Chuyện “lạ” ở nền kinh tế tỷ dân: Đối diện khủng hoảng nhân khẩu học khi giới trẻ sợ kết hôn vì quá nhiều áp lực

Linh Anh | 10:56 10/04/2023

Từng vất vả kiểm soát dân số, Trung Quốc giờ đây đối mặt với một bài toán nan giải hơn nhiều: Khuyến khích người dân sinh thêm con.

Chuyện “lạ” ở nền kinh tế tỷ dân: Đối diện khủng hoảng nhân khẩu học khi giới trẻ sợ kết hôn vì quá nhiều áp lực

Vật lộn với tình trạng dân số đang ngày một già đi và sẽ sớm bị Ấn Độ soán ngôi quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc đang nỗ lực hết mình nhằm tăng tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, ngay cả khi Chính phủ Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con năm 2016 và chính thức loại bỏ giới hạn sinh con vào năm 2021, tỷ lệ sinh ở quốc gia này vẫn chưa được cải thiện.

Mu Zheng, trợ lý giá sư tại Khoa Xã hội và Nhân chủng học, Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Nhiều cặp vợ chồng ở Trung Quốc không muốn sinh nhiều con. Thậm chí, họ còn không muốn sinh con. Đại dịch gây ra nhiều tác động tiêu cực và cảm giác không chắc chắn về tương lai, điều ngăn cản nhiều phụ nữ muốn trở thành mẹ”.

Ngoài ra, một lý do khác là chi phí sinh hoạt ở Trung Quốc đang ngày một cao, khiến nhiều gia đình ngại tăng thêm thành viên.

166919344720127.jpg

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc báo cáo rằng dân số nước này đã giảm xuống còn 1,412 tỷ người vào năm 2022 từ mức 1,413 tỷ người vào năm 2021. Tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên của Trung Quốc cũng lần đầu bị âm kể từ năm 1960 tới nay.

Sự nghiệp và tự do là ưu tiên hàng đầu

Andy Xie, một nhà kinh tế độc lập, nói rằng Trung Quốc có nhiều bà mẹ đang tham gia lực lượng lao động hơn so với các nước phương Tây. Chính vì thế, không ít người trong số đó đặt mục tiêu sự nghiệp lên hàng đầu thay vì trở thành một bà nội trợ. Thậm chí, suy nghĩ ở nhà chăm lo gia đình ngày càng hiếm hoi trong tư tưởng của phụ nữ Trung Quốc.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều phụ nữ có trình độ chuyên môn cao và xây dựng được sự nghiệp vững chắc. Họ cũng mong chồng kiếm được nhiều tiền hơn họ. Chính vì thế, điều này khiến cuộc sống gia đình đôi khi bị xếp sau sự nghiệp và việc có con rõ ràng không phải ưu tiên hàng đầu.

Trong khi đó, dữ liệu của Statista cho thấy vào năm 2020, sinh viên nữ chiếm gần 42% tổng số lượng đăng ký học tiến sĩ và số lượng phụ nữ đăng ký học thạc sĩ cao hơn đáng kể so với nam giới.

“Đàn ông phải đối mặt với gánh nặng to lớn vì phụ nữ thường mong đợi, thậm chí là yêu cầu sự đảm bảo tài chính từ chồng. Chính áp lực này khiến nhiều người cũng không muốn kết hôn. Trong quá khứ, độc thân thường bị chỉ trích nhưng bây giờ, xã hội không còn kỳ thị điều đó nữa”, Xie chia sẻ.

Awen, một nữ thiết kế 31 tuổi ở Thâm Quyên, cho biết cô hiện đang rất vui với tình trạng độc thân của mình. “Tiết kiệm tiền và tập trung vào sự nghiệp là ưu tiên của tôi lúc này. Tôi thường cảm thấy rất mệt mỏi sau giờ làm việc và chẳng thể tưởng tượng nổi cảm giác của những ông bố, bà mẹ khi phải chăm sóc, lo lắng thêm cho con cái”, Awen, người từ chối cho biết đầy đủ họ và tên, chia sẻ.

Theo góc nhìn của Awen, đàn ông ở Trung Quốc thường không giữ vai trò then chốt trong việc nuôi dạy con cái. Thay vào đó, gánh nặng đổ lên vai các bà mẹ. “Nhiều phụ nữ không muốn kết hôn vì lo ngại việc nhà và chăm lo con cái sẽ đè nặng lên vai họ. Vì vậy, nếu phụ nữ cảm thấy cần phải làm việc nhà, kiếm tiền và làm mọi thứ một mình thì tại sao lại không sống một mình”, Awen nêu quan điểm.

