Phiên đầu tuần thị trường đón nhận nhiều tin tức tích cực cả trong và ngoài nước. Tại thị trường thế giới, thông tin Mỹ đạt thoả thuận ngăn vỡ nợ, với việc Washington đạt thỏa thuận về mức trần nợ công mới. Tại thị trường trong sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng vào tuần trước, vừa qua hơn 20 ngân hàng đã hạ lãi suất tại nhiều kỳ hạn, đưa mức lãi suất niêm yết cao nhất về 8,5%/năm. Những thông tin tích cực giúp thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tuần với các chỉ số khởi động đầy lạc quan. VN-Index tăng ngay từ mở cửa với gần 4 điểm, sau đó liên tục kéo lên vượt mốc 1.070 điểm.
Thanh khoản tăng mạnh trên cả 2 sàn chính, cùng lực cầu từ nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn tăng cao. Bên mua chiếm ưu thế hoàn toàn trong đà phục hồi khi VN-Index tăng 9,26 điểm kết phiên sáng.
Phiên chiều, thị trường xuất hiện những đợt giằng co thời điểm đầu phiên, chỉ số quay đầu nhẹ. Tuy nhiên, sau 13h30 lực cầu trở lại, càng về cuối phiên, chỉ số VN-Index càng tăng mạnh băng băng một mạch lên mốc cao nhất trong ngày đạt 1.077 điểm. Cuối phiên ATC, các cổ phiếu có vốn hóa lớn đột ngột suy giảm, chỉ số VN-Index kết phiên lùi nhẹ 2 điểm so với mốc cao nhất.
Kết phiên đầu tuần, VN-Index hồi phục mạnh mẽ tăng 11,22 điểm (+1,05%) lên 1.074,98 điểm. HNX-Index tăng 2,67 điểm (+1,23%) đạt 220,31 điểm. UPCOM-Index tích lũy thêm 0,55 điểm (+0,685) ở mức 81,13 điểm.
Sắc xanh áp đảo trên rổ VN30 với 24 mã tăng giá, 4 mã tham chiếu trên cho 2 mã giảm giá là MSN và sab. Ông lớn VCB đóng vai trò dẫn dắt khi là mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index với đóng góp 1,3 điểm tăng cho chỉ số, thời điểm tăng mạnh nhất cổ phiếu này đã góp cho thị trường tận 3,6 điểm.
Theo sau là các ông lớn khác như GVR, VIC, BID,.... Trong khi đó, sắc đỏ của các mã MSN, HDG, PGV. PNJ,… tạo áp lực ở chiều ngược lại, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không đáng kể.
Mặt khác, thanh khoản thị trường trong phiên hôm nay khá sôi động với hơn 844,8 triệu đơn vị cổ phiếu sang tay trong phiên, tương ứng giá trị gia dịch đạt gần 13,8 nghìn tỷ đồng tại sàn HoSE. Bên mua chiếm ưu thế vượt trội với 324 mã tăng giá trong đó có 44 mã tăng kịch trần, và chỉ trên 69 mã giảm giá.
Bên cạnh đó, khối nhà đầu tư nước ngoài sau đợt bán ròng miệt mài nguyên tuần trước, phiên này đã theo xu hướng của thị trường quay lại mua ròng với 125,4 tỷ đồng trên sàn HoSE và gần 10 tỷ đồng trên sàn HNX. Tâm điểm mua vào là cổ phiếu KBC +57 tỷ đồng, kế đến là STB +50,6 tỷ đồng, BID +41 tỷ đồng, SSI +37 tỷ đồng, VND +31 tỷ đồng,…
Ngược lại, chiều bán CTG bị khối này xả mạnh nhất với 62,4 tỷ đồng, tiếp đó là DPM -25 tỷ đồng, VPB -19,8 tỷ đồng, NVL -15,4 tỷ đồng,…
Sau nhiều phiên liên tục bị bán tháo và là gánh nặng của thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên hôm nay đã được nhà đầu tư quay lại chú ý. Toàn nhóm phủ khắp sắc xanh với 17 mã tăng giá, 1 mã kịch trần. Ngoài 2 mã BAB và NVB đột ngột lao dốc xuống sắc đỏ cuổi giờ, còn lại đều tăng rất tốt như: VCB +1,2%, BID +1,15%, CTG +0,72%, VPB +1,04%, TCB +1%, MBB +1,63%, STB +1,84%, EIB +3,58%,…
Cổ phiếu bất động sản giao dịch cũng hết sức tích cực, chiếm 40/77 mã tăng giá cùng 18 mã tăng kịch trần. Nhiều mã tăng ấn tượng như KBC +4,26%, TCH +2,05%, PDR +2,24%, SZC +4,96%, SCR +3,8%, KHG +3,87%; Hay ITA, QCG, SGR, TDC, EVG, ITC đều tăng kịch biên độ.
Cổ phiếu chứng khoán còn rực rỡ hơn khi SSI +3,77%, VCI +2,94%, HCM +3,03%, FTS +2,82%, BSI +4,38%, VIX +4,63%, VND tăng kịch trần,… Nhóm sản xuất cũng nghiêng hẳn về bên mua, trong đó, HPG +1,66%, GVR +5,81%, DGC +2,39%, HSG +2,28%, IDI tăng kịch trần,... Ở chiều ngược lại, MSN -0,56%, SAB -0,13%, DHG -2,68%, DPM -0,48%,..