Có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, hàng Việt đang ngày càng chinh phục thị trường thế giới

Khánh Vy | 19:09 11/12/2023

Nhiều mặt hàng của Việt Nam hiện nay không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà đang vươn ra thế giới, chinh phục cả người tiêu dùng nước ngoài.

Có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, hàng Việt đang ngày càng chinh phục thị trường thế giới

Ngày 11/12, Vụ Thị trường trong nước và Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, sau hơn 14 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Việt Nam có thế mạnh (đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng) đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại.

z4964018529104_ef3f87618f06ab093654d5d810f350a3.jpg

Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương Lê Việt Nga phát biểu tại diễn đàn.

Theo báo cáo của các địa phương, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80-90%),...

Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Central Retail, MM Mega Market, LotteMart… cũng có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền và giữ tỷ lệ hàng Việt cao trong kênh phân phối của mình.

Bà Lê Việt Nga khẳng định: “Thị trường trong nước đã đóng góp vào việc tăng trưởng các ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, góp phần tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân”.

Đặc biệt, không chỉ khẳng định vị thế ở thị trường trong nước, hàng Việt Nam còn có sự hiện diện ngày càng sâu sắc ở thị trường nước ngoài. 

Trong 11 tháng năm 2023 có tới 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước như: Điện tử, máy tính và linh kiện (đạt 4,9 tỷ USD, tăng 20,2%); điện thoại các loại và linh kiện (đạt 4,7 tỷ USD, tăng 3,9%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (đạt 4 tỷ USD, tăng 5%); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 1,2 tỷ USD, tăng 1,6%); phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 1,1 tỷ USD, tăng 2,9%); sắt thép (đạt 586 triệu USD, tăng 25,4%)…

Bên cạnh đó, vẫn có những khó khăn đối với hàng Việt Nam hiện nay, là những thách thức trên thị trường xuất khẩu và khả năng cạnh tranh trên chính “sân nhà”.

z4964019528010_e97447e65299257f21bc8211b2103be8.jpg

Với thị trường xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng của các thị trường trên thế giới giảm sút đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong khi các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, nhất là đối với các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử…

Chỉ 10% sản lượng các mặt hàng trên cung ứng cho thị trường nội địa, còn 90% sản lượng là để xuất khẩu. Trong khi đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.

Ngoài ra, việc các thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam thời gian gần đây đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải sản xuất hàng hóa đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng cao về chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn,... Do đó, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 của một số ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày... sẽ giảm.

Ở thị trường nội địa, nhiều mặt hàng ngoại nhập đang có xu hướng chuyển dịch mạnh vào tiêu thụ tại thị trường nội địa sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...) chính thức có hiệu lực. Đây cũng là thách thức rất lớn đối với hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập chung.

Đáng chú ý, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi lớn. Điều này khiến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ, đồng thời đây cũng là thời cơ để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh phân phối trong nước.


(0) Bình luận
Có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, hàng Việt đang ngày càng chinh phục thị trường thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO