*Bài viết thể hiện quan điểm của ông Andrés Velasco, cựu Bộ trưởng Tài chính Chile. Ông là Trưởng khoa Chính sách công tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London
Vào tháng 7/2006, các nhà lãnh đạo của 4 quốc gia thuộc BRIC bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc lần đầu tiên có cuộc gặp gỡ không chính thức tại Nga. Sau đó, Hội nghị Thượng đỉnh BRIC lần thứ nhất đã được tổ chức tại Yekaterinburg, Nga vào ngày 16/6/2009.
Đến tháng 9/2010, nhóm BRIC được đổi tên thành BRICS sau khi Nam Phi chính thức gia nhập. BRICS sau đó đưa ra một tuyên bố đại diện cho các nền kinh tế mới nổi của thế giới. Đến năm 2024, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã trở thành thành viên mới của BRICS.
Đến nay, BRICS nhằm thể hiện vai trò lãnh đạo của Nga và Trung Quốc tại Nam Bán cầu. Các hội nghị thượng đỉnh đưa ra mục tiêu phát triển BRICS trở thành đối trọng với G7. Một phần trong đó bao gồm việc hạ bệ đồng đô la Mỹ trong thương mại và tài chính toàn cầu. Người ủng hộ sáng kiến này có Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil.
Vào tháng 1/2023, ông Lula cho biết Brazil và Argentina sẽ đưa ra ý tưởng về đồng tiền chung cho khu vực thương mại Nam Mỹ Mercosur. Nhưng điều đó đã không thành. Nhà kinh tế học Andrés Velasco nhận định không có chuyện đồng USD bị hạ bệ bởi một loại tiền tệ của BRICS, hoặc chí ít là như cách ông Lula hình dung.
Bất kỳ cuốn sách giáo khoa kinh tế nào cũng sẽ cho biết một loại tiền tệ phải có ba chức năng. Thứ nhất, tiền phải là thước đo giá trị. Do đó, tại các hội nghị thượng đỉnh BRICS trước đây, các thành viên đã thảo luận về việc tạo ra một đơn vị chung tạm thời là R5.
Tính khả thi của đề xuất này sẽ phụ thuộc vào mức độ ổn định của R5. Phần lớn thương mại thế giới được thanh toán bằng USD là vì lạm phát thấp của Mỹ khiến giá USD của hầu hết mặt hàng có thể dự đoán được.
Chức năng thứ hai của tiền tệ là phương tiện lưu thông. Ví dụ, một người Ấn Độ muốn mua cà phê Brazil trước tiên phải dùng rupee Ấn Độ để mua USD, sau đó dùng USD trả cho nhà xuất khẩu Brazil. Số tiền đó sẽ được đổi về đồng real Brazil để trả cho công nhân trồng cà phê.
"Mỗi đêm tôi tự hỏi tại sao tất cả các quốc gia đều phải dựa trên đồng USD để giao dịch thương mại", Tổng thống Lula phát biểu tại Ngân hàng Phát triển Mới ở Thượng Hải năm 2023. Trên thực tế, câu trả lời rất đơn giản. Để chi tiêu hàng ngày, công nhân Brazil cần đồng real, thứ có thể mua được dễ dàng và rẻ bằng đồng USD, nhưng không thể mua bằng đồng rupee Ấn Độ, đồng rand Nam Phi hoặc birr Ethiopia.
Sau hội nghị thương đỉnh tại Kazan, các nhà lãnh đạo kêu gọi sử dụng nhiều hơn các loại tiền tệ của các thành viên BRICS thay vì dùng USD trong giao dịch giữa họ. Nhưng điều này chỉ hiệu quả nếu giao dịch giữa hai quốc gia đó luôn cân bằng. Mà đó là điều gần như không thể.
Ví dụ, nếu người tiêu dùng Brazil muốn mua gạo từ Ấn Độ có giá trị bằng với cà phê mà người Ấn Độ muốn mua từ Brazil, thì mỗi kỳ giao dịch kết thúc, không bên nào còn nắm giữ đồng tiền của bên kia. Nhưng nếu giá trị xuất khẩu của Ấn Độ sang Brazil nhỏ hơn, các công ty Brazil sẽ tích luỹ được lượng lớn rupee còn dư.
Các cuộc thảo luận sau hội nghị BRICS còn nhắc đến việc phát hành tiền kỹ thuật số. Tất cả các giao dịch quốc tế bằng USD đều thông qua các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, các giao dịch tiền kỹ thuật số sẽ loại bỏ các trung gian tư nhân và chỉ liên quan đến các ngân hàng trung ương.
Nhưng vấn đề mất cân bằng thương mại sẽ không biến mất. Liệu ngân hàng trung ương Brazil có thoải mái khi nắm giữ số dư lớn đồng rupee kỹ thuật số, đồng rial Iran kỹ thuật số hay thậm chí là đồng nhân dân tệ kỹ thuật số không? Chắc chắn là không.
Một câu hỏi tương tự sẽ phát sinh nếu một loại tiền tệ BRICS thay thế các loại tiền địa phương trong giao dịch nội khối. Thực tế, vấn đề bắt nguồn từ chức năng thứ ba của tiền tệ là phương tiện cất trữ.
Khi nói đến tiết kiệm, chúng ta chỉ sử dụng các loại tiền tệ mà chúng ta tin rằng sẽ không bị đóng băng, tịch thu hoặc mất giá trị do lạm phát. Nhìn vào thực tế dự trữ của các ngân hàng trung ương, khoảng 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu là đồng USD.
Tuy nhiên, không ai dám khẳng định vai trò dữ trữ toàn cầu của đồng USD sẽ duy trì mãi mãi. Mọi thứ có thể thay đổi nếu một quốc gia trong nền kinh tế thế giới bị thu hẹp quá nhiều. Vì đồng tiền của một quốc gia chỉ mạnh khi các thể chế của quốc gia đó đáng tin cậy.
Kể từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, các ngân hàng trung ương của Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác đã đa dạng hóa dự trữ của mình. Mục đích để đưa một khoản dự trữ của họ xa tầm với của Mỹ. Họ có mua tiền tệ của nhau nhiều hơn như BRICS gợi ý không? Hoàn toàn không. Thay vào đó, các ngân hàng trung ương đổ xô gom vàng, đẩy giá kim loại này lên mức cao kỷ lục.
Thực tế nghiệt ngã đó khiến Tổng thống Lula sẽ còn phải trăn trở nhiều đêm nữa, vì thế giới chưa hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD.
Tham khảo: Project Syndicate