Sáng ngày 19/9/2023, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023. Đáng chú ý, lo ngại cổ đông bất thành, CII trước đó đã gửi quà tri ân bằng tiền đến cổ đông tham dự trực tiếp hoặc ủy quyền (cho người khác hoặc cho Trưởng Ban kiểm soát) tham dự Đại hội.
Dù vậy, đến 9h, ĐHĐCĐ CII không thể tiến hành do tỷ lệ cổ đông tham dự chỉ khoảng 31% cổ phần có quyền biểu quyết. Dù rằng, theo CII số cổ đông tham dự sáng nay trên 200 cổ đông, con số này theo CII là khá đông so với mọi năm (thông thường vào khoảng 170 người).
Đại hội lần này nhằm thông qua tờ trình quan trọng là định hướng phát triển chiến lược của CII giai đoạn 2024 - 2030, bao gồm cho phép CII bố trí ngân sách để đẩy mạnh việc nghiên cứu các dự án BOT và các dự án hạ tầng giao thông khác; bố trí ngân sách để nghiên cứu đầu tư vào các hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí.
CII dự kiến triển khai công tác nghiên cứu 6 dự án BOT với tổng quy mô gần 75.000 tỷ đồng. Các dự án CII đang nghiên cứu tập trung ở khu vực cửa ngõ phía Bắc và phía Tây Nam TP. HCM. Trong đó, dự án lớn nhất mà doanh nghiệp này muốn triển khai là cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 22.000 tỷ đồng.
CEO là ông Lê Quốc Bình vẫn có buổi thảo luận với cổ đông, liên quan đến các vấn đề kinh doanh hiện tại của Công ty.
CII có nói về 5 dự án TP HCM sắp triển khai, thì khả năng trúng thầu của CII bao nhiêu %? Tiến trình để đạt được gói thầu này cụ thể ra sao?
CEO Lê Quốc Bình: Nếu xét đầu tư theo hình thức BOT, riêng hình thức BOT có khả năng hoàn vốn thì CII đứng số 1 thị trường. Trên cơ sở đó, thì khả năng tham gia đấu và trúng thầu thì tỷ lệ thành công cao.
Tuy nhiên, có 2 vấn đề lớn mà CII đang làm việc với các đơn vị tư vấn cho TP HCM, gồm:
+ Nhà đầu tư không có năng lực tài chính: Rất nhiều dự án BOT của họ cứ đấu thầu xong để đó vì không có khả năng huy động vốn. Bây giờ mà đi vay làm dự án BOT thì không ngân hàng nào cho vay, trừ CII.
CII làm dự án 19.000 tỷ, thì NSNN tham gia 9.000 tỷ, thì nhà đầu tư bỏ vào 10.000 tỷ. Trong đó, vay vốn hết cỡ được 50%, vậy còn 5.000 tỷ thì nhà đầu tư phải tự có. Do đó, hiện nay ai tham gia đầu tư sẽ bị siết yêu cầu là có thư bảo lãnh từ ngân hàng sẽ cho vay, tránh trường hợp trúng thầu xong không có tiền làm.
+ Gần 90% các nhà đầu tư BOT hiện nay là các nhà thầu, và như thế họ sẽ quan tâm đến khối lượng thi công hơn là hoàn vốn. Điều này cũng gây ảnh hưởng nhiều đến CII.
Chưa kể, về gói thầu thì miền Tây hạ tầng chủ yếu đường bộ, còn miền Trung Bắc thì cao tốc, đường sắt… Do đó phân chia lượng thầu về phía Đông sẽ nhiều hơn miền Tây, nên khả năng không trúng thầu của CII là có chứ không phải là không. Song, kỳ vọng Nhà nước đưa ra các tiêu chí khắt khe cho nhà thầu sẽ là điều kiện để CII trúng thầu.
Tiến trình đầu tư BOT hiện nay khác với xưa, sẽ kéo dài hơn, chậm nhất là 2-3 năm để đấu thầu.
Công ty đề kế hoạch doanh thu hơn 5.000 tỷ, liệu con số đó đến bây giờ có điều chỉnh không?
CEO Lê Quốc Bình: Tôi trả lời sẽ giảm, giảm chắc luôn. Có một số sai số khiến doanh thu CII phải giảm, gồm:
Thứ nhất do giá cước của CII chưa được tăng dù đã thông qua từ năm 2018. Nguyên nhân, trong khi Chính phủ giảm thuế VAT, thì ngược lại tăng giá cước đường bộ.
