Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư tiếp tục hiện diện trong những phút đầu giao dịch. Trong giờ đầu tiên mở cửa, VN-Index chỉ giao dịch ở mốc 1.067 điểm sau một nhịp kéo thẳng lên mốc 1.069 điểm trước đó. Tuy nhiên, sau đó tâm lý giao dịch đầu tuần lạc quan hơn giúp chỉ số VN-Index duy trì được sắc xanh, tăng trong nửa đầu phiên sáng. Đến cuối phiên thị trường dần mất đà, tạm kết phiên VN-Index chỉ còn tăng 0,47 điểm.
Phiên chiều, khoảng 10 phút đầu phiên thị trường tiếp đà lao dốc về mốc thấp nhất trong phiên 1.065 điểm. Sau đó, sắc xanh của VN-Index dần được nới rộng, lực cầu cùng dòng tiền đồng thuận trở lại. Càng về cuối phiên, chỉ số VN-Index càng tăng mạnh băng băng một mạch kết phiên tại mốc cao nhất trong ngày, nhưng dưới sức nặng bán ròng của khối ngoại phiên đầu tuần VN-Index chỉ đủ sức chạm mốc 1.070 điểm.
Theo đó, kết phiên VN-Index tăng 3,57 điểm (+0,33%) đạt mốc 1.070,64 điểm. HNX-Index tăng 1,99 điểm (+0,93%) tại 215,90 điểm. UPCOM-Index tăng 0,13 điểm (+0,16%) lên 81,21 điểm.
Khối cổ phiếu có vốn hóa lớn VN30 dẫn dắt thị trường tăng gần 5 điểm, với 16 mã cổ phiếu tăng giá, 4 mã tham chiếu trên cho 10 mã giảm giá. Trong đó, cổ phiếu VCB, VIC và VNM ảnh hưởng tiêu cực nhất tới chỉ số chính, chỉ riêng VCB đã lấy đi gần 1,3 điểm. Trong khi ngược chiều hai mã nhóm ngân hàng TCB và VPB tích cực nhất Top 10 cũng chỉ hồi lại được 1,5 điểm cho VN-Index.
Cụ thể, tại nhóm ngân hàng dù chiếm áp đảo 15 mã tăng giá cùng 2 mã tham chiếu trên cho 3 mã giảm giá nhưng nhóm này cũng chỉ đóng cửa ở mức tăng 0,36%. Trong đó, nhóm cổ phiếu của 3 ngân hàng có vốn nhà nước ghi nhận diễn biến kém khả quan khi VCB -1,17%, CTG -0,18%, còn BID đứng giá tham chiếu. Các mã còn lại hết sức tích cực như: VPB +2,07%, TCB +2,87%, MBB +1,07%, STB +1,08%, TPB +1,49%, SHB +1,69% hay EIB +2,89%,…
Tương tự, với nhóm bất động sản, các “đại gia” trong ngành giao dịch ảm đạm, VHM đứng giá tham chiếu còn VIC -0,76%, BCM -0,13%, VRE -0,36%. Trái lại, 50 mã tăng giá trong đó có 2 mã kịch trần, nổi bật là các mã vốn hóa nhỏ tăng mạnh nổi bật, NLG +4,06%, TCH +2,86%, KBC +1,11%, NVL +1,14%, TDC +5,36% ,SCR +3,79%,…; SGR, ITC cùng tăng kịch trần.
Nổi bật là, sau nhịp chững lại cuối phiên sáng, các mã nhóm xây dựng đều tăng mạnh. HBC, LCG ở trạng thái “trắng bảng bên bán”, C4G, VNE, VCG tăng trên 5%,…
Cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến khá tích cực khi VND +0,62%, VCI +0,74%, HCM +1,75%, VIX +0,61%, BSI +2,65%, FTS +3,77%,... Riêng SSI đứng giá tham chiếu. Tại nhóm sản xuất khá phân hóa khi VNM -0,58%, MSN -0,55%, DCM -0,21%,… ngược lại HPG +0,46%, GVR +1,54%, DGC +0,4%, DHG +0,45%, còn SAB đứng giá tham chiếu.
Sau thông tin, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – Đạm Phú Mỹ (DPM), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), đề nghị ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô - tháng 5 và tháng 6. Cổ phiếu của 2 “đại gia” ngành phân bón đã ngay lập tức lao dốc. Kết phiên 22/5, mã cổ phiếu DPM giảm 2,64% xuống mốc 31,300 đồng/cổ phiếu đây là phiên giảm giá thứ 3 liên tiếp của Đạm Phú Mỹ. Trong khi đó, mã DCM giảm nhẹ 0,21% về mức 23,500 đồng/cổ phiếu kết phiên 22/5, đây cũng là phiên giảm giá thứ 2 liên tiếp của Đạm Cà Mau sau thông tin bị đề nghị ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện.
Toàn sàn HoSE có 263 mã tăng giá, 52 mã đứng giá tham chiếu và 125 mã giảm giá. Thanh khoản có phần giảm nhẹ so với phiên trước đạt 12,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 711 triệu đơn vị cổ phiếu sang tay trong phiên.
Tuy nhiên, giao dịch khối ngoại lại là điểm trừ khi bán ròng mạnh tay 469 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng với giá trị 468 tỷ đồng, VNM chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại với giá trị 79 tỷ đồng; theo sau chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng bị xả gần 59 tỷ đồng. Ngoài ra, VND, HPG, DPM cũng bị bán ròng mạnh hàng chục tỷ đồng mỗi mã. Tại chiều mua, cổ phiếu VRE được mua ròng mạnh nhất với giá trị 41 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại cũng mua ròng VHM, NT2, PVD với giá trị từ 17-31 tỷ đồng mỗi mã.