Tại hội thảo “Dịch vụ tài chính - Ngân hàng 2023” do tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) phối hợp cùng các bộ và cơ quan ban ngành tổ chức cuối tuần qua, các ngân hàng đã nêu ra nhiều khó khăn trong việc phát triển chuyển đổi số như chưa có văn bản hướng dẫn triển khai Smart OTP; chưa có hành lang pháp lý cho việc khai thác dữ liệu khách hàng,...
Cụ thể, tại chương trình, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Khối Công nghệ MSB cho biết, trong bối cảnh chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, ngân hàng chỉ mới dừng lại đưa ra định hướng xem Smart OTP như chữ ký điện tử trong giao dịch dân sự.
“Giao dịch yêu cầu 2 yếu tố là một trong những loại bảo mật phổ biến và có tính an toàn cao. Trên cơ sở đó, tôi kiến nghị các cơ quan ban ngành có sự điều chỉnh các quy định phù hợp hơn”, ông Quốc Khánh đề xuất.
Ông Phạm Đức Duy - Giám đốc Trung tâm Quản Lý & Phát triển kinh doanh, Khối Cá nhân, Sacombank cũng chia sẻ, ngân hàng đã ứng dụng công nghệ vào việc xác thực khách hàng (eKYC); dùng robot chăm sóc khách hàng và bước đầu đạt được một số thành tựu. Vừa qua, Sacombank có dự định tiến xa hơn trong việc sử dụng AI và dữ liệu liệu lớn để phê duyệt tín dụng. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất là vẫn chưa có các văn bản pháp lý hướng dẫn ngân hàng khai thác dữ liệu người dùng cũng như triển khai phê duyệt tín dụng dựa trên dữ liệu lớn.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dự thảo sửa đổi các văn bản luật hiện tại có xem Smart OTP như một chữ ký điện tử an toàn. Tuy nhiên, một điểm khác cần lưu ý là chữ ký này phải được cấp phép bởi bộ thông tin truyền thông. Đây là điều khác hoàn toàn so với Smart OTP mà các ngân hàng đang triển khai.
“Vấn đề này đã được góp ý rất nhiều. Theo đó, cần phải chia chữ ký số thành nhiều mức, có những mức không cần sự cấp phép từ bộ thông tin truyền thông. NHNN cũng đã có những văn bản chính thống trình thống đốc ký và gửi bộ phận soạn thảo luật. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các thông tin như tôi biết thì vẫn giữ nguyên như dự thảo luật. Nếu luật được thông qua, đồng nghĩa với việc sẽ có một số phiền hà như các ngân hàng phải xin phép bộ Thông tin Truyền thông để triển khai chữ ký số”, ông Tuấn nhận định.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước nói thêm, hiện cơ quan này vẫn đang xúc tiến sửa đổi bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật gồm: Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng (dự kiến trình Quốc hội trong tuần sau); sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; kiến nghị Quốc hội ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong hoạt động tài chính ngân hàng (sandbox). Dự kiến sẽ có 3 lĩnh vực được phép đăng ký thử nghiệm gồm 1) P2P lending; 2) dịch vụ chia sẻ thông tin (phải tuân thủ định hướng bảo đảm bí mật thông tin cá nhân theo các văn bản luật và dưới luật quy định. Ví dụ nghị định 13 về bảo vệ bí mật thông tin cá nhân); thứ 3 là chấm điểm tín dụng.
Ông Phạm Anh Tuấn cũng kỳ vọng, Bộ Công An sẽ sớm cho các tổ chức tín dụng kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hoạt động chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng có thể diễn ra thuận lợi hơn.