Thứ hai, Chính phủ thành lập tổ gỡ vướng dự án bất động sản. Song, nhiều dự án đến nay vẫn chưa thông được pháp lý. Do đó, CII hy vọng tháng 9-10 sẽ tiếp tục gỡ pháp lý được 1-2 dự án. Dù CII đi vào phân khúc bất động sản cho người tiêu dùng chứ không phải bất động sản cao cấp, nhưng CII không có chủ trương “cầm đèn chạy trước ô tô”. Nên doanh thu năm nay của CII chắc chắn giảm.
Lúc nào chia cổ tức cổ phiếu 14% và tiền mặt 15%?
CEO Lê Quốc Bình: Chia cổ tức bằng cổ phiếu, thì sau ĐHĐCĐ thì CII đã làm hồ sơ xin phát hành. Hiện, CII vẫn chờ giấy phép phát hành của UBCKNN. Có nghĩa, CII phải làm xong trái phiếu chuyển đổi mới chia cổ tức được.
Cổ phiếu tiền sẽ chia mỗi quý 4% và chia vào đầu mỗi quý, dự kiến sau khi phát hành cổ phiếu chuyển đổi xong và có dòng tiền BOT mạnh.
Thời gian phát hành trái phiếu và giải thích việc pha loãng cổ phiếu?
CEO Lê Quốc Bình: CII hy vọng đến cuối tháng này có giấy phép phát hành, và sẽ thực hiện vào tháng 11/2023. Liên quan đến việc pha loãng cổ phiếu, thực ra khi phát hành trái phiếu chuyển đổi sẽ không điều chỉnh giá trên sàn, và chưa pha loãng cổ phiếu ngay. Dự kiến, việc chuyển đổi sẽ diễn ra trong 10 năm, và như vậy mỗi năm càng chuyển đổi thì độ pha loãng mới tăng lên một tí.
Chúng ta cũng cần xác định trong lĩnh vực hạ tầng của CII, thì quy mô vốn của CII phải tăng lên tương ứng với lượng đầu tư của CII. CII còn đang có danh mục BOT mạnh, dòng tiền ổn, do đó đổi lại CII sẽ chia cổ tức đều đặn sẽ giúp độ hấp dẫn của cổ phiếu CII sẽ khác. Và mức độ đại chúng của cổ phiếu CII sẽ khác.
Lĩnh vực mới là đầu tư hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp y tế. Mong CII chia sẻ về quy mô vốn, dòng tiền sinh lời và rủi ro khi mở rộng lĩnh vực?
CEO Lê Quốc Bình: CII xác định rõ không trựa tiếp tham gia vào lĩnh vực bất động sản, mà chỉ khai thác lợi thế bất động sản hình thành từ cơ sở hạ tầng. Còn bất động sản y tế, CII thấy có 2 câu chuyện lớn là TP HCM cho làm BOT trong y tế và giáo dục.
Theo đó, các bệnh viện công hoặc tư hiện có khái niệm “khách sạn bệnh viện”, CII đang nghiên cứu lĩnh vực khách sạn bệnh viện (chứ không tham gia vào bệnh viện). CII cũng sẽ khai thác các dự án chung cư để làm phòng khám. Hiện, CII có dự án nằm ngay trục TP HCM kết nối với các tỉnh miền Tây, và khối đế 4 tầng CII sẽ liên kết với bệnh viện để làm phòng khám. CII cũng dành 1 block chung cư để làm căn hộ cho thuê, ví dụ người miền Tây lên khám bệnh thuê ở.
Mặt khác, khi làm dự án mở rộng đường lộ về các tỉnh miền Tây CII cũng sẽ tìm kiếm các quỹ đất mới. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư vào của CII sẽ không nhiều, tinh thần chỉ khai thác quỹ đất hiện có và phát triển thêm trên cơ sở hạ tầng.
Thứ hai là hạ tầng y tế, hiện nay thế hệ 55 – 65 tuổi thì người ta có nhu cầu ở nơi có kha khá về hạ tầng. CII không đi làm bất động sản dưỡng lão, mà CII xây khu chung cư có dịch vụ cho người lớn tuổi (phòng khám y tế, có massage, có dịch vụ giúp việc…).
CII đang giữ 5% cổ phiếu HUT thì mục đích nắm giữ là đầu tư hay thế nào?
CEO Lê Quốc Bình: Tasco (HUT) đang có quan hệ với CII tại dự án quy mô rất lớn là thu phí tự động. Liên danh để triển khai đầu tư dự án này có 2 đơn vị của HUT, công ty cầu đường và CII (công ty mẹ). Nến ý đồ CII tham gia vào HUT là vậy. Nếu cổ phiếu lên quá cao thì CII cũng sẽ cân nhắc bán.
Bất động sản y tế thì CII có lợi thế gì?
CEO Lê Quốc Bình: Nếu trúng thầu hạ tầng thì CII có lợi thế là quỹ đất.