Hòa chung với sự sôi động của thị trường, nhóm cổ phiếu thép cũng ghi nhận đà tăng mạnh mẽ. Cả nhóm thép đồng loạt tăng mạnh trên 4%, thậm chí bộ đôi NKG và HSG còn nhuộm sắc tím, “trắng bên bán”.
“Anh cả” HPG cũng tăng tích cực 4,3% để leo lên mốc 29.000 đồng/cp – mức đỉnh cao nhất trong vòng 16 tháng. Thanh khoản HPG cao nhất trên toàn sàn với hơn 52 triệu cổ phiếu khớp lệnh - tăng gấp đôi khối lượng trung bình, HSG ghi nhận 24 triệu đơn vị được sang tay trong khi NKG ghi nhận hơn 21 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Thời gian gần đây, cổ phiếu thép cũng đang trên đà phục hồi cùng với xu hướng chung của thị trường. Hầu hết các cổ phiếu đã tăng bằng lần kể từ đáy như HSG +173%, NKG +160%, TLH +115%,... để leo lên mức đỉnh cao nhất trong hơn 1 năm.
Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu thép diễn ra trong bối cảnh giá thép thế giới đang trên đà hồi phục nhẹ sau khi có nhịp “rơi” vào giữa tháng 8. Hiện giá thép thanh vằn tại Trung Quốc đã hồi phục khoảng 5% trong hơn 2 tuần qua lên mức 3.747 CNY/tấn.
Chiều ngược lại, giá than luyện dù đã hồi phục phần nào so với thời điểm tháng 6 song vẫn đang neo ở mức thấp trong vòng 2 năm qua. Dữ liệu từ tradingeconomics cho thấy giá than hiện đang dao động dưới ngưỡng 160 USD/tấn.
Việc giá nhiên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng cao nhất trong quá trình sản xuất gang thép vẫn duy trì ổn định giúp giảm bớt chi phí đầu vào sản xuất, qua đó cải thiện phần nào lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép.
Nhu cầu thép xây dựng có thể bùng nổ vào năm 2024
Bên cạnh đó, diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu thép cũng xuất hiện trước nhiều kỳ vọng về sự phục hồi của nhu cầu thép xây dựng. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 7 đạt 919 nghìn tấn, tăng 24,5% so với tháng trước nhưng giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 7 tháng đầu năm, sản xuất và bán hàng thép xây dựng cùng đạt 5,9 triệu tấn, giảm lần lượt 24% và 22% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 936.000 tấn, giảm 39,5% so với cùng kỳ.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường thép sẽ tiếp tục khó khăn trong nửa cuối năm 2023 và có thể phục hồi mạnh vào năm 2024. Theo đó, nửa cuối năm 2023, doanh thu và biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép có cải thiện nhờ các yếu tố như nhu cầu của thị trường nước, giá nguyên vật liệu giảm mạnh và các doanh nghiệp đã hạ thấp số ngày tồn kho bình quân nhằm giảm thiểu rủi ro do biến động giá nguyên vật liệu.
Đối với mảng thép xây dựng, VDSC cho biết thị trường bất động sản đang có những tín hiệu hồi phục vào cuối quý 4 khi các dự án nhà ở tại các đô thị loại I (Hà Nội, TP HCM) đã bắt đầu nhận đặt cọc của khách hàng, điều đó sẽ đẩy mạnh quá trình xây dựng từ cuối năm 2023 và tăng nhu cầu nguyên vật liệu, bao gồm thép xây dựng.
VDSC dự báo nhu cầu thép xây dựng có thể bùng nổ trong năm 2024 và công ty có lợi thế về chi phí như tập đoàn Hòa Phát (HPG) có thể ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể về sản lượng và tiêu thụ mặt hàng này.
Dù vậy, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tiếp tục “dò đáy” khi giảm xuống mức 677 USD/tấn, giảm gần một nửa so với mức đỉnh cao thiết lập hồi tháng 3 năm nay để về mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022. Giá HRC toàn cầu đang trong giai đoạn biến động sau dịch Covid-19, do chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và chính sách của các nền kinh tế lớn.
Về định giá cổ phiếu thép, VDSC cho rằng cổ phiếu thép đã có sự phục hồi mạnh từ đầu năm khi rơi vào mức quá bán trong đợt giảm giá của thị trường vào cuối năm 2022. Do đó, mức tăng giá trong nửa cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ phục hồi lợi nhuận tương ứng của các công ty cùng với khả năng sinh lời tiềm năng của DN.