Thị trường liên tục xuất hiện các đợt giằng co đang xen nhau giữa các phiên giao dịch, cho thấy tâm lý lưỡng lự của các nhà đầu tư, kể cả bên bán ra cũng không mấy mặn mà. Tuần này có 4/5 phiên tỷ lệ cổ phiếu giảm giá nhiều hơn tăng giá. Ngay tại phiên đầu tuần, chỉ số đã lùi nhẹ hơn tham chiếu 1 điểm, phiên sau đó lại hồi phục rất nhẹ 0,2 điểm.
Phiên thứ 3 (17/5) đà bán tháo trở lại rõ ràng hơn khi VN-Index giảm hơn 5 điểm, do áp lực tâm lý chốt lời ngắn hạn của các nhà đầu tư cùng gánh nặng cổ phiếu có vốn hóa lớn, đặc biệt từ nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, phiên thứ 4 (18/5) thị trường lại dậy sóng vào phiên chiều, dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn giúp VN-Index tăng mạnh gần 8 điểm.
Dù vậy, đến phiên cuối tuần các chỉ số chính giao dịch trái chiều, kết phiên, VN-Index giảm 1,24 điểm, về mức 1.067,07 điểm; Xét cho cả tuần, VN-Index tổng cộng chỉ nhích nhẹ trên tham chiếu so với tuần trước 0,17 điểm (+0.02%),
Phía HNX-Index kết tuần “thoát hiểm” thành công tăng 0,9 điểm, kết phiên ở mức 213,91 điểm; Tổng cả tuần HNX-Index giảm 1,19 điểm (-0,55%). Thanh khoản trên sàn HNX giảm nhẹ 0,7% so với tuần trước xuống 7.949 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch tuần qua trở lại ở mức cao trên mức trung bình 20 ngày. Với tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 63 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 3,7 tỷ đơn vị cổ phiếu sang tay trong tuần qua; tính trung bình giá trị giao dịch trên sàn chính này đạt gần 12,5 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 15,5% so với tuần trước đó, khối lượng giao dịch tăng 10,9%. Cho thấy lực cầu đang quay trở lại. Tuy nhiên, động lực đi lên của thị trường sẽ bị hạn chế bởi khoảng trống thông tin trong tháng 5/2023.
Tối ngày 18/05, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về các giải pháp trước mắt để bảo đảm đủ điện, trong bối cảnh cả nước vào mùa nắng nóng và mực nước của các hồ thủy điện rơi xuống mức báo động. Điều này có nghĩa Việt Nam phải huy động điện từ các nguồn khác như năng lượng tái tạo hoặc nhiệt điện than.
Trước đó, thông tin chính thức phê duyệt Quy hoạch điện 8 và ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm phần nào tạo đà tâm lý tốt cho các nhà đầu tư trong tuần.
Xét theo mức độ đóng góp, VHM +5,66%, VCB +1,51% và VIC +1,55% là những mã có tác động tích cực đến VN-Index. Trong đó, tính riêng VHM đã tích gần 1 điểm cho chỉ số này. Ở chiều ngược lại, SAB -1,95%, GVR -3,27%,…là những mã có tác động tiêu cực nhất.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa, với lực cầu tập trung ở các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ hơn là cổ phiếu có vốn hóa lớn như NAB +5,36%, VIB +4,39%, STB +3,92%, OCB +3%, SHB +1,72%, TCB +1,2% và ngoại trừ thêm siêu trụ VCB +1,5%, trong khi CTG -1,41%, BID -1,33%, VPB -2,3%, SSB -3,4%, các mã TPB, ACB giảm nhẹ hay MBB đứng tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu bất động sản ngoài các cổ phiếu đầu ngành VHM +5,66%, VIC +1,55%, thì đa phần chịu áp lực điều chỉnh giảm giá mạnh, cùng thông tin thị trường kém tích cực như L14 -9,5%, NTL -6,3%, CEO -5,93%, NLG -5,47%, SCR -4,73%,...
Mặt khác, một số cổ phiếu ngành than tăng gây chú ý như TC6 +8,05%, TVD +4,55%, NBC +5,93%,... Bên cạnh đó là các cổ phiếu ở nhóm dầu khí có diễn biến tích cực với những cái tên nổi bật như PVB +16,08%, PVS +7,6%, PGD +7,21%, PVC + 6,71%,...
Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 1.013 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng hơn 1.009 tỷ đồng trên sàn HoSE với 3 phiên quay lại mua ròng trên sàn này và mua ròng hơn 3 tỷ đồng trên sàn HNX.
Nổi bật nhất tại phiên cuối tuần, khi cổ phiếu STG của Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam dẫn đầu bên mua với giá trị gom ròng hơn 1.316 tỷ đồng. Theo sau là VHM được mua ròng gần 41,2 tỷ đồng và +VRE 24,8 tỷ đồng.