Thành phố Venice thơ mộng đang chìm. Rotterdam, Bangkok và New York cũng tương tự. Nhưng không thành phố nào bằng Jakarta, siêu đô thị chìm nhanh nhất hành tinh. Trong 25 năm qua, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thủ đô Indonesia đã lún hơn 4,8 m. Các chuyên gia cho rằng thành phố này có hạn chót là 2030 để tìm ra giải pháp, nếu không sẽ không còn cách nào ngăn cản nước Biển Java dâng.
Tỷ phú Cue Anthoni Salim là người đứng đầu tập đoàn Salim với các khoản đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm, bán lẻ, ngân hàng, viễn thông và năng lượng. Ông cũng là CEO Indofood, một trong những nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, ông là chủ của PT Air Bersih Jakarta (ABJ), công ty được chính phủ khai thác để cung cấp nước máy cho 11 triệu cư dân thành phố.
Tính đến hiện tại, cứ 3 người cư dân thành phố Jakarta thì có 1 người không tiếp cận được nước máy. Họ sử dụng hàng nghìn giếng đào rải rác, làm cạn nguồn nước ngầm và khiến đất nền suy yếu, làm tăng tốc độ chìm của thành phố.
Nếu ABJ có thể thực hiện dự án này, các chuyên gia cho rằng thành phố Jakarta sẽ có thêm cơ hội, còn công ty thì thu về được hàng tỷ USD. Nếu bất thành, những rắc rối có thể sẽ đến với đô thị lớn hàng đầu thế giới. Chuyên gia về lũ lụt JanJaap Brinkman tại viện nghiên cứu nước Deltares của Hà Lan cho biết: “Sẽ có rất nhiều nước biển tràn vào, nó sẽ không bao giờ dừng lại”.
Hợp đồng mới của ABJ bao gồm quyền vận hành nhà máy xử lý nước lớn nhất thành phố và bán hơn một nửa nguồn cung nước đã qua xử lý cho đến năm 2048. ABJ cũng sẽ chi khoảng 1,7 tỷ USD để xây dựng nhà máy xử lý, đường ống, cũng như bảo trì các nhà máy hiện có. Công ty tiện ích nhà nước PAM Jaya sẽ thanh toán trả góp cho ABJ tiền nước và cơ sở hạ tầng khi chúng được xây dựng.
Theo chủ tịch Lafrik Bano Rangkuty, ABJ sẽ chỉ có lợi với doanh thu dự kiến 4,8 tỷ USD. Kể cả trong trường hợp xấu nhất, công ty sẽ không mất tiền mà chỉ là không kiếm được nguồn lợi lớn.
Jakarta là một trong số ít thành phố có sự tham gia của khu vực tư nhân vào hệ thống xử lý và cung cấp nước. Khoảng 90% lượng nước trên thế giới thuộc sở hữu công. Vương quốc Anh là một trong số ít quốc gia có hệ thống tư nhân. Nhưng công ty Thames Water của Anh đang gặp khủng hoảng: Giá nước tăng cao, số nợ hàng tỷ bảng Anh và công ty có thể cạn tiền trong vòng 6 tháng.
Jakarta không có đủ tiền để tự quản lý hệ thống nước. Giám đốc cấp cao Yudi Irawan của PAM Jaya cho biết: “Thành phố cần một đối tác tư nhân, không chỉ giúp vận hành các nhà máy xử lý nước mà còn hỗ trợ đầu tư nhiều hơn nữa”.
Với nguồn nước mặt bị ô nhiễm bởi nước thải, Jakarta mua phần lớn nước từ bên ngoài thành phố. Nước được xử lý, sau đó được phân phối qua mạng lưới đường ống. Một số hệ thống đã hàng trăm năm tuổi. Chúng bị rò rỉ, khiến khoảng 40% lượng nước bị hao hụt trên đường phân phối, phần còn lại thì bị tái ô nhiễm. Ngay cả những người có nước máy đôi khi vẫn thích dùng nước giếng khoan, Họ không muốn trả tiền cho PAM Jaya để nhận lại loại nước không thể uống.
Chính quyền thành phố Jakarta định đầu tư 11 nghìn tỷ rupiah vào xây dựng các đường ống phân phối nước mới, nhưng kế hoạch đó đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Giám đốc Irawan cho biết gánh nặng tài chính là mối lo ngại thường trực đối với PAM Jaya.
Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng thoả thuận mới làm giàu cho công ty Salim mà không giải quyết được vấn đề cấp bách của Jakarta. ABJ chọn phần dễ là xử lý nước, còn PAM Jaya đối mặt vấn đề khó hơn là phân phối và thu tiền hoá đơn. Nước của ABJ sẽ tiếp tục chảy qua các đường ống bị rò rỉ, bị ô nhiễm cho đến khi thành phố đại tu mạng lưới đường ống. Việc này sẽ phải mất nhiều năm và phải chạy đua với tốc độ nước biển dâng. Sau đó, vẫn còn trở ngại trong việc thuyết phục các hộ gia đình và nhà phát triển chuyển từ nước ngầm sang nước máy phải trả tiền.
Tham khảo Bloomberg