộng

Tại Ohio, hãng Intel đang xây dựng 2 nhà máy chip của họ có tổng trị giá lên đến 20 tỷ USD nhờ vào chính sách hỗ trợ 52 tỷ USD của chính phủ nhằm phát triển ngành chịp của Mỹ cạnh tranh với những nền kinh tế khác.

Vào tháng 3/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi thị trường chip mà Intel đang mở rộng này là “cánh đồng của những giấc mơ”, qua đó ám chỉ tiềm năng của ngành cũng như khả năng hỗ trợ của chính phủ trong tương lai.

“Đây là nền tảng xây dựng nước Mỹ trong tương lai”, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh.

Tại thời điểm đó, quan điểm của Nhà Trắng về ngành chip nhận được sự tán đồng của rất nhiều người khi chuỗi cung ứng đứt gãy khiến nhu cầu chip bùng nổ trong mọi ngành, từ thiết bị điện tử đến xe điện, smartphone...

Ngay cả nhà đầu tư cũng tin tưởng vào ngành chip khi giá cổ phiếu các hãng sản xuất trên sàn chứng khoán tăng bền vững, liên tiếp phá nhiều ngưỡng kỷ lục.

Thế nhưng cuộc chơi bắt đầu đến giai đoạn gay cấn và xì hơi. Theo tờ The Economist, giấc mơ của Mỹ đang nhanh chóng trở thành cơn ác mộng khi cung vượt cầu.

Vào cuối tháng 9/2022, hãng sản xuất chip nhớ Micron của Mỹ đã báo cáo mức sụt giảm 20% doanh số quý III so với cùng kỳ năm trước. Chỉ một tuần sau đó, hãng thiết kế chip AMD cũng theo gót, hạ doanh số dự báo của quý III đi 16%.

Trong khi đó, tập đoàn nhận được sự hỗ trợ xây thêm nhà máy của Mỹ là Intel cũng phải tuyên bố kế hoạch sa thải hàng nghìn nhân viên sau kết quả kinh doanh nghèo nàn của quý III. Đồng thời, Intel cũng đã phải giảm giá trị đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của mảng xe tự tái đi 1/3 từ mức 50 tỷ USD ban đầu.

Kể từ tháng 7/2022, top 30 hãng sản xuất chip lớn nhất của Mỹ đã phải hạ mức doanh thu dự báo quý III so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tổng 99 tỷ USD xuống chỉ còn 88 tỷ USD.

Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư cũng bày tỏ sự lo lắng khi hơn 1,5 nghìn tỷ USD tổng mức giá trị vốn hóa của ngành chip điện tử tại Mỹ đã bốc hơi từ đầu năm đến nay.

Gậy ông đập lưng ông

Tờ The Economist cho biết động thái của Mỹ là một nước đi đúng chiến lược trên tầm vĩ mô khi các nền kinh tế đang cạnh tranh nhau về mảng công nghệ, nhất là chip điện tử. Các nhà sản xuất chip lớn như Trung Quốc, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí là Đài Loan đều đang đầu tư rất lớn với khoản hỗ trợ lên đến 85 tỷ USD trong vòng 3 năm tới để phát triển mảng này khi vô số sản phẩm từ xe điện đến thiết bị điện tử, smartphone cũng cần đến chip.

Hiện TSMC đang là hãng sản xuất đến 90% những loại chip hiện đại nhất cho thế giới và các cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc đều không muốn chấp nhận điều này.

20221022_wbc424.png
Tổng giá trị vốn hóa của ngành chip điện tử Mỹ đã bốc hơi hơn 1,5 nghìn tỷ USD

Tuy nhiên, việc áp dụng lệnh cấm của Mỹ lại gây nên một hệ lụy phụ vô cùng to lớn. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ chip lớn nhất thế giới và nhập khẩu khoảng 400 tỷ USD chất bán dẫn vào năm 2021, chiếm gần 60% thị trường chip toàn cầu. Những công ty chip của Mỹ là người được hưởng lợi lớn nhất từ nhu cầu của Trung Quốc.

Vậy là trong khi nhận được sự trợ giúp từ chính phủ để tăng sản lượng cung thì ngành chip Mỹ lại vấp phải nguy cơ mất thị trường lớn nhất của mình là Trung Quốc.

Năm 2021, doanh số bán chip tại Trung Quốc của Intel lên đến 21 tỷ USD trong tổng số 79 tỷ USD của tập đoàn này. Hãng Nvidia cũng cho biết các lệnh cấm của Mỹ có thể khiến doanh số quý III giảm 400 triệu USD, tương đương 6% tổng doanh thu.

