Trong những năm gần đây, bộ môn chạy marathon ngày càng phổ biến ở Trung Quốc và nhanh chóng trở thành môn thể thao mang tính tiêu khiển và du lịch ai ai cũng thích. Tổ chức giải chạy marathon cũng trở thành một ngành công nghiệp lớn ở Trung Quốc khi số lượng các giải chạy trên khắp đất nước tỉ dân này bùng nổ.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Điền kinh Trung Quốc, năm 2019, ở Trung Quốc có tổng cộng 1828 giải chạy quy mô lớn được tổ chức bởi cả nhà nước lẫn tư nhân. Các cuộc thi được thực hiện trên nhiều địa hình: trong thành phố, xuyên rừng, trên Vạn Lý Trường Thành... cho nhiều mục đích: quảng bá địa phương, làm thương mại hay thúc đẩy văn hóa,...
Ai cũng tưởng làm giải chạy marathon hẳn phải có lãi lắm nên mới có cảnh tượng nhà nhà đăng cai, người người tổ chức như vậy. Nhưng không, 90% các giải chạy marathon ở Trung Quốc đều bị lỗ vốn. Vậy tại sao người ta vẫn đua nhau tổ chức rầm rộ?
Do đâu mà tổ chức giải chạy thường bị lỗ?
Một giải chạy marathon thường có các nguồn thu từ phí đăng ký, tiền tài trợ, tiền bản quyền phát sóng, v.v. Tại các nước phương Tây, các cuộc thi marathon lớn có thể kiếm bộn tiền từ bản quyền phát sóng. Ở Trung Quốc thì không như vậy, tiền bản quyền cho các chương trình thể thao nói chung vốn rất thấp. Các giải chạy marathon nếu muốn lên sóng thì còn phải tự trả tiền cho nhà đài.
Do đó, nguồn thu chủ yếu của các nhà tổ chức marathon ở Trung Quốc đến từ phí tham dự và tiền tài trợ. Tuy nhiên, phí tham dự các cuộc chạy marathon ở nước này cũng không đáng là bao và thu nhập từ tài trợ chỉ bù được 50-60% tổng chi phí nên hầu hết các sự kiện đều phải đi xin thêm công quỹ để hòa vốn.
Tóm lại, nguồn thu chủ yếu của các nhà tổ chức giải chạy marathon ở Trung Quốc đến từ: phí dự thi, tiền tài trợ và quỹ nhà nước bù vào phần lỗ.
Bên cạnh đó, chi phí tổ chức giải marathon không hề thấp vì phải thuê trọng tài, nhân viên, quảng bá, truyền thông, an ninh, cứu hộ, v.v. Một báo cáo của Hiệp hội Điền kinh Trung Quốc cho biết trung bình chi phí hoạt động của một giải marathon hạng A1 nước này lên tới gần 12 triệu NDT (khoảng 40 tỉ đồng). Khoản lỗ 5 triệu NDT (khoảng 16 tỉ đồng) sẽ được chính phủ chi trả.
Ngoài ra, sau thảm kịch marathon Cam Túc năm 2021 với 21 vận động viên thiệt mạng do thời tiết xấu, Tổng cục Thể thao Trung Quốc đã nâng cao các yêu cầu về cứu hộ, an ninh và kiểm soát chặt chẽ hơn. Các nhà tổ chức phải chi nhiều hơn để nâng cao chất lượng các bộ race-kit phát cho vận động viên, thuê thêm cứu hộ và đầu tư thêm cho các thiết bị sơ cấp cứu.
Tại sao lỗ mà vẫn làm?
Marathon là sự kiện du lịch thể thao điển hình, thu hút người tham gia và khán giả từ bên trong lẫn bên ngoài khu vực đăng cai. Chi tiêu của khách du lịch cho chỗ ở, đi lại, ăn uống, thiết bị thể thao, mua sắm,... mang lại một nguồn tiền lớn cho khu vực chủ nhà, giúp kích thích nền kinh tế địa phương.
Sự nở rộ của các giải marathon quy mô lớn với hàng chục nghìn người tham gia tại Trung Quốc đã hỗ trợ nhiều công ty thể thao trong việc kinh doanh marathon, hình thành một chuỗi công nghiệp khổng lồ từ vật tư, chuẩn bị và tổ chức. Nhiều công ty tổ chức sự kiện tư nhân cũng từ đó mà ra đời hàng loạt.
Các cuộc đua marathon ở Trung Quốc thường có đường chạy kéo dài hơn 40 km, đi qua các danh lam thắng cảnh quan trọng và các tuyến đường chính của thành phố. Vì có thể vừa chạy vừa khám phá thành phố nên rất nhiều vận động viên sẵn sàng di chuyển tới các thành phố khác để tham gia. Điều này góp phần quảng bá du lịch và hình ảnh của địa phương.
Chẳng hạn, trong giải marathon Hạ Môn, Trung Quốc năm 2019, 80% trong số 35.000 vận động viên đến từ bên ngoài thành phố đăng cai, đóng góp trực tiếp hơn 171 triệu NDT cho nền kinh tế địa phương.
Ngoài ra, marathon có giá trị phi thị trường với khu vực đăng cai. Sự bùng nổ của các giải chạy marathon ở Trung Quốc cho thấy nhu cầu với các hình thức giải trí chất lượng, mức sống và khả năng tiêu dùng ở nước này ngày một tăng cao. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy phát triển kinh tế và tiêu dùng thể thao có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chạy bộ có thể là một môn thể thao đơn giản nhưng chi phí trung bình hàng năm của một người chạy marathon có thể lên tới 1.000 USD, bao gồm các chi phí cho giày chạy, quần áo, phụ kiện và di chuyển đến các sự kiện.
Số lượng các cuộc thi marathon ngày càng tăng còn giúp thúc đẩy lối sống lành mạnh và thu hút nhiều người tham gia thể thao hơn, từ đó giảm chi phí y tế và thuốc thang. Các giá trị phi thị trường khác mà một giải chạy mang lại còn có tâm lý hài lòng cho người tham gia, thúc đẩy sự gắn kết xã hội.
Tóm lại, khi tổ chức một giải chạy marathon, lời lãi tức thì có thể không đạt được, nhưng các lợi ích kinh tế, xã hội về lâu dài lại rất đáng kể. Đây là lý do khiến các nhà tổ chức giải chạy ở Trung Quốc vẫn rầm rộ đăng cai.
Tham khảo từ: China Daily