Tuy nhiên, quan điểm của những người như Awen còn lâu mới thuyết phục được cha mẹ cô. “Cha mẹ tôi muốn đông con nhiều cháu”, Awen chia sẻ.

0x0-5-.jpg

Giúp phụ nữ tìm thấy sự cân bằng

Thấu hiểu tình thế khó khăn của phụ nữ, nhiều công ty đã đưa ra những giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy phụ nữ sinh con nhiều hơn. Với một nửa trong số 30.000 nhân sự là phụ nữ, Trip.com – công ty du lịch trực tuyến – đã nghĩ ra giải pháp đặc biệt để giúp phụ nữ sinh con.

“Chúng tôi chỉ cho một phụ nữ khoảng 7-8 năm để xây dựng sự nghiệp”, CEO Jane Sun chia sẻ. Theo cô, nhiều nhân viên trẻ đã 28 tuổi sau khi lấy bằng tiến sĩ. Trong khi đó, việc mang thai ở tuổi ngoài 35 sẽ có nhiều rủi ro. Bởi vậy, công ty quyết định hỗ trợ chi phí cho nhân viên nữ đi dông lạnh trứng.

Sáng kiến này ra đời năm 2018 và hơn 50 nhân viên đã liên hệ với nhóm phúc lợi của công ty để xem có đủ điều kiện hay không.

“Chúng tôi là một trong những công ty đầu tiên hoặc có thể là duy nhất mang đến cho nhân viên lựa chọn này. Chúng tôi có sẵn giải pháp, còn lựa chọn dùng hay không là quyền của nhân viên, bà Sun nói.

Trong khi đó, với những nhân sự mang thai, họ sẽ được đi lại bằng taxi miễn phí. Khi con họ chào đời và bắt đầu đi học, họ cũng được nhận những khoản trợ cấp bằng tiền mặt.

Vậy giải pháp đông lạnh trứng có phải tối ưu? Thực tế, Trung Quốc chỉ cho phép phụ nữ có gia đình đông lạnh trứng. Trong khi đó, nhiều phự nữ muốn làm điều này nhưng chưa muốn kết hôn, nhất là khi họ ngày càng độc lập về kinh tế. Hôn nhân, rõ ràng không phải lựa chọn hấp dẫn của nhiều cô gái. Dữ liệu chính thức cho thấy chỉ có 7,64 triệu cặp đôi kết hôn vào năm 2021, giảm so với 8,14 triệu của năm 2020.

Trong khi đó, phụ nữ ly hôn vẫn gặp phải nhiều sự kỳ thị trong xã hội Trung Quốc. Họ còn phải vật lộn để cân bằng sự nghiệp nếu nuôi con một mình. Shannon, một bà mẹ 36 tuổi tới từ Thâm Quyến, cho biết: “Tôi không nghĩ làm mẹ đơn thân là điều gì đáng xấu hổ. Tuy nhiên, tôi giữ bí mật với đồng nghiệp vì không muốn họ có cái nhìn khác về tôi”.

Dẫu vậy, Shannon vẫn tin rằng dù lấy chồng rồi li dị vẫn tốt hơn là không bao giờ kết hôn. Tuy nhiên, làm mẹ đơn thân đôi lúc cũng có những khó khăn mà cô không ngờ tới. Chính điều đó khiến Shannon không bao giờ muốn tái hôn và sinh thêm con.

Nhà ở, vấn đề muôn thủa thời đất chật, người đông

Một trong những vấn đề khiến nhiều cặp đôi ở Trung Quốc trì hoãn kết hôn đó chính là nhà ở. Có một ngôi nhà thực sự là biểu tượng vững chắc cho một gia đình bền vững. Vì thế, chi phí mua nhà là vấn để then chốt đối với nhiều cặp đôi. Để có thể cải thiện điều này, nhiều nhà kinh tế học cho rằng giá phải giảm một nửa.

“Nhu cầu và giá cả của bất động sản chắc chắn sẽ phụ thuộc vào lượng cặp đôi kết hôn và số lượng trẻ em được sinh ra. Chính vì thế, đó phải là mối quan hệ có gắn bó mật thiết với nhau”, Xie nói.

Tham khảo: CNBC


(0) Bình luận
Chuyện “lạ” ở nền kinh tế tỷ dân: Đối diện khủng hoảng nhân khẩu học khi giới trẻ sợ kết hôn vì quá nhiều áp lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO