Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố quyết định về việc hủy đăng ký giao dịch đối với 89,1 triệu cổ phiếu RGC của CTCP Đầu tư PV - Inconess. Ngày hủy giao dịch là 12/1/2024, đồng nghĩa cổ đông doanh nghiệp chỉ còn có thể mua bán cổ phiếu trên sàn đến hết ngày 11/1/2024.
Lý do hủy đăng ký giao dịch theo HNX là do PV - Inconess đã mất tư cách công ty đại chúng theo công văn ngày 13/12/2023 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Đáng chú ý, bất chấp thông tin sẽ bị hủy niêm yết, kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 20/12, cổ phiếu RGC lại đang có thị giá tăng hơn 7% khi tăng 300 đồng/cổ phiếu lên mức 4.500 đồng/cổ phiếu so với mức tham chiếu 4.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, dù thị giá tăng nhưng khối lượng giao dịch của cổ phiếu RGC trong phiên sáng tương đối hạn chế khi chỉ có 6.000 cổ phiếu được trao tay.
Cổ phiếu hủy niêm yết, cổ đông có ‘bơ vơ’
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, hai trường hợp hủy niêm yết cổ phiếu gồm:
Hủy niêm yết tự nguyện: Doanh nghiệp tự nguyện hủy niêm yết nếu trên 50% số phiếu biểu quyết của cổ đông (không phải là cổ đông lớn) tán thành hủy niêm yết. Sau khi có quyết định chấp thuận của Sở Giao dịch Chứng khoán tối thiểu 2 năm, việc hủy niêm yết tự nguyện sẽ được thực thi.
Hủy niêm yết bắt buộc: Khi các mã cổ phiếu này không đáp ứng đủ điều kiện, quy định cho việc niêm yết chứng khoán (theo Nghị định 155 của Chính phủ). Một số lý do thường gặp dẫn đến việc cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc là vi phạm về luật chứng khoán, không hoạt động kinh doanh từ một năm trở lên, kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin...
Ví dụ như trường hợp gần 710 triệu cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 20/2 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Cụ thể, Tập đoàn FLC không công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính 2022.
Khi cổ phiếu bị hủy niêm yết, nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về giá trị sở hữu cổ phiếu, nhưng giá trị tài sản của cổ phiếu và tính thanh khoản có thể bị ảnh hưởng. Vấn đề lớn nhất của các cổ đông nhỏ là rất khó chuyển số cổ phiếu đang nắm giữ thành tiền mặt. Do vậy, không ít nhà đầu tư lúng túng và khó kiểm soát tâm lý đầu tư ở giai đoạn này.
Trong trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết không chuyển sàn hoặc không thể chuyển sàn (do đang ở Upcom), nhà đầu tư có thể liên hệ với doanh nghiệp và đề nghị cấp sổ cổ đông, xem lại các chính sách thu mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp nếu có.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể tiếp tục nắm giữ đối với những cổ phiếu có khả năng phục hồi (được niêm yết trở lại). Tuy nhiên, khả năng phục hồi đối với những cổ phiếu này là khó, bởi trên thực tế, các công ty mà có cổ phiếu huỷ niêm yết và phải rời khỏi sàn thường là những công ty làm ăn thua lỗ liên tục nhiều năm, thông tin thiếu minh bạch.
Theo đó, các chuyên gia khuyên cáo để bảo vệ chính mình, nhà đầu tư không nên mua những cổ phiếu của những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không minh bạch, có dấu hiệu làm giá, hoặc đang trong diện kiểm soát...
PV - Inconess, doanh nghiệp ‘trong tay’ TC Group
Hiện nay, cơ cấu cổ đông của PV - Inconess khá cổ đặc. Hiện TCG Land - một thành viên thuộc TC Group sở hữu 75% vốn của doanh nghiệp và VietinBank Capital nắm 18,6% cổ phần. Trong khi các cổ đông còn lại chỉ sở hữu 6,4% cổ phần. Theo quy định, một công ty đại chúng phải có ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn sở hữu tối thiểu 10% cổ phần doanh nghiệp.
Đầu tư PV-Inconess tiền thân là CTCP Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Tư vấn đầu tư, thành lập năm 2007. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh sân golf và các dịch vụ golf; ngoài ra còn kinh doanh bất động sản; kinh doanh lưu trú, dịch vụ du lịch sinh thái nhà vườn, dịch vụ ăn uống, giải khát, và các dịch vụ khác phục vụ vui chơi, giải trí...
Công ty tập trung vào 2 dự án lớn tại tỉnh Ninh Bình bao gồm Dự án Khu Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng, có diện tích 670 ha với tổng vốn đầu tư 103 triệu USD và Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái có diện tích 2.185 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến là 369 triệu USD.
Doanh nghiệp bắt đầu đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM kể từ tháng 6/2017 với giá đóng cửa lúc đó 9.100 đồng/cổ phiếu, trở thành doanh nghiệp sân golf duy nhất trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, cổ phiếu đến nay đã rơi về 4.100 đồng/cổ phiếu, tương đương mức định giá thị trường chỉ hơn 365 tỷ đồng.
Đây là một thành viên thuộc hệ sinh thái của Thành Công Group (TC Group). Chủ tịch HĐQT PV-Inconess là ông Nguyễn Anh Tuấn cũng chính là Chủ tịch TC Group. Ông Nguyễn Anh Tú (con trai ông Tuấn) cũng đang tham gia vào HĐQT công ty sân golf này từ tháng 6/2020.
Quý 3/2023, doanh thu thuần của PV-Inconess đạt gần 33 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Chủ yếu doanh thu công ty đến từ dịch vụ golf. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí ghi nhận khoản lỗ sau thuế 4,4 tỷ đồng trong quý 3, cùng kỳ lỗ 2,2 tỷ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, RGC đạt doanh thu 100 tỷ đồng, tăng 38% và lỗ sau thuế 8,6 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của công ty tính đến hết quý 3/2023 là hơn 169 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản RGC ở mức 1.448 tỷ đồng, tăng 22 tỷ so với hồi đầu năm. Nợ phải trả ở mức 726 tỷ, công ty không sử dụng nợ vay.