Chứng khoán bất ngờ bứt phá 33 điểm trong phiên 8/11 với thanh khoản tăng vọt, điều gì đang diễn ra?

Hạ Anh | 17:03 08/11/2023

Tâm lý nhà đầu tư dường như đã tích cực hơn khiến dòng tiền chủ động “bắt đáy” khi thị trường đã chiết khấu sâu kể từ đỉnh.

Chứng khoán bất ngờ bứt phá 33 điểm trong phiên 8/11 với thanh khoản tăng vọt, điều gì đang diễn ra?

Sau quãng giao dịch ảm đạm, cú bứt phá bất ngờ của VN-Index trong phiên 8/11 như cơn mưa rào tưới mát tâm hồn nhà đầu tư chứng khoán. Trong suốt cả phiên, thị trường gần như chỉ lình xình trong sắc đỏ với thanh khoản èo uột. Tuy nhiên lực cầu bất ngờ “đổ bộ” sau 14h chiều giúp chỉ số nhanh chóng đổi màu và dứt khoát vượt mốc 1.100 điểm. 

Đáng chú ý, đi kèm với đà tăng của điểm số, thanh khoản cũng tăng mạnh 62% so với phiên hôm trước khi giá trị khớp lệnh chạm ngưỡng 17.200 tỷ đồng. Tâm lý nhà đầu tư dường như đã tích cực hơn nên dòng tiền chủ động “bắt đáy” khi thị trường đã chiết khấu sâu kể từ đỉnh.

Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đồng thuận đi lên dẫn dắt đà tăng của chỉ số. Tâm điểm là sự trở lại của cổ phiếu ngân hàng khi ngập màu “xanh ngát”, một loạt trụ cứng như VCB, BID, TCB, VPB,.. góp công lớn cho đà tăng của chỉ số. Cổ phiếu bất động sản, chứng khoán cũng có một phiên bung sức với loạt mã tăng hết biên độ.  

Khép lại phiên giao dịch 8/11, VN-Index tăng 33,14 điểm lên 1.113 điểm. Sắc xanh bao trùm toàn thị trường với gần 900 cổ phiếu tăng điểm, trong đó có 86 mã tăng kịch trần.

Nguyên nhân giúp chứng khoán tăng mạnh

Nhìn nhận về xu hướng tăng của thị trường,  ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Phân tích FIDT cho rằng các tin tức tiêu cực trước đó đã phản ánh mạnh và dư nợ margin hay các nguồn vay khác đã giảm đáng kể. Khi thị trường đã hấp thụ hết các thông tin trên thì thị trường đã phục hồi như dự phóng trước đó.

Yếu tố quốc tế cũng góp phần củng cố đà tăng của chỉ số khi các rủi ro quốc tế liên quan xung đột đã “dịu xuống”, Fed phát tín hiệu lãi suất đã đạt đỉnh. Nhìn chung các yếu tố rủi ro đã phán ánh mạnh vào thị trường, đặc biệt là yếu tố tâm lý. Khi các thông tin trong nước và quốc tế tốt lên thì thị trường phản ánh khá tích cực.

Đặc biệt, hiện tượng dòng tiền chảy mạnh giúp VN-Index bật tăng trong phiên chiều nhờ sự cộng hưởng của yếu tố thế giới như trên và nhiều thông tin tích cực trong nước.

Thứ nhất, tỷ giá USD/VND đã có dấu hiệu hạ nhiệt với triển vọng các dòng tiền USD từ FDI, kiều hối, … sẽ cải thiện (inflow) từ đây đến cuối năm giúp hỗ trợ tốt cho tỷ giá, vốn là mối quan tâm lo lắng của giới đầu tư trong thời gian gần đây.

Thứ hai, thị trường kỳ vọng Quốc hội sẽ thông qua các luật quan trọng liên quan thị trường Bất động sản (BĐS) trong Kỳ họp lần nãy sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi của thị trường BĐS.

Thứ ba, Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ.

Thứ tư, trong phiên trả lời chất vấn của Quốc Hội sáng nay, Thủ tướng khẳng định lại một lần nữa chính sách vẫn sẽ tập trung mạnh vào hỗ trợ nền kinh tế.

Về thanh khoản cải thiện, ông Phương nhìn nhận dòng tiền thông minh đã mua ròng mạnh từ đầu tháng 11 đến nay. Tính từ 1/11 đến hết 7/11 thì tự doanh đã mua ròng hơn 1,22 nghìn tỷ, khối ngoại mua ròng khoảng 660 tỷ.

Với nhà đầu tư cá nhân thì thường sẽ trở lại thị trường sau khi thị trường có xu hướng phục hồi rõ ràng và chuyên gia cho rằng dòng tiền nhà đầu tư cá nhân sẽ trở lại thị trường mạnh mẽ từ phiên hôm nay giúp thị trường tiếp tục phục hồi.

Đáy ngắn hạn đã được thiết lập

Tính đến thời điểm hiện tại, chuyên gia FIDT đánh giá  đáy ngắn hạn đã được thiết lập vào đầu tháng 11 và đang trong giai đoạn phục hồi. Nếu không có các diễn biến tiêu cực bất ngờ, thị trường sẽ tiếp tục phục hồi về mốc 1.150 điểm sau đó tích lũy và có thể tiến đến vùng 1.200-1.250 cuối năm theo dự phóng trước đó của FIDT.

Các yếu tố chính dẫn dắt cho thị trường thời gian tới dựa vào sức hấp dẫn của chứng khoán sau đợt điều chỉnh mạnh và định giá rẻ sẽ là yếu tố thu hút dòng tiền trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam với dự phóng phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 và là một trong những quốc gia tăng trưởng tốt nhất năm 2024 (theo IMF) cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy đà tăng của thị trường.

Mặt khác, đà phục hồi của thị trường chứng khoán có thể được củng cố thêm bởi chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế từ đây đến ít nhất giữa năm 2024. Thêm vào đó, nền lãi suất huy động và cho vay hiện nay đã tương đương giai đoạn dịch Covid và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì thấp hỗ trợ nền kinh tế đến ít nhất giữa 2024 và thị trường chứng khoán luôn hấp dẫn trong môi trường lãi suất thấp. 


(0) Bình luận
Chứng khoán bất ngờ bứt phá 33 điểm trong phiên 8/11 với thanh khoản tăng vọt, điều gì đang diễn ra?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO