Nội dung chính:
- Cổ phiếu LYFT của Lyft, một ứng dụng gọi xe hàng đầu Bắc Mỹ đã tăng tới 35% trong phiên giao dịch 14/2 (giờ Mỹ) sau báo cáo kinh doanh tích cực của công ty.
- Báo cáo dự đoán mức tăng biên lợi nhuận (EBITDA - Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) của Lyft trong năm 2024 có thể đạt mức 5 điểm % - trong khi thực tế chỉ là 0,5 điểm %, do lỗi đánh máy.
- Kết quả kinh doanh 2023 của Lyft tương đối tích cực với các khoản lỗ được thu hẹp đáng kể.
Lyft, một trong những ứng dụng gọi xe hàng đầu Bắc Mỹ vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 với khoản lỗ được thu hẹp đáng kể so với cùng kỳ. Tuy nhiên nguyên nhân khiến ổ phiếu công ty đã tăng sốc tới 35% ngay phiên sau đó lại đến từ… lỗi đánh máy.
Mỗi % biên lợi nhuận là hàng trăm triệu USD…
Cổ phiếu LYFT đã tăng giá 35% trong phiên giao dịch 14/2, đóng cửa ở mức cao nhất lịch sử 16,39 USD/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch tiếp theo vào ngày 15/2, LYFT vẫn đang tiếp tục tăng giá.
Cổ phiếu LYFT đã tăng sốc trong phiên 14/2 và tiếp tục tăng trong phiên 15/2 (Ảnh: Yahoo Finance)
Trong báo cáo kết quả kinh doanh được công bố vào ngày 13/2 (giờ Mỹ), công ty cho biết biên lợi nhuận (EBITDA - Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) năm 2024 của công ty có thể sẽ tăng tới 5 điểm %. Đây là mức tăng khủng, bởi biên lợi nhuận năm 2023 của công ty mới chỉ đạt 1,6%. Nếu đúng dự đoán, biên lợi nhuận của Lyft vào năm 2024 của Lyft có thể lên tới 6,6%.
Theo tính toán, nếu giữ nguyên mức doanh số, với mức biên lợi nhuận nói trên, lợi nhuận của Lyft trong năm tới có thể lên tới trên 900 triệu USD. Nếu doanh số cũng tăng (như thường lệ), mức lợi nhuận của Lyft có thể cán mốc tỷ đô!
Tuy nhiên, đến ngày 14/2, sau khi chứng kiến mức tăng sốc của cổ phiếu, Lyft đã ra thông báo đính chính, rằng mức tăng biên lợi nhuận công ty chỉ vào khoảng 0,5 điểm %. Với mức tăng này, lợi nhuận dự kiến của LYFT trong năm 2024 (với giả định doanh số giữ nguyên) chỉ ở mức 289 triệu USD.
Lợi nhuận được nhắc đến ở đây là EBIDA - không phải là khoản lợi nhuận sau thuế/trước thuế mà các doanh nghiệp Việt Nam hay sử dụng.
EBITDA được xem là chỉ số tính hiệu quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp, loại bỏ ảnh hưởng của thuế, lãi vay và khấu hao. Với các startup, mục tiêu hòa vốn được đo lường bằng chỉ tiêu EBITDA dương.
Về kết quả kinh doanh, một doanh nghiệp có thể vẫn tiếp tục thua lỗ sau khi tính toán khấu trừ các chi phí thuế, lãi vay, khấu hao ngay cả khi đã hòa vốn. EBITDA của doanh nghiệp vẫn có thể dương nhờ loại bỏ sự ảnh hưởng của các chi phí này.
EBITDA của Lyft năm 2023 đạt 222 triệu USD, trong khi năm 2022 khoản này âm 416 triệu USD.
Kết quả kinh doanh tích cực
Dù chưa công bố báo cáo chi tiết, báo cáo sơ bộ của Lyft cho thấy công ty đã thu hẹp khoản lỗ từ mức 588 triệu USD sau thuế trong quý IV/2022 xuống còn 26,3 triệu USD trong quý IV/2023. Tính chung cả năm 2023, Lyft lỗ 340 triệu USD. So với khoản lỗ sau thuế gần 1,6 tỷ USD vào năm 2022, kết quả kinh doanh của Lyft đã tích cực hơn rất nhiều.
Là ứng dụng gọi xe (tương tự Uber, Grab…), Lyft mặc dù đã hòa vốn (EBITDA dương), công ty vẫn đang phải đối mặt với các khoản thua lỗ tài chính.
Tính đến cuối năm 2023, Lyft lỗ lũy kế gần 10,3 tỷ USD. Đây là kết quả tích lũy của công ty sau nhiều năm liên tiếp thua lỗ. Công ty vay nợ hơn 2,3 tỷ USD tính đến cuối năm 2023. Chi phí lãi vay của Lyft trong năm 2023 chỉ ở mức 26 triệu USD, rất thấp so với các chi phí hoạt động, hành chính, hay nghiên cứu phát triển của công ty.
Trong năm 2023, số tiền hành khách chi trả qua Lyft lên tới gần 13,8 tỷ USD, tăng 14%. Trong số đó, công ty ghi nhận 4,4 tỷ USD doanh thu. Như vậy, tài xế của Lyft nhận về gần 9,4 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2022. Doanh thu của Lyft còn tính cả phần quảng cáo trên ứng dụng hay cho thuê xe đạp, xe máy, scooters…
Trong năm 2023, Lyft đã thực hiện trên 700 triệu chuyến xe, tăng 19% so với năm 2022. Những buổi biểu diễn của Taylor Swift, Beyonce, hay các giải đấu thể thao trong năm vừa qua đã góp phần tích cực vào tỷ lệ tăng các chuyến xe của Lyft, báo cáo của công ty cho biết.