Chương trình phục hồi kinh tế được tính toán trên quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô

Hoàng Đàn | 12:53 08/01/2022

“Chính phủ đã tính toán trên quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế”.

Chương trình phục hồi kinh tế được tính toán trên quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh khi giải trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế trước Quốc hội. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, khó, chưa có tiền lệ và có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với nền kinh tế mà cả xã hội, y tế. Trước kia chúng ta có một số chính sách ứng phó khủng hoảng nhưng phạm vi hẹp hơn. Do đó, chương trình này sẽ tác động không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích, khi xây dựng dự thảo Nghị quyết Chính phủ đã nghiên cứu, đánh giá tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng, kinh tế, xã hội nói chung, những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, người lao động và nhu cầu hỗ trợ, khả năng huy động nguồn lực và hấp thụ của nền kinh tế để xây dựng chính sách tài khóa và tiền tệ với quy mô phù hợp.

Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá mới đưa ra đề xuất quy mô, phạm vi, đối tượng và lộ trình thực hiện của từng chính sách. Như chính sách miễn giảm thuế, ngay năm 2022 - năm đầu tiên, có thể thực hiện được 100%... Cần có sự điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn và chính sách tài khóa để giải ngân nguồn lực bổ sung quan trọng này.

Giải thích với các Đại biểu Quộc hội về nguồn lực để thực hiện Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ thực hiện nghiêm túc cải cách thuế, chống thất thu, sau đó huy động vốn nguồn trái phiếu, vay ODA và nguồn vốn nước ngoài.

Chính phủ đã tính toán trên quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế. Năm 2022 sẽ giải ngân 42% tổng số vốn của chương trình, phần còn lại giải ngân trong năm 2023.

Việc phân bổ phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, nhất là chính sách tài khóa. Ngoài ra, cần đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ của Chương trình.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đã nghiên cứu đề xuất hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa phục vụ tăng trưởng, phát triển lâu dài, thúc đẩy cả cung và cầu của nền kinh tế.

Chính sách tập trung vào những ngành cần thiết, trước mắt tập trung vào nâng cao năng lực phòng chống dịch gắn với nâng cao năng lực, hiện đại hóa các trung tâm chuyên sâu CDC cấp vùng, bệnh viện, viện tuyến trung ương; giải quyết việc làm, đào tạo lao động, phục hồi du lịch... Tiếp đó, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối cửa khẩu đông bắc, các khu công nghiệp, khu kinh tế...

Việc phân bổ nguồn vốn phải hài hòa giữa các vùng miền nhưng không cào bằng, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư lĩnh vực, ngành có tính lan tỏa.

“Yếu tố đảm bảo cho sự thành công chính là khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành sau khi các chính sách được Quốc hội thông qua. Đây là nhiệm vụ chính trị nặng nề của cả hệ thống chính trị. Chính phủ mong muốn các đại biểu Quốc hội tham gia giám sát tại địa phương trong quá trình thực hiện…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội 3 cơ chế đặc thù. Do đây là quy định mới, chưa có trong luật nên Chính phủ trình Quốc hội cho phép thí điểm đối với dự án thuộc Chương trình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cơ chế đặc thù sẽ giúp rút ngắn thời gian đối với công tác đấu thầu, đầu tư công; huy động sự tham gia của địa phương đối với các dự án đường cao tốc đi qua địa phương mình, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư... trên địa bàn.

Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và huy động sự tham gia ngay từ đầu của các cơ quan chức năng để đảm bảo công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, báo cáo kết quả thực hiện sau khi kết thúc thời hạn thực hiện chính sách.

Bên cạnh đó, do quy mô Chương trình lớn nên Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp kiểm soát rủi ro có thể xảy ra nhất là áp lực lạm phát gia tăng trong năm 2022-2023.

Cụ thể là thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới để có phản ứng phù hợp kiểm soát lạm phát. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra nhất là trước, trong quá trình xây dựng công trình.

Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước, yêu cầu các cơ quan liên quan tham gia ngay từ đầu khi triển khai các chính sách đặc thù, nhất là cơ chế chỉ định thầu…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chương trình phục hồi kinh tế được tính toán trên quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO