Trước khi dự án "Hành trình OCOP" ra đời, Việt Nam đã thực hiện chương trình quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) từ năm 2018, với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Chương trình OCOP khuyến khích các địa phương khai thác lợi thế sản xuất nông nghiệp, văn hóa và du lịch của mình để phát triển các sản phẩm đặc trưng, từ đó giúp cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Đây là một gameshow truyền hình đầu tiên có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP từ mọi miền cả nước. Chương trình mang đến những câu chuyện khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm bổ ích để phát triển các sản phẩm đặc sản vùng miền. Đây là một kênh tuyên truyền trong lĩnh vực kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng giúp mang các sản phẩm nông sản Việt tới gần hơn với người tiêu dùng.
Dự án "Hành trình OCOP" ra đời nhằm giải quyết các vấn đề như tăng cường nhận diện sản phẩm OCOP, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, và kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, hướng tới phát triển kinh tế nông thôn bền vững và cải thiện đời sống người dân.
"Hành trình OCOP" hướng tới việc trở thành một mô hình phát triển bền vững cho các sản phẩm nông thôn, không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trong nước mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng của sản phẩm này trên thị trường quốc tế. Tầm nhìn dài hạn của dự án là tạo ra một hệ sinh thái bền vững, trong đó các sản phẩm địa phương đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao đời sống người dân, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Đồng thời, dự án mong muốn các sản phẩm OCOP trở thành biểu tượng của chất lượng, uy tín và giá trị văn hóa, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc phát triển sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.
Dự án hướng đến nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa: Các cơ sở sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp sản xuất các sản phẩm OCOP; Người tiêu dùng, đặc biệt là những người quan tâm đến sản phẩm địa phương, an toàn và có giá trị văn hóa; Cộng đồng nông thôn, người dân ở các khu vực nông thôn sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cường phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm.
Dự án được triển khai trên toàn quốc, tập trung vào các khu vực nông thôn và các tỉnh có sản phẩm OCOP đặc trưng. Các địa phương được lựa chọn sẽ những nơi có tiềm năng phát triển sản phẩm nông nghiệp, văn hóa và du lịch, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Dự án tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như: nông nghiệp (Sản xuất các sản phẩm nông sản chất lượng cao), thương mại (Phát triển các kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm OCOP), du lịch (Khai thác giá trị văn hóa, du lịch sinh thái liên quan đến các sản phẩm OCOP).
Bắt đầu từ tháng 5/2022, dự án "Hành trình OCOP" đã ghi hình 17 tập, tổ chức 3 sự kiện xúc tiến thương mại, hơn 20 cuộc gặp mặt và quảng bá 150 sản phẩm... Hơn 51 cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia OCOP, giúp tăng trưởng doanh thu cho sản phẩm 10- 30%, tăng tỷ lệ nhân diện thương hiệu 10-30%...
Dự án cũng tạo ra những giá trị và ý nghĩa to lớn đối với các đối tượng thụ hưởng, như:
- Nâng cao nhận thức về sản phẩm OCOP: Người dân và cộng đồng địa phương hiểu rõ hơn về giá trị của các sản phẩm địa phương, từ đó tăng cường tiêu thụ sản phẩm OCOP.
- Gắn kết cộng đồng: Dự án tạo cơ hội để người dân địa phương kết nối với nhau thông qua các hoạt động quảng bá sản phẩm và phát triển kinh tế nông thôn.
- Phát triển kinh tế nông thôn: Các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất OCOP có cơ hội quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn, góp phần nâng cao doanh thu và mở rộng thị trường tiêu thụ.
- Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa: Các sản phẩm OCOP thường mang đậm dấu ấn văn hóa và truyền thống của địa phương, việc quảng bá sản phẩm cũng là cách để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa.
- Thúc đẩy sản xuất bền vững: Dự án đã giúp nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường trong cộng đồng.