Chương trình hoãn nợ quốc gia và bài toán tránh hiệu ứng đổ vỡ trái phiếu đáo hạn

Phạm Minh | 10:26 01/02/2023

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng: Chính phủ nên có chương trình hoãn nợ quốc gia cho tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong vòng 1 – 2 năm, nếu không khoảng hơn 700.000 tỷ trái phiếu đáo hạn giai đoạn 2023 - 2025 có nguy cơ vỡ nợ theo hình thức domino.

Chương trình hoãn nợ quốc gia và bài toán tránh hiệu ứng đổ vỡ trái phiếu đáo hạn
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ cần có chương trình hoãn nợ quốc gia. (Ảnh: Int)

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, nhận định với quy mô phát hành lớn trong giai đoạn 2018-2021 và thời hạn khoảng 4 năm thì sẽ có một khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023-2025 (hơn 700.000 tỷ đồng chưa tính tiền lãi).

Các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành gần 215.000 tỷ đồng năm 2021 và 10 tháng đầu năm là 50.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất trung bình 10,35%/năm.

"Theo đó, lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp ngành này cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới (năm 2023 khoảng 120.000 tỷ đồng, năm 2024 khoảng 110.000 tỷ đồng), chưa tính tiền lãi", TS. Lực nhận định.

Sau sự việc liên quan đến công ty Vạn Thịnh Phát, việc mua lại trái phiếu trước hạn càng tăng mạnh. Tính đến ngày 30/12/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 210.573 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021)

Đánh giá về việc khó khăn khi doanh nghiệp cần đáo hạn hơn 700.000 tỷ đồng trái phiếu, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trước tiên, Chính phủ cần phải chặn đứng hiệu ứng domino, nếu doanh nghiệp vỡ nợ thì sẽ xảy ra tình trạng vỡ nợ hàng loạt bởi đây là một con số rất lớn.  

Để giải bài toán này, Chính phủ nên có chương trình “hoãn nợ”, đây là một chương trình hoãn nợ quốc gia, cho tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu được hoãn nợ trong vòng 1 – 2 năm.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng chính sách đó. Những doanh nghiệp phát hành trái phiếu cố tình lừa đảo, sử dụng vốn bất hợp pháp, vi phạm luật chứng khoán… thì không thể dời lại hạn trả nợ.

Còn đối với những doanh nghiệp làm ăn bài bản đúng với quy định của pháp luật, trái phiếu của họ đến hạn trong 1 – 2 năm tới thì nên có quy định của Chính phủ cho họ hoãn nợ. Trong thời gian hoãn nợ, các nhà đầu tư, các trái chủ không được đưa họ ra tòa để khởi kiện, để tòa án áp dụng luật phá sản.

“Chính phủ cần phải có những biện pháp mạnh như vậy để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Theo TS. Hiếu, thực tế Nghị định 65 cũng có điều khoản cho phép các doanh nghiệp có thể hoãn nợ trong vòng 2 năm nếu đạt được sự thỏa thuận với các trái chủ, nhà đầu tư.

Tuy nhiên, TS. Hiếu cho rằng, thỏa thuận như vậy vẫn còn rất nhiều bất định bởi vẫn có trường hợp các nhà đầu tư không chịu cho hoãn nợ. Chính vì vậy, Chính phủ cần phải có giải pháp mang tính quốc gia, đưa ra chương trình hoãn nợ quốc gia để doanh nghiệp làm ăn bài bản trong vòng 1 – 2 năm.

Riêng về doanh nghiệp thì họ có thể tìm nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn như bán tài sản, chuyển đổi nợ thành cổ phần… Nhưng trong tình hình thị trường trái phiếu gặp khó khăn như hiện nay thì các biện pháp chỉ mang tính có nhưng không sử dụng được.

Kinh nghiệm phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở thị trường Mỹ, TS. Hiếu cho biết, hầu hết trái phiếu doanh nghiệp bên họ được xếp hạng tín nhiệm. Xếp hạng tín nhiệm rất quan trọng cho các nhà đầu tư bởi khi nhìn vào đó, họ có thể định được mức độ rủi ro và tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của bản thân. Đặc biệt là những quỹ về hưu, người hưu trí họ chỉ mua những trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm mà thôi.

Trở lại với Nghị định 65, xếp hạng tín nhiệm được yêu cầu nếu doanh nghiệp phát hành một lượng trái phiếu trên 500 tỷ đồng và tất cả lượng phát hành trái phiếu từ trước đến giờ không quá 100% vốn chủ sở hữu thì phải có xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, tại lần sửa đổi này, Bộ Tài chính đang muốn bổ sung: chỉ bắt buộc xếp hạng tín nhiệm vào năm 2024.

“Nếu như Bộ Tài chính đưa ra bổ sung như vậy thì tôi nghĩ đây là điều bất hợp lý bởi Bộ Tài chính cũng vừa đưa ra thay đổi, sửa đổi Nghị định 65 với một vài vấn đề: cho phép doanh nghiệp phát hành có thể đàm phán dời lại việc trả nợ 2 năm; những điều kiện các nhà đầu tư riêng lẻ phải đáp ứng để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng được dời sang 2024”, TS. Hiếu nói.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ông cũng đồng ý rằng nên hoãn lại những quy định chặt chẽ như vậy để cởi trói thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, quy định về xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để phát hành trái phiếu Bộ Tài chính nên áp dụng ngay để đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư mua trái phiếu.

“Nếu mình có 3 cửa, 2 cái mở thì phải có 1 cái đóng lại để giảm thiểu rủi ro, trong trường hợp tất cả các cửa đều mở thì thị trường càng ngày càng rối loạn”, TS. Hiếu ví von.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chương trình hoãn nợ quốc gia và bài toán tránh hiệu ứng đổ vỡ trái phiếu đáo hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO