Chứng khoán tuần qua: Khối ngoại bán ròng, thị trường rung lắc mạnh

Thu Thủy | 09:27 09/09/2023

Thị trường tiếp đà tăng điểm bất chấp khối ngoại bán ròng số lượng lớn, khiến VN-Index có tuần giao dịch rung lắc mạnh.

Chứng khoán tuần qua: Khối ngoại bán ròng, thị trường rung lắc mạnh
Sau chuỗi tăng điểm ấn tượng, nhà đầu tư bắt đầu chốt lời ngắn hạn ở 2 phiên cuối tuần khiến chỉ số chính VN-Index lao dốc.

Theo đó, nối mạch hứng khởi từ tuần giao dịch trước, phiên giao dịch ngay sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Thị trường hào hứng bật giá ở hai phiên đầu tuần, đồng thời thiết lập đỉnh mới tại ngày 6/9 với hơn 10 điểm tại 1.245,5 điểm, đóng cửa ở mức giá cao nhất của năm.

Tuy nhiên, sang phiên 7/9, VN-Index đột ngột đảo chiều dưới áp lực chốt lời ngắn hạn sau chuỗi 6 phiên liên tiếp đẩy giá lên cao. Đến phiên cuối tuần gánh nặng cổ phiếu có vốn hóa lớn khiến chỉ số chính VN-Index tiếp tục giảm điểm, bất chấp sắc xanh chiếm ưu thế trên thị trường trong phiên giao dịch ngày 8/9.

Kết thúc tuần, VN-Index vẫn tăng tổng cộng 17,43 điểm, ứng với tăng 1,42% so với tuần trước, duy trì 3 tuần liên tiếp tăng điểm từ vùng giá 1.150 điểm lên 1.241,48 điểm với thanh khoản cải thiện mạnh, trung bình đạt hơn 1 tỷ USD (24,4 nghìn tỷ đồng) trên sàn HoSE, tăng 20,4% so với tuần trước, khối lượng giao dịch tăng 20%. Khối lượng giao dịch trung bình hơn 1 tỷ cổ phiếu/phiên ở sàn này.

Phía HNX-Index tích cực hơn vượt lên vùng đỉnh giá hồi tháng 8/2023, kết thúc tuần ở mức 256,20 điểm, tăng 6,45 điểm, tăng 2,58% so với tuần trước.

Bên cạnh đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.230 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong tuần. Tại sàn HoSE khối này bán ròng lên đến hơn 1.320 tỷ đồng.

Trong tuần, xuất hiện giao dịch mua vào mạnh cổ phiếu VPB với giá trị trên 800 tỷ đồng đã giúp làm giảm lại giá trị bán ròng của khối này. Trong khi, chiều bán, HPG và chứng chỉ quỹ FUEVFVND dẫn đầu danh sách bán ròng với giá trị lần lượt 499 tỷ đồng và 423 tỷ đồng.

screenshot-33-.png

Thị trường liên tục xuất hiện giằng co, khi bị cản trở bởi tâm lý chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư.

Xét theo mức độ đóng góp, ảnh hưởng tích cực đến VN-Index là GAS +3,65% và HPG +4,17% thị giá cùng đóng góp 1,7 điểm vào mức tăng của VN-Index. Ngoài ra còn có VPB xếp thứ 3 với mức tăng 4,06% giúp chỉ số tăng 1,4 điểm. Ngược lại, 3 cổ phiếu “họ Vin” là VIC -4,83%, VHM -1,28% và VRE -2,31% dẫn đầu nhóm ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số hơn 4 điểm.

Cụ thể diễn biến tại các nhóm ngành. Tại nhóm ngân hàng tổng thể diễn biến khá tích cực tại một số cổ phiếu, nổi bật có: OCB +8,67%, ABB +8,05%, MSB +5,36%, NAB +5,26%, VPB +4,06%, MBB +3,24%, TCB +2,46%,… Trong khi, ở một số mã có vốn hóa lớn lại có tuần giao dịch khá trầm lắng như: VCB +0,45%, BID +0,46%, ACB +0,66% hay CTG giảm 0,46%.

Ở nhóm bất động sản, trong khi cổ phiếu “họ Vin” lao dốc, các mã còn lại có vốn hóa thấp hơn có tuần giao dịch khá ổn định với mức tăng tốt như: BCM +0,55%, KBC +2,76%, DIG +2,62%, PDR +3,23%, NLG +1,03%, DXG +1,51%, GVR +3,89%,…

Nổi bật là sức tăng của cổ phiếu NVL +7,58% phản ứng với thông tin mới về việc gỡ vướng dự án 5 tỷ USD của Novaland tại dự án NovaWorld Phan Thiết - một trong những dự án mang yếu tố sống còn với Novaland có quy mô gần 1.000 ha. Bất chấp thông tin không mấy khả quan về tình hình Novaland chậm trả gần 6.000 tỷ đồng gốc và lãi trái phiếu trong nửa đầu năm.

Mã cổ phiếu PDR (Phát Đạt) có phiên tăng điểm thứ 10/11 phiên gần nhất, kết phiên 8/9 ở mức giá 25.600 đồng/CP. Nhịp tăng 25% chỉ sau 2 tuần kéo cổ phiếu Phát Đạt lên cao nhất kể từ đầu tháng 11/2022.

Ngoài ra, sự chú ý còn đến từ cổ phiếu QCG (Quốc Cường Gia Lai) có phiên giảm sàn (-6,93%) bất ngờ sau chuỗi 7 phiên tăng điểm liên tiếp trước đó, với khối lượng khớp lệnh kỷ lục hơn 4,3 triệu đơn vị, kết phiên 8/9, giá cổ phiếu QCG rơi về mức giá 14.100 đồng/CP.

screenshot-34-.png

Khối ngoại tiếp tục bán ròng lớn trên sàn HoSE khiến chỉ số càng giằng co mạnh.

Nhóm chứng khoán không còn nổi bật như tuần trước khi các cổ phiếu trong nhóm dần hạ nhiệt, ngoài FTS của chứng khoán FPT tăng tới 16,58%, trở thành điểm đến của dòng tiền trong gần 2 tuần trở lại đây. Động lực là bức tranh tăng trưởng kinh doanh ấn tượng trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 của Tập đoàn. Cụ thể sau nửa đầu năm, Tập đoàn FPT đạt 24.166 tỷ đồng doanh thu tăng 21,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 3.665 tỷ đồng, tăng 18,2%.

Các mã còn lại trong nhóm này tăng khá chậm như: SSI +1,05%, VND +0,64%, SHS +1,08%, HCM +3,98%, VIX đứng tham chiếu, thậm chí VCI giảm 0,42%,…

Trong tuần, nhóm hàng hóa, phân bón gây ấn tượng với DDV +18,87%, LAS +11,63%, DPM +9,47%, DCM +9,19%,… trước thông tin Trung Quốc hạn chế xuất khẩu. Với nhóm hóa chất có CSV +6,09%, DGC +5,60%, cảng biển, vận tải biển với HAH + 9,80%, DXP +8,46%, VOS +7,53%, VSC +6,17%,...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chứng khoán tuần qua: Khối ngoại bán ròng, thị trường rung lắc mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO