Knight Frank vừa có báo cáo Thịnh vượng 2024 với thông tin đáng chú ý: Việt Nam đang đứng thứ năm châu Á - Thái Bình Dương về mức tăng dân số siêu giàu giai đoạn 2023-2028. Tốc độ tăng thậm chí vượt cả Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore.
Số người siêu giàu ở Việt Nam, là những cá nhân sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên được ước tính khoảng 752 vào năm 2023, tăng 2,4% so với năm trước đó. Mức tăng này thấp hơn các nước láng giềng như Malaysia (4,3%), Indonesia (4,2%), và Singapore (4%), nhưng lại cao gấp ba lần Thái Lan với chỉ 0,8%. Dự kiến đến năm 2028, dân số siêu giàu Việt Nam sẽ đạt 978, tăng khoảng 30% so với năm 2023 và nằm trong top 5 Châu Á-Thái Bình Dương, dẫn trước Hàn Quốc, Hồng Kông, và Singapore.
Báo cáo của Knight Frank cũng ghi nhận, Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn cho sản phẩm cao cấp như trang sức, rượu, xe ô tô…. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về nhập khẩu giai đoạn 2018 – 2022 đối với đồ trang sức là 8%, xe hơi là 26%, rượu vang 6% và đồng hồ 8%.
Hơn thế, theo Worldometer, Việt Nam còn có dân số tương đối trẻ, với độ tuổi trung bình là 32,5 tuổi và 37,7% dân số ở thành thị. Dân số thành thị trẻ và có học thức chính là “thiên đường” của tiêu dùng. Điều này đang mở ra cơ hội lớn cho hàng xa xỉ và loạt dịch vụ “sang chảnh” đã sớm gia nhập Việt Nam: từ thời trang, trang sức hàng hiệu đến ô tô, du thuyền và các dịch vụ casino, golf, nhà hàng.
Theo dữ liệu từ Statista, ngành công nghiệp xa xỉ của Việt Nam được thiết lập để tăng trưởng đáng kể, với doanh thu dự 957,2 triệu USD năm 2023 và tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến là 3,23% cho đến năm 2028.
Do đó, không khó hiểu khi các công ty như Dior, Louis Vuitton, Tiffany & Co và Berluti… đã sớm mở cửa hàng tại Việt Nam. Đặc biệt 1 năm trở lại đây, làn sóng “đổ bộ” của các thương hiệu đắt tiền trên thế giới vào Việt Nam ngày càng rầm rộ.
Giữa năm ngoái, Hublot - thương hiệu đồng hồ nổi tiếng của Thụy Sĩ, đã tạo cú hích lớn tại thị trường Việt Nam với việc khai trương cùng lúc 2 cửa hàng tại TTTM Union Square, Tp.HCM và Tràng tiền Plaza, Hà Nội. "Việt Nam là một thị trường vô cùng tiềm năng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế nói chung lẫn ngành hàng xa xỉ nói riêng. Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam có một đội ngũ lao động đầy sức trẻ, đam mê công việc và sớm gặt hái nhiều thành công. Chính họ, những người có độ tuổi trung bình từ 25 đến 45 tuổi, sẽ là những khách hàng quan trọng của Hublot”, đại diện hãng cho hay.
Sang đầu năm nay, thêm thương hiệu đồng hồ “ngàn đô” Longines khai trương phòng trưng bày thương hiệu tại vị trí đắc địa ở Tp.HCM. Longines là thương hiệu đồng hồ đắt tiền, đồng thời là thành viên của Tập đoàn hàng đầu thế giới về đồng hồ - Swatch Group, giá thành hàng ngàn USD/chiếc (dao động khoảng 15 triệu VND đến hàng trăm triệu VND).
Mới nhất, Cartier cũng mạnh tay đầu tư cửa hàng mới tại mặt Trung tâm thương mại Union Square – vị trí đắc địa bật nhất tại Tp.HCM. Cartier là một phần của Tập đoàn Richemont – được mệnh danh là “gã khổng lồ” về đồng hồ cao cấp trên thế giới. Tập đoàn này sở hữu rất nhiều thương hiệu đồng hồ lớn như A. Lange & Söhne, Cartier, IWC, Jaeger-LeCoultre... Việc mở Boutique Union Square là lời khẳng định của Cartier trong cuộc chơi hàng xa xỉ ngày càng sôi động tại Việt Nam.
"Nếu thời trước, người phụ nữ Việt Nam chỉ thích đeo nữ trang nhỏ xinh, không quá to hay màu mè, kiểu cách, lấp lánh… vì đặc điểm của phụ nữ Việt Nam là kín đáo. Thì thời nay, phụ nữ Việt Nam đã tự tin hơn rất nhiều, họ cởi mở, xông pha. Chưa kể, kinh tế hội nhập, chúng ta đi nước ngoài nhiều cho nên, nhu cầu thể hiện cá tính của người Việt, đặc biệt người phụ nữ, ngày càng mạnh mẽ. Đó là lý do Việt Nam đang trong tầm ngắm của nhiều thương hiệu thế giới, không chỉ thời gian mà cả không gian sống, dịch vụ golf, du lịch sang chảnh…”, đại diện ban tổ chức Triển lãm hàng cao cấp Salon Luxe lần thứ 4 tai Việt Nam cho hay.
Ở mảng không gian sống, Bertazzoni - thương hiệu thiết bị nhà bếp cao cấp từ Ý – được biết đang rục rịch hoàn tất để ra mắt showroom đầu tiên tại Tp.HCM. Bertazzoni là thương hiệu có 140 năm, định vị là phân khúc cao cấp với giá thành của các dụng cụ nhà bếp như tủ rượu, bếp nấu, máy hút mùi… trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng.
Thực tế, thị trường xa xỉ là miếng bánh lớn đem về hàng ngàn tỷ đồng cho loạt thương hiệu như Louis Vuitton, Gucci, Channel, Dior. Dữ liệu từ Vietdata cho thấy, năm 2022, doanh thu thuần của Louis Vuitton đạt gần 2.400 tỷ, tăng 50% so với năm trước. Kế đến là Chanel , cũng là một trong những thương hiệu nổi tiếng đến từ Pháp với các dòng sản phẩm thời trang, nước hoa, mỹ phẩm cao cấp bậc nhất. Năm 2022, doanh thu của thương hiệu này đạt 2.186 tỷ đồng - tăng đến 57% so với năm trước. Hay Dior, Gucci cũng thu về hàng ngàn tỷ đồng doanh số mỗi năm, mức tăng tưởng bằng lần những năm gần đây….