Sáng 26/6/2023, Lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được tổ chức trọng thể tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc do Thủ tướng Quốc Vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường chủ trì.
Ngay sau Lễ đón chính thức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường. Hai Thủ tướng đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đi sâu trao đổi ý kiến về các vấn đề quan trọng trong quan hệ hai nước và đạt được nhận thức chung rộng rãi về việc cụ thể hóa các thành quả và nhận thức chung cấp cao trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm 2022, làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.
Sau cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký và công bố 3 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước trên các lĩnh vực: Quản lý xuất nhập cảnh, giám sát thị trường, xây dựng cửa khẩu thông minh, nghiên cứu quản lý môi trường biển trong Vịnh Bắc Bộ.
Chia sẻ về chuyến thăm Trung Quốc quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 25 đến ngày 28/6/2023, ông Ngụy Vi, Trưởng ban Việt ngữ Đài phát thanh-truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG), cho rằng nội dung được quan tâm trong chuyến thăm là "phương hướng phát triển quan hệ hữu nghị hai nước trong tương lai, theo phương châm 'láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai'" đã được nêu trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc ngày 1/11/2022 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo ông Ngụy Vi, "kể từ sau Đại hội khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012) đến nay, cùng với những thay đổi của tình hình thế giới và những thách thức mang tính toàn cầu, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các chủ trương và hành động thực tế trong lĩnh vực ngoại giao", trong đó có chủ trương hợp tác cởi mở, cùng có lợi với khu vực, bao gồm Việt Nam.
Hợp tác kinh tế, xã hội Việt Nam-Trung Quốc có kết quả tốt đẹp
Ông Ngụy Vi đánh giá hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, xã hội giữa Việt Nam-Trung Quốc đã thu được thành quả tốt đẹp.
"Trong năm nay, quả sầu riêng của Việt Nam bắt đầu nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc và ngay lập tức được người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận, tiêu thụ ngày càng mạnh mẽ," ông Ngụy nói.
Theo Báo điện tử Chính phủ, quả sầu riêng tươi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 83% tổng trị giá xuất khẩu trái cây.
Theo số liệu từ đầu năm đến ngày 30/5/2023, gần 60.000 tấn sầu riêng đã được làm thủ tục thông quan xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Trong đó, riêng tháng 5/2023, sản lượng sầu riêng xuất khẩu đã đạt hơn 17.500 tấn.
Tạp chí Công thương ngày 27/6 cho hay, ngay sau khi Trung Quốc chính thức nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 08/01/2023, Bộ Công Thương Việt Nam và các đơn vị trực thuộc đã xúc tiến tổ chức nhiều hoạt động kết nối, giao thương cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Trung Quốc.
Nhiều hội nghị hợp tác đầu tư - thương mại, hội chợ xúc tiến giao thương với các địa phương Trung Quốc như Vân Nam, Quảng Tây, Hải Nam, Sơn Đông,... đã được hai nước phối hợp tổ chức theo hình thức trực tiếp, thu hút được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc quan tâm.
Theo thống kê sơ bộ, tính từ đầu năm 2023, nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả tươi,... đã ghi nhận kết quả tích cực tại thị trường Trung Quốc.
Ông Ngụy Vi cũng đề cập tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông "góp phần quan trọng trong quá trình hiện đại hóa giao thông của Việt Nam và nâng cao đời sống". Theo ông, "làm thế nào để thúc đẩy hợp tác phát triển giữa hai nước đi vào các lĩnh vực sâu rộng hơn" là bài toán mà đôi bên cùng cần xem xét.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát triển thương mại Việt Nam-Trung Quốc nâng lên tầm cao mới
Bên cạnh đó, ông Ngụy Vi nhận định phát triển kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tiếp tục nâng lên một tầm cao mới.
"Hợp tác thương mại từ trước đến nay là một nền tảng quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Trung Quốc 18 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi từ năm 2016 đến nay Việt Nam cũng liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN," ông Ngụy nêu.
"Các chuỗi công nghiệp ở đồng bằng sông Châu Giang và đồng bằng sông Mê Kông có mối liên hệ chặt chẽ. Kim ngạch thương mại giữa hai nước, trong khuôn khổ mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, không ngừng tăng trưởng. Năm ngoái cũng là năm đầu tiên thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)."
Ông Ngụy Vi bày tỏ tin tưởng chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính "sẽ tiếp thêm luồng sinh khí và động lực mới cho việc cải thiện và nâng tầm quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại giữa hai nước".
Nhân chuyến thăm lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng tham dự WEF Thiên Tân, do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức. Đây là hội nghị có quy mô lớn thứ hai sau WEF Davos (Thụy Sĩ).
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao WEF đã lựa chọn thành phố Thiên Tân, Trung Quốc là địa điểm tổ chức Hội nghị, cho thấy vai trò quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc trong điều kiện nhiều khó khăn.
Thủ tướng nhấn mạnh 6 "cơn gió ngược" đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam, bao gồm: Suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng…; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; hậu quả của đại dịch Covid đối với nền kinh tế thế giới và các nước còn kéo dài; cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; các cuộc xung đột, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất và có có khả năng hạn chế trong thích ứng và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Để đương đầu với các "cơn gió ngược", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cách tiếp cận và 6 định hướng quan trọng.
Thủ tướng đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của Việt Nam trong quá trình chống dịch và phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục tập trung triển khai ba đột phá chiến lược về hạ tầng - thể chế - nhân lực; quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp quốc tế, trong nước, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng đề nghị các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có WEF và các thành viên của WEF tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và kinh nghiệm quản trị hiện đại, giúp Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như đã đề ra.