Sau nhiều năm theo đuổi mục tiêu IPO trên sàn chứng khoán Mỹ, VNG cuối cùng cũng đã nộp hồ sơ IPO trên sàn Nasdaq vào tháng trước.
Từ cách đây 2 năm, tờ Techinasia đã có bài viết cho rằng VNG đã bỏ lỡ “bữa tiệc” IPO ở Đông Nam Á vốn được Grab khởi động vào tháng 12/2021.
Câu chuyện của VNG có đôi nét tương đồng với Sea Group, một công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore cũng có gốc rễ từ mảng game và sau đó mạo hiểm dấn thân vào các lĩnh vực khác. Thương vụ IPO của Sea diễn ra tốt đẹp phần nhiều nhờ sự khởi đầu của đại dịch và gặp đúng thời kỳ “tiền rẻ”, khiến giá cổ phiếu của họ bay xa.
VNG khởi nguồn có tên VinaGame, thành lập vào năm 2004. Cho tới ngày nay, hơn 80% doanh thu của công ty này vẫn tới từ mảng game. Giống với Sea Group – công ty này cũng có gốc rễ từ game, VNG đã mở rộng sang những mảng kinh doanh khác như dịch vụ tài chính, mạng xã hội, nhắn tin và điện toán đám mây.
Nhưng VNG đang chuẩn bị lên sàn vào một thời điểm rất khác. Tờ Techinasia cho rằng sẽ rất thú vị khi xem thị trường phản ứng như thế nào với công ty mới nổi của Việt Nam này. Không giống Sea Group, VNG ưu tiên phục vụ thị trường nội địa và điều này có thể không đủ thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tốc độ tăng trưởng chậm lại
VNG đang cung cấp cho các nhà đầu tư cơ hội đầu tư vào “hệ sinh thái kỹ thuật số nội địa” đang phát triển ở một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tuy nhiên, không giống Sea Group, VNG đang chuẩn bị niêm yết giữa lúc thị trường trầm lắng và sức tăng trưởng chậm chạp.
VNG tạo ra 316 triệu USD doanh thu trong năm 2022 và 166 triệu USD trong nửa đầu năm 2023, tăng lần lượt 2% và 4% so với cùng kỳ năm trước.
So với đó, Sea Group niêm yết vào tháng 10/2017. Doanh thu của họ trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước đó.
VNG dự kiến mảng các nền tảng kết nối của công ty cũng như fintech “sẽ tăng trưởng và đóng góp tỷ lệ lớn hơn vào tổng doanh thu của công ty trong tương lai”.
Tuy nhiên, trong 6 tháng kết thúc vào tháng 6/2023, doanh thu từ mảng các nền tảng kết nối giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cho rằng họ chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm hơn ở lĩnh vực này là do 2 yếu tố: Nhóm khách hàng doanh nghiệp giảm chi tiêu cho marketing và doanh thu từ những mảng không phải quảng cáo như dịch vụ cũng thấp hơn.
Mặc cho những nỗ lực đa dạng hoá các dòng doanh thu, tính tới tháng 6/2023, 82% doanh thu của VNG vẫn tới từ game. Chưa kể đến việc, VNG cũng chưa tạo ra được một game nào có tầm ảnh hưởng như Free Fire của Sea.
Mảng fintech vẫn “đốt tiền”
Nhìn chung, VNG không có lãi và họ ghi nhận lỗ hoạt động 15 triệu USD trong nửa đầu năm 2023.
Các đơn vị hoạt động tốt nhất của công ty là game và các phương tiện truyền thông, kết nối. Cả hai mảng này đều có lãi trong mỗi năm từ 2020 đến 2022.
Mảng Phương tiện truyền thông, kết nối của công ty bao gồm ứng dụng trò chuyện Zalo, dịch vụ âm nhạc Zing MP3, trang tổng hợp tin tức Báo Mới và các nền tảng quảng cáo Adtima và Zalo Ads. Trong hồ sơ IPO, VNG nói rằng họ chủ yếu kiếm tiền bằng cách bán quảng cáo và dịch vụ tiếp thị kỹ thuật số. Tuy nhiên, mảng này chứng kiến thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2023.