Tờ The Economist nhận định hiện 3 công ty chịu thiệt hại nặng nhất từ những lệnh cấm của Mỹ là Applied Materials, KLA và Lam Research, vốn đều là những hãng chip của chính nước Mỹ.

Báo cáo của Goldman Sachs cho thấy thị trường Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 1/3 doanh số của 3 tập đoàn chip Mỹ trên và lệnh cấm mới có thể khiến họ mất khoảng 6 tỷ USD doanh thu trong năm nay, hoặc 9% doanh số dự báo.

Hãng Lam Research mới đây đã cảnh báo doanh thu của họ có thể sụt giảm xuống chỉ còn 2-2,5 tỷ USD vào năm 2023 do thị trường Trung Quốc chiếm đến 30% doanh thu công ty.

Trong khi đó, Applied Materials ước tính doanh thu của họ giảm 250-550 triệu USD trong quý III/2022 và hạ dự báo doanh thu quý IV đi 4% xuống còn 6,4 tỷ USD.

Cổ phiếu của Applied Materials đã giảm 13% trong khi con số này là 20% với KLA và Lam Research.

600 tỷ USD đi về đâu?

Bên cạnh những yếu tố về địa chính trị, mảng chip điện tử còn gặp thách thức suy thoái kinh tế khi người dân hạn chế chi tiêu do lạm phát đi lên. Xin được nhắc là mảng máy tính cá nhân, smartphone chiếm đến gần 1 nửa trong tổng doanh số 600 tỷ USD của ngành chip mỗi năm.

Hãng nghiên cứu Gartner dự báo doanh số bán điện thoại toàn cầu sẽ giảm 6% trong năm nay và con số này là 10% với máy tính cá nhân.

Ngay cả những hãng lớn như Intel cũng đã phải thu hồi dự đoán tăng trưởng nhu cầu máy tính cá nhân đã tuyên bố vào tháng 2/2022 trước đó, thay thế là một dự báo bi quan hơn.

20221022_wbd001.jpg

Điều trớ trêu là cuộc khủng hoảng thiếu chip năm 2021 đã khiến nhiều ngành tích trữ sản phẩm này để rồi doanh số sụt giảm năm nay khiến linh kiện chất đầy trong kho. Nghiên cứu của hãng New Street Reseach cho thấy trong khoảng tháng 4-6/2022, lượng chip dự trữ trong kho cao hơn 40% so với mức lịch sử thông thường.

Thậm chí tại những ngành như máy tính điện tử hay xe hơi, lượng dự trữ chip điện tử đã đầy kho, khiến nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu mua thêm nữa trong bối cảnh sức tiêu dùng giảm. Chính bản thân các tập đoàn như Intel hay Micron cũng thừa nhận lượng đơn hàng ít là do các công ty tích trữ kho quá nhiều.

Chênh lệch cung cầu đã khiến giá chip giảm mạnh. Số liệu của hãng nghiên cứu Future Horizons cho thấy giá chip nhớ đã giảm 2/5 trong 1 năm qua.

Tất nhiên các nhà máy vẫn sẽ phải mua thêm chip để sản xuất nhưng kể cả như vậy thì số lượng đơn hàng cũng sẽ ít hơn trước. Báo cáo của 2 nhà sản xuất phần cứng lớn trên thế giới là Hewlett Packard Enterprise và Dell đều cho biết sức cầu yếu khiến họ khó lòng đặt hàng thêm nhiều chip điện tử.

Xin được nhắc lại là những nhà máy mới như của Intel phải mất vài năm để xây mới đủ tiêu chuẩn đi vào sản xuất, trong khi đó nhu cầu thị trường thì biến động chỉ trong chớp mắt.

Tình hình xấu hiện nay đã buộc nhiều hãng chip kiếm đường ra mới. Tháng 9/2022, hãng Qualcomm đã tự hào tuyên bố nhận được đến 30 tỷ USD đơn hàng từ các hãng ô tô, qua đó chuyển hướng từ chip cho smartphone sang mảng xe hơi.

Trong khi đó, AMD, Intel và Nvidia thì đang cạnh tranh lẫn nhau cho mảng chip ngành điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu. Riêng Intel còn mở rộng sang lĩnh vực bán dẫn cho thiết bị mạng cũng như những sản phẩm siêu kết nối khác.

Rõ ràng, ngành chip Mỹ đang gặp nhiều khó khăn cũng như biến động, và chắc chắn cơn ác mộng này sẽ ảnh hưởng đến toàn ngành công nghệ thế giới.

*Nguồn: The Economist

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cơn địa chấn 1,5 nghìn tỷ USD trong ngành công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO