Có tới 7 lý do để thế giới hối hả mua vàng

Vũ Ngọc Diệp | 20:46 06/04/2023

Giá vàng đã leo lên mức cao nhất 13 tháng và đang tiến gần đến mức kỷ lục 2.075,47 đạt được vào tháng 8/2020. Sau khi một số ngân hàng khu vực của Mỹ gặp rắc rối đẩy các nhà đầu tư vào ‘hầm’ trú ẩn an toàn, dự đoán Fed sẽ buộc phải giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ tiếp tục “đốt nóng” thị trường vàng.

Có tới 7 lý do để thế giới hối hả mua vàng

Vàng đã vượt qua ngưỡng quan trọng 2.000 USD vào thứ Ba sau khi số lượng việc làm mới của Mỹ giảm mạnh trong tháng 2/2023, tăng tốc từ đầu tuần này sau khi giá dầu tăng đột biến do OPEC đột ngột thông báo cắt giảm thêm sản lượng gây ra lo ngại về một đợt lạm phát cao hơn nữa. Các nhà phân tích cho biết vàng có thể duy trì mức tăng trên mức 2.000 USD khi những lo ngại về kinh tế gia tăng.

Vào thứ Tư (5/4), giá vàng đã chạm mức cao nhất trong 13 tháng sau khi dữ liệu cho thấy sự suy giảm của thị trường lao động Mỹ. Giá phiên này đạt 2.042 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 3/2022 và gần chạm mức cao kỷ lục 2.069,40 USD được thiết lập vào năm 2020.

Kim loại màu vàng sáng bóng, vốn là kho lưu trữ giá trị lâu đời nhất của nhân loại, đã tăng 12% chỉ trong 1 tháng qua và tăng 25% so với mức thấp gần đây vào tháng 11.

Giá vàng đang được thúc đẩy bởi hàng loạt yếu tố cùng lúc hội tụ như sau:

1. Sự suy yếu của đồng đô la Mỹ

Một ounce vàng có giá trị tăng lên khi giá trị của đồng bạc xanh giảm. Do đó, USD trượt dốc có vai trò như một cơn gió thuận lợi cho kim loại quý.

"Những lý do chính cho sự phục hồi của kim loại quý là chỉ số đồng USD yếu đi. Chỉ số Dollar index sau chuỗi ngày đi xuống đã chạm mức thấp nhất trong 2 tháng, là 101,43, do gia tăng niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể không chỉ tạm dừng mà còn bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023”, nhà phân tích Colin Shah, MD của Kama Jewelry, cho biết. Vàng là một ‘nơi trú ẩn an toàn’ và thường thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong những thời kỳ kinh tế bất ổn và suy thoái.

Theo ông Shah, các dữ liệu kinh tế yếu kém như hoạt động sản xuất và thị trường việc làm đang là những dấu hiệu cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ sắp xảy ra. Những diễn biến này sẽ hạn chế khả năng Fed thắt chặt hơn nữa lãi suất và thanh khoản.

2. Lợi suất trái phiếu giảm

Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm có nghĩa là có ít cạnh tranh hơn đối với vàng – tài sản vốn không tạo ra lợi suất. Và sự e ngại rủi ro lớn hơn làm cho kim loại sáng bóng, vốn là kho lưu trữ giá trị lâu đời nhất của loài người, trở nên phổ biến hơn.

Lợi suất trái phiếu kho bạc đã giảm mạnh vào tháng 3, với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm từ 5,1% vào đầu tháng 3/2022 xuống khoảng 3,8% hiện nay.

3. Dữ liệu kinh tế Mỹ yếu kém

Dữ liệu cơ hội việc làm của Mỹ thấp hơn kỳ vọng cho thấy thị trường lao động ở Mỹ đang hạ nhiệt và các đơn đặt hàng của nhà máy cũng giảm nhiều hơn dự đoán, làm dấy lên hy vọng Fed sẽ sớm dừng chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ của mình.

Ngày 5/4, công ty nghiên cứu ADP công bố báo cáo cho biết các nhà tuyển dụng tư nhân của Mỹ đã giảm tốc độ tuyển dụng trong tháng Ba. Đây là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hạ nhiệt sau các biện pháp tích cực nhằm kiềm chế lạm phát.