Các khoản lỗ tại đơn vị fintech, đơn vị vận hành ví kỹ thuật số ZaloPay, đã ảnh hưởng đến lợi nhuận chung của tập đoàn. Nhưng con số này cũng đã thu hẹp 43% trong nửa đầu năm 2023, “chủ yếu là do chi phí tiếp thị và thu hút khách hàng giảm cũng như khối lượng giao dịch tăng lên”, công ty giải thích.
Mặc dù là một trong những công ty dẫn đầu thị trường nhưng ZaloPay vẫn chưa đạt được vị thế phổ biến như WeChat Pay ở Trung Quốc. Đáng nói, điều này diễn ra bất chấp việc Zalo có 75 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, chiếm 75% dân số Việt Nam.
Nhiều năm nay, VNG đã rót vốn vào ZaloPay để khuyến khích người dùng Zalo giao dịch. Nhưng trong bản cáo bạch, tập đoàn cho biết các chiến lược fintech của họ gần đây đã chuyển sang tập trung vào việc thu hút các thương nhân để giảm bớt tình trạng đốt tiền mặt.
Nhìn chung, VNG thừa nhận rằng họ không thể cạnh tranh với những công ty có lựa chọn rộng hơn về các sản phẩm fintech. Thay vào đó, những sản phẩm mà họ cung cấp chủ yếu thông qua hợp tác với những thực thể tài chính khác.
Chi phí bán hàng, marketing tiếp tục tăng
Chi phí doanh thu là khoản mục chi phí lớn nhất của VNG, tiếp theo là chi phí bán hàng, phân phối và chi phí quản lý.
Chi phí doanh thu của họ bao gồm tiền bản quyền mà công ty trả cho các nhà phát triển trò chơi cũng như nghệ sĩ cho các bài hát và video ca nhạc được phát trực tuyến trên Zing MP3.
Con số này có xu hướng giảm tính theo phần trăm doanh thu, từ 66% vào năm 2020 xuống còn 58% trong nửa đầu năm nay. Công ty kỳ vọng con số này sẽ tiếp tục giảm nhờ lợi ích từ quy mô.
Trong khi đó, chi phí bán hàng và phân phối bao gồm chi phí quảng cáo và khuyến mãi trực tuyến và ngoại tuyến, thu hút người dùng, quảng bá thương hiệu VNG và phúc lợi nhân viên cho những người đảm nhiệm chức năng bán hàng và tiếp thị.
Từ năm 2020 đến sáu tháng đầu năm 2023, tỷ trọng của chi phí này trong tổng doanh thu vẫn tương đối ổn định ở mức khoảng 25%. VNG kỳ vọng những chi phí này sẽ “tăng lên trong tương lai gần” khi hoạt động kinh doanh của công ty phát triển.
Nhiều tiền mặt nhưng nợ cũng không ít
Vị thế tiền mặt của VNG khá mạnh. Công ty liên tục nhận được dòng tiền từ hoạt động huy động vốn và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn dương trong tất cả các giai đoạn (2020 đến nửa đầu năm 2023) ngoại trừ năm 2022.
Trong giai đoạn gần đây nhất, công ty có dòng tiền vào từ hoạt động kinh doanh là 23 triệu USD và 96 triệu USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền trên bảng cân đối kế toán.
Tuy nhiên, công ty cũng nắm giữ nhiều khoản nợ khác nhau, bao gồm khoản vay 69 triệu USD và “nợ tài chính khác” 65 triệu USD, bao gồm phí bản quyền còn nợ và số dư ví của người dùng ZaloPay.
Tùy thuộc vào thời điểm đến hạn, các khoản nợ này có thể ảnh hưởng đến tình hình tiền mặt của VNG trong tương lai, vì công ty có thể phải sử dụng tiền mặt để thanh toán các khoản nợ thay vì đầu tư vào hoạt động kinh doanh.
Theo: Techinasia