Chiến lược biến các SME thành doanh nghiệp số
Những phát biểu của bà Nguyễn Phi Vân được đưa ra tại Diễn đàn khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hôm 19/10, được tổ chức tại thành phố Cần Thơ, nằm trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Vùng ĐBSCL - TECHFEST Mekong 2022 với chủ đề “Khát vọng vùng đất Chín Rồng”.
Chuyên gia này nêu sáng kiến để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam phát triển thật lớn mạnh, cần gắn kết cả doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vào bên trong hệ sinh thái này. Lý do bà đưa ra là Việt Nam có 870.000 doanh nghiệp, trong đó tới 98% là SME.
Bà Phi Vân đánh giá hướng đi này đặc biệt phù hợp với ĐBSCL, khu vực được cho là sẽ không có quá nhiều start-up công nghệ. Vì vậy, công thức bà đưa ra là biến các SME thành doanh nghiệp số, đem đội ngũ công nghệ vào xây dựng lại toàn bộ công ty.
“Nếu có thể chuyển đổi như vậy, ngay lập tức nền kinh tế Việt Nam sẽ bước vào kỷ nguyên mới”, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên thần Đông Nam Á nói.
Thực tế là trong 2 năm Covid-19, bà Phi Vân đã thử nghiệm công thức này bằng cách đầu tư vào một công ty rất nhỏ, không phải start-up công nghệ. Thay vì từng bước phát triển công ty như cách các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường làm, bà quyết định ươm tạo công ty này như một start-up.
“Hai founder thành lập công ty với 150.000 USD, đến gọi vốn định giá công ty là 500.000 USD. Tôi đồng ý vì nghĩ tiềm năng rất lớn. Sau 2 năm scale-up bằng cách biến một công ty nhỏ thành doanh nghiệp số, tôi thoái vốn khi trị giá công ty là 43 triệu USD. Như vậy, đối với tôi con số đã gấp 86 lần, với các founder là 286 lần”, bà kể lại trường hợp thử nghiệm.
Hiệp hội Đầu tư Thiên thần Việt Nam và Đông Nam Á đã cùng xây dựng một quỹ đầu tư sớm vào những doanh nghiệp SME muốn trở thành doanh nghiệp số. Tuy nhiên, bà Phi Vân cho biết không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng tham gia chương trình này.
“Đầu tiên, nếu các bạn muốn công ty của mình lớn mạnh gấp 100 lần, thì tư duy của người founder phải có khả năng gấp 100 lần. Chuyện này cực kỳ khó. Tôi đã thực hiện nhiều thử nghiệm khác nhau, với nhiều công ty SME khác nhau trước khi hoàn thiện và đưa ra chương trình tăng tốc. Tôi gặp khá nhiều thất bại”.
“Vấn đề là các bạn nhìn thấy cơ hội doanh nghiệp có thể tăng tốc, giá trị rất cao, nhưng không sẵn sàng thay đổi. Nếu các bạn nghĩ mình đang chạy ở tốc độ 100, khi chúng tôi bước vào nó sẽ là 1.000. Nghĩa là bạn phải chạy theo tốc độ 1.000 đó của chúng tôi, thì chúng tôi mới tăng tốc cho các bạn được”, bà Phi Vân nói.
Nữ chuyên gia giải thích thêm rằng khó khăn nằm ở chỗ ban lãnh đạo các công ty phải chuẩn bị sẵn sàng tình huống cần thay đổi hoàn toàn cách làm, cách nghĩ, cách set-up từ trước tới nay. Trong quá trình chuyển đổi số cũng có rất nhiều điều phải tự học, tự lớn lên. “Khi các bạn scale-up được bản thân thì đương nhiên doanh nghiệp cũng scale-up được”, bà nêu quan điểm.
Bài toán của các start-up đổi mới sáng tạo
Cũng trong diễn đàn, ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP. HCM đã chỉ ra những vấn đề mà các start-up đổi mới sáng tạo cần giải quyết. Đầu tiên là tăng trưởng kinh tế, tiếp đó là nâng cao năng suất doanh nghiệp - điều này phụ thuộc vào đổi mới sáng tạo, cuối cùng là tạo ra được những doanh nghiệp dẫn dắt.
Giám đốc Shinhan Future’s Lab Việt Nam Martin Kim, một khách mời khác tại diễn đàn, cũng cho rằng thay vì tập trung vào lợi ích riêng của các tập đoàn hay doanh nghiệp lớn, họ muốn khuyến khích các tập đoàn đi theo mô hình đổi mới sáng tạo mà ở đó các công ty lớn đặt sự phát triển của start-up lên trước.
Chuyên gia này phân tích khi start-up phát triển bền vững, các công ty và tập đoàn cũng sẽ được hưởng lợi từ việc đồng tạo ra những thị trường mới và cùng chia sẻ những nguồn tài nguyên chung, hướng tới đồng thịnh vượng trong hệ sinh thái.
Xét riêng khu vực ĐBSCL, ông Tước cho biết rất nhiều doanh nghiệp, tỉnh thành địa phương làm khởi nghiệp, nhưng chưa thấy ai đặt mục tiêu hình thành hệ sinh thái. “Khi không có mục tiêu sẽ không thấy được rõ ràng con đường để xây dựng và phát triển. Các doanh nghiệp cần dám nghĩ dám làm, đặt mục tiêu ứng dụng tối đa công nghệ cao cho doanh nghiệp và thực hiện từng bước vững chắc”, ông nói.
Theo đề xuất của ông Tước, cần tập trung xây dựng nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trực tuyến, lấy đây làm gốc để phát triển. Đặc biệt, cần cân nhắc ưu tiên tái ươm tạo cho SME. Trên thực tế, các doanh nghiệp tăng trưởng đến khoảng 50, 60 năm là sẽ bị tắc nghẽn, khó phát triển lên nhanh và cần giải phóng vùng tắc nghẽn đó.
Cuối cùng ông cho rằng cần hợp tác với các trường đại học, phổ biến nhận thức để tạo ra thay đổi, đồng thời chú trọng phát triển logistics, kinh tế sông và đường cảng biển.