Số việc làm mà lĩnh vực tư nhân Mỹ tạo thêm trong tháng 3/2023 là 145.000, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán là 210.000 và càng thấp so với con số 261.000 việc mới tạo ra trong tháng 1. Trong tháng trước, tăng trưởng tiền lương của người lao động đã giảm tốc, với mức tăng hàng năm giảm xuống còn 6,9% đối với những người không thay đổi công việc. Đối với những người lao động đã thay đổi công việc, mức tăng lương cũng hạ xuống còn 14,2%.

Cùng ngày 5/4, Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại trong tháng Hai tăng 2,7% lên 70,5 tỷ USD do xuất khẩu hàng hóa giảm. Số liệu này cho thấy thương mại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong quý I/2023.

Trong khi đó, chỉ số PMI sản xuất của Mỹ tháng 3 đã giảm xuống mức 46,3, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

4. Lo ngại rủi ro gia tăng

Các số liệu kinh tế kém lạc quan gần đây và việc một số ngân hàng Mỹ phải ngừng hoạt cũng góp phần khiến các nhà đầu tư lo lắng và tìm đến những tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
Thị trường bắt đầu lo ngại nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, có thể xảy ra ngay trong năm nay, do những bất ổn từ lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, cuộc tranh luận về mức trần nợ công của Chính phủ Mỹ lại sắp xảy ra, càng làm tăng thêm nguy cơ hỗn loạn trên thị trường trong thời gian tới -có thể thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn từ vàng.

Joe Cavatoni, chiến lược gia thị trường của Hội đồng Vàng Thế giới, đã viết trong một bình luận qua email rằng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế cho thấy vàng sẽ có nhiều khả năng tăng giá hơn. Ông lưu ý: “Nếu bạn nhìn vào hoạt động của vàng trong lịch sử, thì đó là loại tài sản sẽ hoạt động tốt như nó đã thể hiện trong 5/7 cuộc suy thoái trong lịch sử”.

Bank of America (BofA) đã chia sẻ tương tự về triển vọng đối với hàng hóa trong một ghi chú mới đây. Chuyên gia Paul Ciana của BofA viết: “Chúng tôi thấy vàng thoát ra khỏi mô hình dao động mất phương hướng, ủng hộ việc tiếp tục xu hướng tăng bắt đầu từ quý 4 năm 2022.” Ông nói: “Mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại mới của giá vàng, trên 2.078 USD, trên biểu đồ hàng ngày và hàng tuần sẽ giúp ích rất nhiều trong việc báo hiệu xu hướng tăng giá lớn hơn đáng kể trong giai đoạn 2023-2025, chẳng hạn như các mức tiếp theo sẽ là 2.391 USD/2.543 USD”. "

5. ‘Đỉnh’ lãi suất đến sớm

Những tín hiệu cho thấy việc tăng lãi suất của Fed đang có tác dụng, một điều có thể dẫn đến tốc độ tăng lãi suất trong tương lai sẽ chậm lại. Vì vàng đã từng suy yếu trong các thời kỳ thắt chặt, nên việc nới lỏng dự kiến là một lợi ích cho hàng hóa.

Fed đã tăng lãi suất 9 lần liên tiếp để kiềm chế lạm phát, đẩy lãi suất liên bang lên 4,75 - 5%, mức cao nhất kể từ tháng 9/2007. Đến thời điểm hiện tại, chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed đã bắt đầu tác động tới nhiều lĩnh vực, nhất là ngân hàng, với 2 ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) đã phải ngừng hoạt động. Số liệu do Fed công bố ngày 25/3 cho thấy tổng số tiền gửi ngân hàng của người dân Mỹ đến nay chỉ còn trên 17.500 tỷ USD, giảm tới 582,4 tỷ USD so với tháng 2/2022 (giảm tương đương 0,6%). Trong khi đó, doanh số bán nhà của Mỹ giảm trong 11 tháng liên tiếp tính đến tháng 1/2023; giá nhà đất giảm kể từ giữa năm 2022 và số lượng khách hàng đăng ký vay thế chấp mua nhà suy giảm. Nguyên nhân do lãi suất cho vay thế chấp tăng cao (hiện là 6,7%/năm, hơn gấp đôi so với đầu năm 2022). Các doanh nghiệp Mỹ cũng đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại và tỷ suất lợi nhuận bị co hẹp bởi lãi suất và tiền lương tăng và nguồn tín dụng dồi dào có thể sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.

