Cổ phiếu một doanh nghiệp "cháy hàng" 11 phiên liên tiếp, thị giá cao gấp 3 lần sau chưa đầy 1 tháng, điều gì đang diễn ra?

Ngọc Ly | 17:23 12/02/2025

Doanh nghiệp cho rằng với các thông tin tốt từ hoạt động SXKD là một trong các yếu tố tác động tích cực đến giá cổ phiếu thời gian qua.

Cổ phiếu một doanh nghiệp "cháy hàng" 11 phiên liên tiếp, thị giá cao gấp 3 lần sau chưa đầy 1 tháng, điều gì đang diễn ra?

Cổ phiếu BKC của CTCP Khoáng sản Bắc Kạn đang trở thành hiện tượng trên sàn chứng khoán với đà tăng "dựng đứng" trong thời gian ngắn. Chốt phiên 12/2, cổ phiếu này tiếp tục “cháy hàng”, đánh dấu 11 phiên kịch trần liên tiếp, qua đó leo lên mốc đỉnh lịch sử mới 43.800 đồng/cp. 

Đáng chú ý, từ vùng 14.400 đồng hồi giữa tháng 1/2025, thị giá BKC đã bật tăng tới hơn 200% (tương ứng cao gấp 3 lần) chỉ sau chưa đầy 1 tháng. Vốn hóa thị trường cũng lập kỷ lục đạt hơn 514 tỷ đồng.

bkc_2025-02-12_23-16-08.png

Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ

Trong văn bản giải trình giá cổ phiếu tăng trần liên tiếp từ 21/1 tới 5/2, Khoáng sản Bắc Kạn cho biết báo cáo tài chính quý 4/2024 có nhiều biến chuyển tích cực với doanh thu thuần tăng trưởng 32% và lợi nhuận sau thuế tăng 1.528% so với quý 4/2023. KQKD của công ty khả quan là nhờ sự tăng trưởng ổn định từ thị trường tinh quặng kẽm và công ty tiếp tục bán tinh quặng kẽm tồn kho trong kỳ.

Doanh nghiệp cho rằng với các thông tin tốt từ hoạt động SXKD là một trong các yếu tố tác động tích cực đến giá cổ phiếu thời gian qua. Ngoài ra, các diễn biến giá cả của cổ phiếu BKC hoàn toàn phản ánh diễn biến khách quan cung cầu của thị trường chứng khoán và nằm ngoài sự kiểm soát, công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu trên thị trường.

Lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của BKC lần lượt đạt 567 tỷ (tăng 29%) và 66 tỷ (tăng 991%). Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục kể từ khi BKC đi vào hoạt động.

Tăng dựng đứng hơn 70% từ đầu năm, một cổ phiếu liên tục đưa cổ đông “lên đỉnh”, điều gì đang diễn ra?- Ảnh 3.

Theo tìm hiểu, Khoáng sản Bắc Kạn được thành lập vào tháng 4/2000 và được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần có vốn Nhà nước 51% hồi tháng 4/2006. Ngày 18/8/2009, cổ phiếu BKC của công ty chính thức niêm yết trên HNX. Không lâu sau đó, SCIC đã thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước tại công ty.

Về ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp hiện đang tập trung chính vào khai thác chế biến khoáng sản (quặng chì, kẽm) tại tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh lân cận.

Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản then chốt sang Mỹ

Bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng, đà tăng "bốc đầu" của cổ phiếu BKC được hỗ trợ sau thông tin Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản then chốt sang Mỹ, động thái được xem như sự "trả đũa" sau các biện pháp hạn chế của Mỹ trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Bộ Thương mại Trung Quốc chính thức cấm xuất khẩu các mặt hàng "ứng dụng kép" cho bất kỳ khách hàng quân sự Mỹ nào. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức, nghiêm cấm xuất khẩu các khoáng sản như gali, germani, antimon và vật liệu siêu cứng - những nguyên tố then chốt trong sản xuất quân sự và công nghệ cao.

Đáng chú ý, đối với than chì - nguyên liệu quan trọng trong sản xuất pin và lĩnh vực quốc phòng, Trung Quốc sẽ áp dụng quy trình kiểm tra xuất khẩu chặt chẽ hơn. Hiện nước này là nhà cung cấp chiếm 77% sản lượng toàn cầu năm 2023. Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định biện pháp này nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, tuân thủ luật kiểm soát xuất khẩu và các nghĩa vụ quốc tế về không phổ biến vũ khí.

Trước đó, ngày 2/12, chính quyền Mỹ công bố lệnh hạn chế xuất khẩu đối với 24 loại thiết bị sản xuất chip và ba loại phần mềm quan trọng phục vụ phát triển chất bán dẫn sang Trung Quốc.

Trong số các lĩnh vực chịu tác động, bộ nhớ băng thông cao (HBM) - được xem là cốt lõi cho trí tuệ nhân tạo (AI) và các ứng dụng điện toán tiên tiến - nằm trong danh mục bị kiểm soát chặt chẽ. Lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn Trung Quốc mở rộng năng lực AI cho mục đích quân sự. Các sản phẩm HBM có nguồn gốc từ Mỹ hoặc được sản xuất ở nước ngoài nhưng chứa công nghệ Mỹ đều thuộc phạm vi kiểm soát.

Động thái trên của Trung Quốc khiến không chỉ BKC mà nhiều cổ phiếu của các công ty chuyên khai thác khoáng sản cũng tăng "nóng" thời gian gần đây như KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV (Vimico), HGM của Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, MSR của Masan High-Tech Materials.


(0) Bình luận
Cổ phiếu một doanh nghiệp "cháy hàng" 11 phiên liên tiếp, thị giá cao gấp 3 lần sau chưa đầy 1 tháng, điều gì đang diễn ra?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO