Chuyên gia SHS: Thị trường có thể đối diện vùng cản mạnh tại 1.300 điểm

Bảo Anh | 14:22 15/08/2023

Theo chuyên gia, thị trường chứng khoán mặc dù còn nhiều kỳ vọng nhưng chúng ta cũng nên thận trọng. Ngưỡng 1.300 điểm, tôi cho rằng thị trường có thể đạt được nhưng đến giai đoạn đó thì sẽ có sự phân hóa nhiều hơn.

Chuyên gia SHS: Thị trường có thể đối diện vùng cản mạnh tại 1.300 điểm

Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn hồi phục mạnh, chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.200 điểm với nhiều phiên giao dịch thanh khoản “tỷ đô”. Vậy xu hướng thị trường còn duy trì đà tích cực hay không là điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này.

Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Hồ Ngọc Việt Cường, Phó Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng Khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đã có những chia sẻ quan điểm về thị trường chứng khoán giai đoạn hiện nay cũng như cơ hội đầu tư giữa các nhóm ngành.

BTV Mùi Khánh Ly: Kinh tế giới quý II/2023 đã dần tích cực hơn, trong nước thì loạt chính sách hỗ trợ đang được đẩy mạnh, theo ông, các chính sách đã ngấm tốt hơn vào nền kinh tế?

Ông Hồ Ngọc Việt Cường, Phó Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng Khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)

Thời gian vừa qua, Việt Nam là một trong những nước có chính sách tiền tệ và tài khóa rất linh hoạt. Khi cả thế giới đang trong giai đoạn chống lạm phát và thắt chặt chính sách tiền tệ, cũng như tăng lãi suất thì chúng ta lại giảm lãi suất, tăng đầu tư công, giảm thuế và có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp…Các chính sách đã tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Nhất là đối với chính sách tiền tệ, giảm lãi suất tiết kiệm cũng như giảm lãi suất cho vay sẽ giúp cho doanh nghiệp dễ thở hơn trong vấn đề chi phí vốn. Trên cơ sở thống kê những dữ liệu mà chúng tôi có được thì kết quả kinh doanh của quý II/2023 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE và HNX thì vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng âm đã giảm đi so với quý I, như vậy cũng có thể coi là điểm tích cực dần lên. Thứ hai, kênh gửi tiết kiệm khi lãi suất giảm khiến thu nhập từ tiền gửi cũng giảm. Trong bối cảnh đó, dòng tiền của nhà đầu tư đã chuyển vào thị trường chứng khoán, phần nào lý giải cho đợt phục hồi mạnh vừa qua của thị trường. Tuy nhiên, một số lĩnh vực như là bất động sản thì sẽ cần có thêm thời gian để các chính sách có tác động rõ ràng hơn.

Thị trường trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, dòng tiền gia tăng trên thị trường với thanh khoản tỷ USD/phiên. Tuy nhiên, bên cạnh tâm lý lạc quan, nhiều ý kiến cho rằng định giá của thị trường hiện đang ở mức cao, ông đánh giá sao?

Trong khoảng hai tháng vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng rất mạnh, hồi phục trên 20%. Thực tế, không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam mà thị trường chứng khoán toàn cầu như Mỹ, EU hay Nhật Bản cũng đã có những bước hồi phục mạnh. Theo quan điểm của chúng tôi, mặt bằng giá P/E của chúng ta cũng không phải là quá thấp nữa, đang ở mức trên 17 rồi, một số dữ liệu của các đơn vị khác thì là quanh mức 15 hay thậm chí 18, tức là định giá cũng không còn quá hấp dẫn nữa. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nhà đầu tư có kỳ vọng rằng khi nền kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp sẽ thuận lợi và tăng trưởng lợi nhuận trở lại, dẫn đến P/E tăng lên. Cho nên đâu đấy thì P/E ở mức 17 vẫn được coi là còn cơ hội để đầu tư. Song, theo tôi, sau giai đoạn tăng trưởng vừa qua, một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư đã có những khoản lợi nhuận nhất định nên thị trường vẫn sẽ phải đối diện với một ngưỡng cản sắp tới là quanh mức 1.300, đây cũng là mức đỉnh phục hồi của những đợt sóng cũ, và thị trường cần có một khoảng thời gian tích lũy thêm.

Thị trường đã tăng khá mạnh, trong bối cảnh các doanh nghiệp mới chỉ kỳ vọng là vượt qua đáy tăng trưởng, vậy thị trường đang phải đối mặt với những rủi ro nào?