Trong tình hình đó, mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao, tại kỳ họp tháng 3/2023, Chủ tịch Fed đã phát tín hiệu có thể ngừng tăng lãi suất sớm hơn so với dự tính nếu căng thẳng hệ thống ngân hàng khiến hoạt động cho vay suy giảm.

Chứng khoán Phố Wall đang lao dốc, có thể lan sang Phố Chính, cũng có thể buộc Fed phải đảo ngược chính sách sớm.

Trên thực tế, Fed đã nhận thấy các hậu quả về kinh tế xuất phát từ các điều kiện tín dụng thắt chặt tiền tệ, thể hiện qua việc ngân hàng trung ương chỉ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp gần đây. Tất cả điều này chỉ ra một lập trường dễ chịu hơn trong tương lai, điều này sẽ có lợi cho vàng.

6. Giá dầu tăng cao trên toàn thế giới

Việc OPEC+ có kế hoạch cắt giảm thêm sản lượng dầu thô đang đẩy giá dầu tăng trở lại, có khả năng dẫn đến lạm phát và góp phần làm suy giảm thêm tâm lý nhà đầu tư.

Hôm 3/4, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và Nga (OPEC+) đã cam kết sẽ nâng tổng khối lượng cắt giảm của nhóm kể từ tháng 11/2023 lên 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu dầu toàn cầu. Giá năng lượng tăng đã từng là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát cao trên toàn thế giới trong thời gian qua, buộc các ngân hàng trung ương phải tăng mạnh lãi suất.

Nhà phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của ActivTrades cho biết: “Mặc dù ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng nền kinh tế toàn cầu có thể đang phải đối mặt với sự suy thoái nghiêm trọng, nhưng các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục gạt bỏ những lo ngại sang một bên, chọn giải pháp tập trung vào việc chống lạm phát cao liên tục thông qua lãi suất ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, giá vàng có thể tăng thêm.”

7. Các ngân hàng trung ương tăng cường mua vàng

Thị trường vàng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng trung ương (NHTƯ) khi các quốc gia tiếp tục bổ sung vàng vào kho dự trữ của họ vào tháng Hai, đánh dấu khởi đầu năm mạnh nhất kể từ ít nhất là năm 2010.

Theo dữ liệu mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), dự trữ vàng toàn cầu tăng 52 tấn trong tháng 2, tăng tháng thứ 11 liên tiếp. Chỉ tính riêng trong tháng 1, các NHTƯ đã mua 74 tấn vàng. Từ đầu năm đến nay, lượng mua ròng của các NHTƯ là 125 tấn, là khởi đầu mạnh mẽ nhất trong ít nhất là từ 2010.

Quốc gia mua vàng lớn nhất trong tháng 2 là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), với 25 tấn, là tháng thứ 4 liên tiếp tăng; NHTƯ Thổ Nhĩ Kỳ đã mua vàng 15 tháng liên tiếp tính đến thàng 2, bổ sung 22 tấn vào kho dự trữ. Thổ Nhĩ Kỳ là nước mua vàng lớn nhất trong năm ngoái. NHTƯ Uzbekistan đã mua thêm 8 tấn, Singapore mua 7 tấn và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ mua thêm 3 tấn. Nga đã mua một triệu ounce (tuong đương 31 tấn) vàng trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 đến tháng 3/2023. Lượng dự trữ vàng hiện chiếm 24% dự trữ quốc tế của Nga.

Triển vọng thị trường vàng

Động thái tiếp theo của kim loại màu vàng sẽ phụ thuộc vào kỳ vọng về chính sách của Fed và nền kinh tế phát triển như thế nào.

Tháng 4 sẽ có nhiều biến động khi dữ liệu việc làm cuối cùng cũng được công bố, phản ánh các chỉ số suy thoái ở các thị trường khác. Ngân hàng UBS dự báo giá vàng sẽ vượt qua mức cao nhất mọi thời đại và đạt 2.200 USD vào cuối tháng 3/2024.

Tham khảo: Kitco, Barrons, Livemint

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có tới 7 lý do để thế giới hối hả mua vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO