Ngay phiên giao dịch sáng nay ngày 9/2/2023, nhóm cổ phiếu thuỷ sản đồng loạt “dậy sóng”. Đà tăng diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) đón nhận đơn hàng khủng từ các đối tác ngoại, đặc biệt là Trung Quốc (vừa mở cửa sau chính sách Zero Covid-19) và Mỹ.
Thông tin mới nhất từ The Fishsite cho thấy, sản lượng nhập khẩu đạt mức cao mới, giá nguyên liệu đầu vào nhiều loại thủy sản tăng cao, tiềm năng tiêu thụ thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc rất lớn.
Sau 3 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc sẽ tăng trở lại vào năm 2022 và kim ngạch nhập khẩu nhiều loại thủy sản đạt mức cao mới. Với thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ của Trung Quốc, ngành thủy sản nhập khẩu dự kiến sẽ phục hồi đáng kể vào năm 2023.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp cá tra thông tin về sự hồi phục đơn hàng từ các thị trường ngay đầu năm 2023, ghi nhận bởi VASEP. Đơn cử, trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, công nhân của Công ty TNHH Hùng Cá đang chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu 21 container cá tra phi lê.
Tương tự tại Vĩnh Hoàn, gần 10.000 công nhân, người lao động cũng trở lại nhà máy để chuẩn bị cho những đơn hàng mới.
Bên cạnh đó, kinh tế khách hàng lớn truyền thống là Mỹ có tín hiệu hồi phục nhẹ, lượng tồn kho giảm và các yếu tố cung – cầu có thể sẽ kích thích các đơn hàng cho cá tra tăng trở lại từ sau Tết Nguyên đán. VASEP cho rằng những kỳ vọng đó có thể mang lại niềm tin về khả năng hồi phục cho các doanh nghiệp cá tra năm 2023.
Phía doanh nghiệp, các công ty niêm yết cũng khép lại năm 2022 với sự tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp nhu cầu có sự sụt giảm mạnh trong quý 4.
Đầu tiên phải kể đến “ông lớn” cá tra là Vĩnh Hoàn (VHC), năm 2022 doanh thu Công ty đạt 13.239 tỷ đồng – tăng 46% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 2.014 tỷ đồng, tăng 90%.
Quý 4 chỉ số VHC có sụt giảm mạnh do ảnh hưởng ảm đạm của thị trường, song luỹ kế cả năm 2022 cả doanh thu và lợi nhuận đều vươn lên đỉnh mới trong lịch sử của Vĩnh Hoàn với EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) đạt gần 11.000 đồng.
Cùng chuyên về cá tra, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI thu về IDI đạt 4.936 tỷ doanh thu trong năm qua - tăng 42,5% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 500 tỷ đồng, tăng cao gấp 4,5 lần.
Hay Thủy sản Mê Kông cũng tăng trưởng 58% doanh thu với 212 tỷ đồng, khấu trừ chi phí lợi nhuận sau thuế thậm chí gấp 75 lần so với năm 2021, đạt 17 tỷ đồng.
Được biết, năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD (tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu…đều đạt 2 con số trở lên. Nhờ vậy, các doanh nghiệp cá tra đều có một năm “ăn nên làm ra”.
Ngoài cá tra, năm qua ngành tôm cũng có đóng góp lớn khi đạt 4,3 tỷ USD (tăng 11% so với năm trước). Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm khá khả quan.
Đơn cử, Thực phẩm Sao Ta (FMC) vừa công bố KQKD 2022 với doanh thu thuần đạt hơn 4.300 tỷ đồng, tăng 7% so với năm ngoái. Khấu trừ chi phí, Công ty lãi sau thuế khoảng 315 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 33%.
Được biết, 2022 là năm FMC tiếp tục các chiến lược tái cấu trúc quản trị cũng như kinh doanh, từ đó góp phần lớn cải thiện về chỉ số Công ty. Được biết, 2022 cũng là năm đầu tiên sau khi Công ty đón nhận cổ đông lớn mới là CP Group, bên cạnh Tập đoàn PAN (hiện nắm cổ phần chi phối hơn 51% vốn).
Ngược lại, Thuỷ sản Minh Phú (MPC) ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Theo BCTC riêng, lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của MPC đạt 8.925 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2021. Lợi nhuận gộp từ HĐKD chính theo đó đi ngang. Dù vậy, nhờ ghi nhận 538 tỷ đồng từ khoản cổ tức thu tại các công ty con, lợi nhuận sau thuế MPC tăng 50% lên đạt 802 tỷ đồng.