Mặc dù nhà đầu tư đang kỳ vọng về việc nền kinh tế vĩ mô của chúng ta sẽ vượt qua khó khăn và tăng trưởng trở lại, tuy nhiên kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào thương mại quốc tế rất nhiều. Mặc dù gần đây, các tổ chức lớn đã có những dự đoán tích cực hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng năm 2023 vẫn là một năm khó khăn, bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dù được dự báo tích cực hơn nhưng mức dự báo mới vẫn thấp hơn so với năm 2022. Đặc biệt là gần đây, liên quan đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina, thỏa thuận ngũ cốc đã chấm dứt, đây là một thỏa thuận rất quan trọng, cùng với đó là Ấn Độ, một quốc gia xuất khẩu lớn về gạo cũng đã hạn chế việc xuất khẩu gạo, như vậy rõ ràng nguy cơ bùng phát lạm phát vẫn còn đó, đặc biệt ở Châu Âu. Thứ hai, về dầu mỏ và năng lượng, hiện tại dự trữ dầu mỏ của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong hơn 40 năm qua và mùa đông sắp đến và cũng như mùa hè năm nay rất nóng, chúng ta cũng thấy giá dầu thô trên thế giới đã có xu hướng tăng dần lên, như vậy nguy cơ về lạm phát bùng phát hoặc là kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn hơn. Cho nên, việc thị trường chứng khoán mặc dù kỳ vọng nhưng chúng ta cũng nên thận trọng. Ngưỡng 1.300 điểm, tôi cho rằng thị trường có thể đạt được nhưng đến giai đoạn đó thì sẽ có sự phân hóa nhiều hơn.

Vậy vào thời điểm này nhà đầu tư nên quản trị vốn đầu tư của mình sao cho phù hợp?

Tỷ trọng phần lớn các nhà đầu tư Việt Nam hiện nay là nhà đầu tư cá nhân và thông thường họ sẽ tham gia mang tính chất ngắn hạn nhiều hơn, cũng như mua những cổ phiếu có hy vọng tăng trưởng cao. Chúng tôi dự báo ngưỡng 1.300 điểm là ngưỡng cản và sau đấy mới có thể tích lũy lại được và nếu như trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô phục hồi thì có thể thị trường sẽ bùng nổ và tạo cạnh tranh mạnh hơn, nhưng phải qua giai đoạn tích lũy của thị trường. Do đó, trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần phải phân tích kỹ hơn về các doanh nghiệp, về các tiềm năng tăng trưởng, cũng như các ngành nghề được hưởng lợi trong bối cảnh này để cơ cấu.

Nhà đầu tư nên chọn doanh nghiệp như thế nào vào thời điểm này, theo ông?

Đối với nhà đầu tư cá nhân, chúng ta không có quá nhiều các kênh thông tin cũng như dữ liệu, nhưng hoàn toàn có thể nhận biết được những ngành nghề nào sẽ có những lợi thế nhất định trong bối cảnh hiện nay và có tiềm năng tăng trưởng hơn. Ví dụ như đầu tư công khi mà Nhà nước đã thúc đẩy đầu tư, đặc biệt trong những quý cuối năm sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh. Hay như ngành ngân hàng, mặc dù trong giai đoạn kinh tế khó khăn nhưng lợi nhuận của các ngân hàng vẫn đang tăng trưởng tốt. Ngoài ra, ngành công nghệ hay những ngành đặc thù như hóa chất có thể xem xét. Trong khi đó, ngành như bất động sản thì lợi nhuận giảm rất mạnh, mặc dù đang có những chính sách để tháo gỡ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng có lẽ cần phải thêm thời gian để ngành này phục hồi. Tôi nghĩ sang năm sau có thể có thêm những tín hiệu tích cực và có thể có những con sóng rất mạnh nên là việc nắm giữ lâu dài cũng là việc tốt nhưng quan trọng phải chọn lựa cổ phiếu kỹ càng.

Đối với cụ thể từng doanh nghiệp, hiện tại, chúng ta có thể sàng lọc những doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền, rõ ràng tình hình tài chính của họ vẫn còn lành mạnh, hoặc chúng ta thấy sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đó qua các kỳ không biến động quá nhiều, tức là họ đang không bị bối cảnh thị trường kinh tế tác động quá nhiều.


(0) Bình luận
Chuyên gia SHS: Thị trường có thể đối diện vùng cản mạnh tại 1.300 điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO